Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 20/07/2011-09:16:00 AM
FDI vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đạt gần 10 tỷ USD
Tính đến cuối tháng 6/2011, toàn vùng ĐBSCL có 611 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, vốn đầu tư đăng ký trên 9,78 tỉ USD.

Cầu Hàm Luông - cây cầu có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển KT-XH tỉnhBến Tre nói riêng và ĐBSCL nói chung

Những năm gần đây, tốc độ thu hút các dự án FDI vào ĐBSCL tăng khá nhanh. Năm 2010, toàn vùng thu hút thêm 77 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký đạt hơn 1,68 tỷ USD.
Tiếp tục sôi động
6 tháng đầu năm 2011, vùng ĐBSCL có 7 địa phương có dự án FDI mới gồm TP. Cần Thơ, Kiên Giang, Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu. Nếu tính cả vốn cấp mới và mở rộng, tổng vốn đầu tư mới của toàn vùng ĐBSCL đạt 336,2 triệu USD.
Long An là địa phương dẫn đầu về dự án đăng ký với 371 dự án, vốn đầu tư trên 3,56 tỷ USD; Kiên Giang xếp thứ hai về vốn với hơn 3 tỷ USD; TP Cần Thơ đứng thứ 3 với 780,4 triệu USD.
Vốn FDI vùng ĐBSCL tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chiếm 79,1% về số dự án và 56,3% về vốn đăng ký. Kết quả này phù hợp với định hướng thu hút FDI của Việt Nam vào khu vực này.
Đặc biệt, tại một số địa phương trong vùng như Long An, TP. Cần Thơ, hoạt động thu hút đầu tư chuyển động rất mạnh mẽ. Tại Long An, dự án Happyland (khu vui chơigiải tríphức hợp) với tổng vốnđầu tưkhoảng 2 tỷ USD đã được khởi công.
TP. Cần Thơ và Tập đoàn Phát triển đầu tư Ý - Thái Lan (ITD) đã ký Biên bản ghi nhớ 4 dự án đầu tư gồm: Dự án xây dựng khu hành chính TP. Cần Thơ theo hình thức BT; Dự án nhà ở thu nhập thấp tại Khu dân cư Hưng Phú 1; Dự án quốc lộ 91 nối đường nam sông Hậu; Dự án liên vùng đó là Dự án đường cao tốc Cần Thơ - An Giang – Phnôm Pênh.
Đây được xem là những dự án có tính chất quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung…
Giải pháp liên kết vùng thu hút đầu tư
Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đều hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đưa tổng sản phẩm xã hội toàn vùng đạt 304.394 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng GDP là 13,57%/năm.
Việc thực hiện mục tiêu này đòi hỏi các tỉnh, thành trong khu vực cần phải hợp tác và liên kết lại để có tiếng nói chung. Đây là chiến lược quan trọng nhằm khắc phục những yếu kém, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào ĐBSCL. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực mà các tỉnh, thành có lợi thế nhằm tạo động lực phát triển chung cho toàn vùng.
Hiện Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng với Viện lúa ĐBSCL, Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam và Trường Đại học Cần Thơ đang phối hợp các bộ, ngành và 13 tỉnh, thành phố trong khu vực xây dựng Chương trình liên kết vùng với các dự án sản xuất và tiêu thụ nông thủy sản; cơ chế, chính sách phát triển những sản phẩm chủ lực; đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Việc hình thành tứ giác động lực: Cần Thơ, Cà Mau, An Giang, Kiên Giang, vùng kinh tế trọng điểm thứ tư của cả nước (cùng với Long An, Tiền Giang), sẽ tạo thêm động lực phát triển mới cho toàn vùng.
Cũng nằm trong mục tiêu thực hiện liên kết vùng, Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL năm 2011 tới đây có chủ đề “ĐBSCL liên kết phát triển bền vững” sẽ tập trung vào các hoạt động liên kết vùng, tạo dựng hình ảnh, tinh thần liên kết mới của các tỉnh thành và các Bộ, ngành.
Qua đó, sẽ xây dựng cơ chế chính sách liên kết, bao gồm liên kết nội vùng trong đó nhấn mạnh vai trò của Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL và TP. Cần Thơ, liên kết với các Bộ, ngành, liên kết với TP.HCM, liên kết 4 nhà trình Thủ tướng Chính phủ quyết định…
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL còn mở rộng ra không gian liên kết, vừa thực hiện liên kết vùng mà trọng điểm là TP.HCM và vùng Đông Nam bộ, vừa mở rộng kết nối với các nước ASEAN để tạo ra những bước đột phá mới trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước. /.
Vũ Trọng
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1376
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)