Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 20/07/2011-08:20:00 AM
Báo cáo tình hình một số vấn đề nổi lên trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp tháng 7 năm 2011
Báo cáo của Vụ Kinh tế nông nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 22/7/2011
1. Nông nghiệp
a. Trồng trọt
Trọng tâm sản xuất nông nghiệp trong tháng chủ yếu tập trung vào làm đất và gieo cấy lúa mùa, chăm sóc lúa hè thu và thu hoạch lúa hè thu sớm.
Lúa mùa: Tính đến trung tuần tháng 7/2011, cả nước đã gieo cấy được 723 nghìn ha lúa mùa, bằng 70,6% so cùng kỳ; Các tỉnh miền Bắc song song với việc thu hoạch lúa đông xuân, các địa phương cũng triển khai gieo mạ mùa và làm đất, đảm bảo lúa mùa được gieo cấy đúng lịch thời vụ. Tính đến 15/7, làm đất đạt trên 50%; mạ đã gieo đạt 30% diện tích kế hoạch; gieo cấy lúa mùa đạt 566,8 nghìn ha, bằng 64,1% so cùng kỳ, trong đó các tỉnh Đồng bằng sông Hồng gieo cấy đạt 220,4 nghìn ha, bằng 49% so cùng kỳ; trong đó Vĩnh Phúc đạt 97,9%; Hà Nội đạt 99,2%; Hà Nam đạt 80%; Hải Dương đạt 36%; Bắc Ninh đạt 12,8 %; Hải Phòng đạt 13,9%, Thanh Hóa đạt 74,3%; Thái Nguyên đạt 49,6%; Bắc Giang đạt 70% so cùng kỳ..... Hiện nay thời tiết tương đối thuận lợi, các tỉnh khẩn trương làm đất, chuẩn bị mạ và gieo cấy lúa mùa trong khung thời vụ, một số diện tích lúa được gieo thẳnghoặc gieo mạ khay nhằm đảm bảo kịp thời vụ.
Lúa hè thu: Tính đến 15/7/2011, cả nước gieo cấy 2258,4 nghìn ha lúa hè thu và thu đông, bằng 100,6%; trong đó các tỉnh ĐBSCL gieo cấy 1778 nghìn ha, bằng 103,4% so cùng kỳ (Đồng Tháp bằng 105%, Long An bằng 102%, An Giang bằng 99%, Kiên Giang bằng 107%, Cần Thơ bằng 98%). Các tỉnh ĐBSCL đã thu hoạch được 756,2 nghìn ha lúa hè thu, chiếm 40,5% diện tích xuống giống, trong đó trà sớm đã thu hoạch xong; trà chính vụ đang trong giai đoạn chắc hạt đến chín, năng suất ước tính trên diện tích đã cho thu hoạch toàn vùng đạt khá, tăng từ 1 – 2 tạ/ha và tăng đều ở các tỉnh. Năng suất một số diện tích hè thu sớm tại Vĩnh Long, Trà Vinh, Long An giảm nhẹ so cùng kỳ do gặp mưa nhiều trong giai đoạn lúa chín, làm đổ ngã, và gặp bất lợi khi thu hoạch, phơi khô nhưng ảnh hưởng không đáng kể tới năng suất chung toàn vụ.
Lúa hè thu các vùng khác đang trong giai đoạn làm đòng, một số diện tích ở các tỉnh Bắc Trung bộ do thời tiết mưa nhiều đã phát sinh sâu bệnh như bọ trĩ, chuột…
Cùng với gieo cấy lúa hè thu, lúa mùa, các tỉnh cũng tiến hành trồng cây màu vụ thu. Tính đến giữa tháng 7 gieo trồng ngô đạt 840,8 nghìn ha, bằng 97%; khoai lang đạt 98 nghìn ha, bằng 87,9%; đậu tương đạt 152,9 nghìn ha, bằng 97,6%; Lạc đạt 199,9 nghìn ha, bằng 101,9%; rau, đậu các loại đạt 631 nghìn ha, bằng 104,6% so cùng kỳ.
b. Chăn nuôi
Đàn trâu, đàn bò ước đạt xấp xỉ so cùng kỳ do dịch bệnh đã được khống chế. Đàn trâu, bò cày kéo tiếp tục có xu hướng giảm, chăn nuôi bò sữa phát triển tốt và có chiều hướng tăng về số đầu con do giá sữa cao và ổn định, người chăn nuôi có lãi nên đầu tư nhiều hơn.
