Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 22/05/2012-09:37:00 AM
Nhiều nội dung mới tại đề án tái cơ cấu kinh tế trình Quốc hội
Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh Chính phủ trình Quốc hội chiều nay đã có một số nội dung mới, so với bản đã được 63 đoàn đại biểu Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước kỳ họp.

Chính phủ chính thức trình Quốc hội đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế tại phiên họp chiều 21/5

Với dung lượng 39 trang, đề án gồm 5 phần: sự cần thiết của tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; xác định mục tiêu và nguyên tắc tái cơ cấu kinh tế; trình bày nội dung, định hướng cơ bản tái cơ cấu kinh tế; trình bày hệ thống các nhóm giải pháp để tái cơ cấu kinh tế và tổ chức thực hiện.
Mục tiêu tổng quát của tái cơ cấu kinh tế đến năm 2020 là nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, nâng cao năng suất lao động, năng suất các yếu tố tổng hợp và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; trên cơ sở đó, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn và có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn; thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, góp phần đạt được các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 đã xác định.
Đồng thời, chuyển đổi nền kinh tế nước ta sang thời tăng trưởng dựa chủ yếu vào các nhân tố gia tăng năng suất, gia tăng hiệu quả; từ 2020 tiếp tục cũng cố và phát triển vững chắc các yếu tố tăng năng suất và hiệu quả, tạo tiền đề đưa nền kinh tế nước ta chuyển lên trình độ phát triển cao hơn vào khoảng cuối 2030.
Bốn mục tiêu thành phần của tái cơ cấu kinh tế bao gồm: Một là, đảm bảo tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô một cách vững chắc với lạm phát thấp và các nền tảng vĩ mô vững mạnh; và giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội.
Hai là, thiết lập phát triển cân đối hợp lý giữa các địa phương, vùng miền trên cơ sở phát huy lợi thế của từng địa phương, từng vùng và sự hỗ trợ có hiệu quả từ Trung ương.
Ba là, cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển các ngành kinh tế nói riêng và nền kinh tế nói chung thông qua việc các ngành sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao từng bước thay thế các ngành công nghệ thấp, thâm dụng lao động và giá trị gia tăng thấp để trở thành những ngành kinh tế chủ lực của nền kinh tế;
Bốn là, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập quốc tế và củng cố vị thế quốc gia trong quan hệ quốc tế; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Tái cơ cấu không phải là gói cứu trợ kinh tế
Khác biệt, rõ nhất nằm ở phần tổ chức thực hiện. Tại đây, những khó khăn, thách thức và thuận lợi đối với quá trình tái cơ cấu kinh tế đã phần nào được định lượng.
Khó khăn, thách thức của quá trình này, theo đề án, là có thể phải hy sinh lợi ích ngắn hạn trước mắt để đổi lấy lợi ích tổng thể, lâu dài hơn.
Thực hiện tái cơ cấu kinh tế có nghĩa là ít nhất trong một số năm trước mắt, các nguồn lực xã hội phải được phân bố lại trên quy mô lớn, và kết quả của quá trình nói trên có thể chỉ phát huy tác dụng trong trung hạn. Điều đó có nghĩa là trong những năm trước mắt, tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể không cao như kế hoạch, và có thể thấp hơn so với trước đây.
"Đây là thách thức không nhỏ trong bối cảnh tư duy, quán tính theo đuổi tốc độ và cách thức tăng trưởng theo chiều rộng vẫn còn khá phổ biến, nhất là ở các cấp chính quyền địa phương, những thay đổi để chuyển dần sang mô hình tăng trưởng mới là chưa thực sự rõ nét", Chính phủ đánh giá.
Liên quan đến băn khoăn về chi phí đã được đề cập tại ý kiến của Ủy ban Kinh tế và một số diễn đàn khác, Chính phủ cũng lường trước, rằng tái cơ cấu kinh tế có thể tác động không thuận đến một số nhóm người có liên quan, làm phát sinh một số chi phí xã hội cần được bù đắp.
"Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng không phải là gói cứu trợ nền kinh tế để vượt qua khủng hoảng, do đó, xét trên tổng thể, nó không làm tiêu hao nguồn lực của xã hội. Tuy vậy, đối với tái cơ cấu trên một số lĩnh vực và một số bên có liên quan, có thể phát sinh chi phí nhất định", đề án nêu.
Ví dụ cụ thể với xử lý nợ xấu, là một trong các nội dung tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại. Ước tính số nợ xấu chiếm khoảng 3,6% tổng dự nợ tín dụng của nền kinh tế. Nợ xấu được xử lý, bù đắp bằng quỹ dự phòng, vốn chủ sở hữu và bán lại cho các tổ chức mua bán nợ, và các bên khác có quan tâm.