Đàn lợn ước giảm từ 2- 3% so cùng kỳ năm trước, nhưng đã tăng chút ít so tháng trước do dịch tai xanh đã cơ bản được khống chế. Ngành chăn nuôi bước đầu có những giải pháp nhằm tăng số lượng con giống, ổn định giá thức ăn chăn nuôi cũng như khuyến khích những trang trại, gia trại tái đàn. Theo khảo sát của Cục chăn nuôi một số hộ nông dân và trang trại chăn nuôi lợn những tháng trước đây bỏ trống chuồng do dịch bệnh và chăn nuôi không hiệu quả hiện nay đã từng bước mạnh dạn đầu tư tái đàn vì giá đầu ra cao, chăn nuôi lợn bắt đầu có hiệu quả.
Đàn gia cầm tiếp tục tăng khá so tháng trước và so cùng kỳ năm trước do dịch cúm gia cầm được khống chế, mặc dù giá thức ăn tăng nhưng người chăn nuôi vẫn có lãi bởi giá thịt, trứng gia cầm đang ở mức cao và chăn nuôi gia cầm có thời gian quay vòng ngắn. Nếu không có đột biến lớn thì số lượng đầu con và các sản phẩm thịt, trứng gia cầm sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
2. Lâm nghiệp
Trong kỳ khu vực Bắc Bộ điều kiện thời tiết có mưa nhiều nên thuận lợi cho công tác trồng rừng mới, các địa phương đang tích cực triển khai trồng rừng chính vụ. Tuy nhiên tại khu vực Trung Bộ vả Nam Bộ, thời tiết hanh khô kéo dài, nên tiến độ trồng rừng chậm, đồng thời có nguy cơ cháy rừng cao.
Tổng hợp kết quả sản xuất tháng 7 một số chỉ tiêu chủ yếu đạt được như sau: Diện tích rừng trồng mới tập trung 32,1 nghìn ha; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 16,1 triệu cây; sản lượng gỗ khai thác 342 nghìn m3; sản lượng củi khai thác 2,3 triệu ste. Tính chung 7 tháng đầu năm 2011: Diện tích rừng trồng mới tập trung 83,6 nghìn ha, bằng 85,92% so cùng kỳ năm 2010; số cây lâm nghiệp trồng phân tán 124,1 triệu cây, tăng 0,29%; sản lượng gỗ khai thác 2.349 nghìn m3, tăng 12,59%; sản lượng củi khai thác 16,5 triệu ste, tăng 2,55%
Do thời tiết khô hạn kéo dài trong nhiều ngày qua ở khu vực Trung và Nam Bộ, đặc biệt các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Định, nhiệt độ trong ngày lên đến 38-39oC nên tại một số địa phương đã xảy ra cháy rừng, có nơi xảy ra nghiêm trọng. Trong kỳ diện tích rừng bị thiệt hại (do cháy rừng và phá rừng trái phép) là 213,8 ha, trong đó cháy rừng đã xảy ra 21 vụ, sơ bộ diện tích rừng bị thiệt hại 180 ha. Tại Phú Yên, từ ngày 16/7 đã xảy ra cháy rừng trồng (chủ yếu keo và bạch đàn), do thời tiết hanh khô, địa hình hiểm trở đồng thời có gió lớn nên đám cháy lan rộng, đến ngày 18/7 vụ cháy mới được khống chế, diện tích rừng bị cháy ước tính trên 100 ha. Một số địa phương khác cũng xảy ra cháy rừng như Quảng Ngãi 1 vụ, 20 ha; Đà Nẵng 9 vụ, 40 ha… Tình hình chặt phá rừng làm nương rẫy đã xảy ra 118 vụ chặt phá rừng trái phép, diện tích rừng bị phá 33,8 ha. Tính chung 7 tháng đầu năm diện tích rừng bị thiệt hại là 1.747,8 ha, so cùng kỳ năm 2010 bằng 23,77%, trong đó diện tích rừng bị cháy 856 ha (bằng 12,77%); diện tích rừng bị phá 891,8 ha (bằng 86,72%). Trong kỳ đã xảy ra dịch châu chấu cắn phá rừng thông, phi lao chắn sóng tại Quảng Bình, diện tích rừng bị dịch hại lên đến 560 ha, các cơ quan chức năng đang phối hợp diệt trừ châu chấu, cứu rừng.
3. Thủy sản:
Tổng sản lượng thuỷ sản tháng 7 ước đạt 484 nghìn tấn, tăng 4,2%, trong đó sản lượng cá đạt 360 nghìn tấn, tăng 4%; sản lượng tôm đạt 74 nghìn tấn, tăng 5,4%.
a. Nuôi trồng thuỷ sản
Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước đạt 304 nghìn tấn, tăng 5,1% so cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng cá đạt 220 nghìn tấn, tăng 5%; sản lượng tôm đạt 65 nghìn tấn, tăng 5,7%.
Sản lượng cá tra đến kỳ thu hoạch tăng, nhu cầu bán gia tăng trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu ưu tiên thu hoạch cá của doanh nghiệp tự nuôi (chiếm khoảng 70% diện tích), giá cá tra nguyên liệu trên thị trường giảm mạnh hiện còn khoảng 23.500 - 24.000 đ/kg, giảm từ 3.000 - 4.000 đồng/kg so mức giá tiêu thụ ở tháng trước. Các ngân hàng đồng loạt nâng lãi suất tín dụng từ 19%/năm lên 21%/năm càng làm tăng áp lực trả nợ đối với người nuôi dẫn tới các hộ nuôi cá tra gặp nhiều bất ổn, diện tích thả nuôi hiện nay tăng không nhiều: An giang 924 ha, bằng mức xấp xỉ so cùng kỳ, Cần Thơ 647 ha, tăng 1,6%; Đồng Tháp 1425 ha, giảm 2,5%.
Tôm nuôi đang trong kỳ thu hoạch vụ chính, đến nay, Bạc Liêu đã thu hoạch 102 nghìn ha, đạt 83,6% diện tích đã thả nuôi, trong đó thu dứt điểm 49 nghìn ha nuôi công nghiệp; Bến Tre thu được trên 10 nghìn tấn, Cà Mau thu được 61 nghìn tấn...Trong tháng diện tích bị dịch bệnh không phát sinh nhiều.
b. Khai thác thuỷ sản
Sản lượng thủy sản khai thác đạt 181 nghìn tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khai thác biển đạt 164 nghìn tấn, tăng 2,8%.
Thời tiết biển tương đối thuận lợi, mưa bão không nhiều so với cùng kỳ năm trước,khu vực biển bắc bộ xuất hiện nhiều cá chèn vôi phù hợp cho các nghề cào đơn, cào đôi đánh bắt; các loài mực, cá nổi, cá đáy xuất hiện nhiều trên các ngư trường miền Trung và Nam bộ. Tuy nhiên giá xăng dầu vẫn ở mức cao, cùng với việc một số tàu Trung Quốc quấy rối các tàu đánh cá trên Biển Đông nên tâm lý ngư dân e ngại khi ra khơi xa đánh bắt.
Tính chung 7 tháng đầu năm, tổng sản lượng thuỷ sản các loại đạt 2995 nghìn tấn, tăng 3,4%. Trong đó, nuôi trồng thủy sản đạt 1563 nghìn tấn, tăng 5,1%; khai thác thủy sản đạt 1432 nghìn tấn, tăng 1,5%, khai thác hải sản (biển) đạt 1334 nghìn tấn, tăng 1,6%. Cá ngừ đại dương được giá, sản lượng khai thác đạt khá: Phú Yên 5342 tấn, tăng 12% so với cùng kỳ; Bình Định 3761 tấn, tăng 10,6%.
4. Giá cả nông sản, vật tư trong nước
a. Lương thực: giá lúa mua buôn vụ Hè Thu từ 5700-7000đ/kg tùy loại (không biến động lớn so với tháng 5) do lúa đã vào mùa thu hoạch và có nguồn cung rất dồi dào. Cụ thể: lúa IR50404 có giá 5700-5800đ/kg (đứng giá), lúa Jasmine có giá 6900-7000đ/kg (tăng 100đ /kg), lúa VNĐ95-20 có giá 6000-6100đ/kg (tăng 100đ/kg) kéo theo giá gạo dao động không lớn hoặc đứng giá. Gạo Jasmine có giá 13000-14000đ/kg (đứng giá), gạo CLC 10000- 12000đ/kg (tăng nhẹ), gạo tẻ thường 9.500-10.500đ/kg (đứng giá).