Nếu các biện pháp nói trên không đủ để xử lý số nợ xấu, thì ngân sách nhà nước sẽ là nguồn cuối cùng để xử lý số nợ xấu còn lại. Như vậy, trong trường hợp này ngân sách nhà nước có thể phải gánh chịu một phần chi phí trong xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại, Chính phủ phân tích.
Cũng theo đề án, tái cơ cấu kinh tế cũng có nghĩa là quy mô đầu tư, sản xuất một số ngành, một số vùng có thể thu hẹp lại. Thay vào đó, các vùng, ngành khác có tiềm năng hơn sẽ được mở rộng và phát triển. Hệ quả là, trước mắt, hàng nghìn dự án đầu tư, nhất là đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, có thể phải đình hoãn; hàng chục nghìn doanh nghiệp, nhà đầu tư có liên quan sẽ bị thua lỗ, một phần vốn đầu tư của họ có thể không thu hồi được; nhiều doanh nghiệp có liên quan phải đóng cửa, giải thể hoặc phá sản; một số lao động tạm thời bị mất việc, giảm việc làm và phải chuyển đổi kỹ năng lao động; một số địa phương có thể phải thay đổi lại định hướng và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội với những phí tổn không nhỏ.
Một số giải pháp hợp lý được Chính phủ đề cập như khoanh nợ, giản nợ, cơ cấu lại nợ, mua lại nợ đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư, hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại và chuyển đổi nghề nghiệp đối với người lao động... để bù đắp hợp lý lợi ích chính đáng cho các bên có liên quan, nhất là nhóm những người lao động, nhóm những người yếu thế, dễ bị tổn thương khác.
Thể chế kinh tế thị trường hiện đại còn ở trình độ thấp, môi trường kinh doanh còn chứa đựng nhiều rủi ro và bất ổn... sẽ làm phát sinh rào cản đối với huy động, chuyển dịch và phân bố nguồn lực xã hội theo các yêu cầu của tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng cũng là khó khăn khác được nêu tại đề án.
Ở chiều thuận, Chính phủ nhắc đến nguồn lực và tiềm năng kinh tế lớn được tích lũy qua thời kỳ đổi mới và phát triển kinh tế với quy mô tới hàng trăm tỷ USD. Hai là có sự đồng thuận xã hội về yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế.
Ngoài ra, đã có những khởi động và kết quả bước đầu của tái cơ cấu kinh tế. Cụ thể là tình trạng đầu tư nhà nước dàn trải, phân tán, thiếu đồng bộ… đã bước đầu được khắc phục. Trước áp lực của nguy cơ mất an toàn hệ thống, công cuộc tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng mà trọng tâm là các ngân hàng thương mại đã nhanh chóng được triển khai, và đã thu được kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
Giải pháp chưa gắn kết
Tại báo cáo một số ý kiến về đề án, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội "phê" 13 nhóm giải pháp chủ yếu tại đây chưa có sự gắn kết với nhau, cũng như chưa thực sự đồng bộ giữa các đề án tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực và thiếu các giải pháp đối với vấn đề xã hội, môi trường. Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung một số giải pháp về mặt xã hội và bảo vệ môi trường để đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.
Cơ quan này cũng đề xuất xây dựng đề án như một hệ thống chính sách để tập trung thực hiện 3 đột phá: về thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng đã được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015.
Trên cơ sở đó, triển khai các đề án thành phần theo ngành, lĩnh vực, vùng, xác định rõ thứ tự ưu tiên, chủ thể thực hiện và lộ trình thực hiện tái cơ cấu bao gồm những ngành, lĩnh vực trọng điểm, cần thực hiện trước, những ngành, lĩnh vực thực hiện sau hoặc thực hiện đồng thời, có bước đi hợp lý tránh gây đột biến lớn với khung thời gian cụ thể là đến năm 2020.
Một số ý kiến khác đề nghị định hướng nội dung đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế phải xác định bao gồm tất cả các đề án thành phần và đánh giá tác động toàn diện nền kinh tế trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc tính toán chi phí để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là hết sức cần thiết, nhất là trong điều kiện của Việt Nam nguồn lực bị hạn chế. Việc tính toán chi phí này sẽ góp phần xác định những nội dung cần ưu tiên thực hiện, tránh dàn trải, lãng phí. Ngoài ra, phải tính toán về chi phí xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của đất nước… là cần thiết để có giải pháp phù hợp.
Tại kỳ họp này, đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế sẽ được thảo luận tại tổ và hội trường, phiên thảo luận toàn thể sẽ được truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi./.
Nguyên Thảo
VnEconomy.vn

    Tổng số lượt xem: 1190
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)