b. Rau quả các loại: Giá bán lẻ tại các chợ như sau: cải xanh 5000đ/kg (giảm 1000đ/kg), xà lách 6000đ/kg (giảm 6000đ/kg), cà tím 7000đ/kg (giảm 1000đ/kg), cà chua 8000đ/kg (tăng 1000đkg). Nhìn chung giá cả các loại rau quả có xu hướng giảm và giảm khá mạnh ở một số mặt hàng.
c. Giá cả các mặt hàng thực phẩm nhìn chung khá ổn định: giá lợn hơi 55000-58.000đ/kg (tăng 3000đ/kg), thịt lợn đùi 90000đ/kg (đứng giá), thịt ba chỉ 85000đ/kg (giảm 2000đ/kg so vớitháng 6); gà nguyên con làm sẵn 115.000đ/kg (đứng giá); thịt bò 155.000đ/kg (tăng 5000đ/kg). Giá các loại thủy hải sản nhìn chung không biến động lớn: cá diêu hồng 38000đ/kg (tăng 3000đ/kg), tôm càng xanh 220.000đ/kg (đứng giá)
Hiện nay, tại một số địa phương nông sản phẩm bị ảnh hưởng do thương lái nước ngoài thu mua khiến các đơn vị trong nước gặp khó khăn trong khâu nguyên liệu cho sản xuất, chế biến. Việc các thương nhân nước ngoài thu mua tại nơi sản xuất là hiện tượng thương mại không hiếm và đã diễn ra từ các năm trước, có ảnh hưởng cả tích cực và tiêu cực tới thị trường trong nước. Một mặt, việc “thu mua tại ruộng” với giá cả cao hơn đầu mối, cách thức mưa bán thuận tiện hơn đã làm giảm áp lực về đầu ra cho nông dân khi được mùa, khắc phục tình trạng “được mùa, rớt giá”đảm bảo lợi nhuận, thu nhập của nông dân. Tuy nhiên, một số nông sản, thủy sản (tôm, gia cầm, trứng, sắn…) là những mặt hàng đầu vào của ngành chế biến nông sản trong nước trong thời gian gần đây có sự biến động về nguồn cung (do tác động của của chính sách tài chính, tiền tệ trong nước, bối cảnh kinh tế quốc tế, vấn đề ngư trường…) thì việc cạnh tranh mua cũng là một hiện tượng thương mại như cạnh tranh bán (về giá cả, phương thức mua bán…) và là hành vi bị cấm nếu việc cạnh tranh không bình đẳng.
d. Vật tư nông nghiệp vẫn có xu hướng tăng giá ở các mặt hàng phân đạm (cả trong nước và nhập khẩu): Urê của Trung Quốc có giá 10.400đ/kg (tăng 100đ/kg); Urê Phú Mỹ có giá 10.600đ/kg (tăng 100đ/kg). Phân DAP của Philipin có giá 16000/đkg (tăng 200đ/kg), DAP Trung Quốc 14300đ/kg (đứng giá)
5. Thiên tai, dịch bệnh
a. Tình hình thiên tai
Tiếp tục khắc phục hậu quả thiên tai do cơn bão số 2: Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ các tỉnh bị thiệt hại do cơn bão số 2 gây ra. Một số tỉnh thiệt hại nặng tiếp tục chỉ đạo chính quyền và nhân dân, huy động các nguồn lực tại chỗ để khắc phục, sớm ổn định đời sống và sản xuất.
b. Dịch bệnh trên gia súc gia cầm
- Tình hình dịch cúm gia cầm: Tính đến hết 17/6/2011, trên địa bàn cả nước khôngphát sinh ổ dịch mới. Hiện chỉ còn 2 tỉnh Quảng Trị và Phú Thọ có ổ dịch chưa qua 21 ngày
- Dịch LMLM: Hiện nay trên toàn quốc còn tỉnh là Đắc Lắc có ổ dịch LMLM chưa qua 21 ngày, không phát sinh ổ dịch mới.
- Dịch tai xanh trên lợn: không có địa phương nào phát hiện dịch./.

File đính kèm:
BCKTNongnghiepT7.11.pdf

Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1446
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)