(MPI Portal) - Thực hiện chương trình triển khai xây dựng Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020, ngày 27/12, tại Bình Dương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị Quy hoạch phát triển nhân lực các tỉnh vùng Đông Nam Bộ giai đoạn 2011-2020. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, chủ trì Hội nghị cùng với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương vùng Đông Nam Bộ.
|
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Thanh Tùng
|
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, việc phát triển nhân lực vùng Đông Nam Bộ, là vấn đề then chốt, mang tính quyết định để phát triển nhanh và bền vững cho một vùng kinh tế lớn của cả nước.
Tại Hội nghị, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo trình bày Quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ ở vùng Đông Nam Bộ, chức năng đào tạo cho vùng Đông Nam Bộ của một số Đại học ở TP. Hồ Chí Minh. Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình bày Quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề cấp tỉnh và vùng ở vùng Đông Nam Bộ. UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu báo cáo Dự thảo Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2011 – 2020.
Tham dự Hội nghị còn có báo cáo đề xuất giải pháp liên vùng về phát triển nhân lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Vùng Đông Nam Bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; hội tụ phần lớn các điều kiện và lợi thế nổi trội để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa; đặc biệt là phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, tin học, công nghiệp dầu khí và sản phẩm hóa dầu; phát triển dịch vụ cao cấp, dịch vụ du lịch, dịch vụ viễn thông, tài chính, ngân hàng; nghiên cứu ứng dụng và triển khai khoa học – công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao…
Vùng Đông Nam Bộ là khu vực phát triển kinh tế năng động với mức tăng trưởng cao, nơi tập trung nhiều trung tâm kinh tế, công nghiệp thương mại, dịch vụ, khoa học – kỹ thuật, đầu mối giao thông và giao lưu quốc tế, có lực lượng lao động dồi dào, tay nghề cao, có nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ; có hệ thống đô thị phát triển, các khu công nghiệp phát triển mạnh trở thành trung tâm và đầu mối giao lưu của các tỉnh phía Nam với cả nước và quốc tế, được gắn kết bởi đường bộ, đường biển, đường hàng không, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội vùng cũng như mở rộng các quan hệ kinh tế liên vùng và quốc tế.
Theo số liệu tổng điều tra dân số tại thời điểm 1/4/2009, Vùng Đông Nam Bộ có khoảng 14 triệu người, chiếm 16,3% dân số cả nước, trong đó Tp. Hồ Chí Minh chiếm 51% của Vùng. Mật độ dân số của vùng là 594 người/km2, gấp gần 2,3 lần mật độ dân số chung của cả nước. Vùng có tỷ lệ tăng dân số cao nhất cả nước (3,2%/năm), trong đó Bình Dương tăng tới 7,3%/năm.
Thực tế hiện nay, Vùng đang đối mặt với vấn đề thiếu lao động có tay nghề và thừa lao động nhập cư; việc đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao chưa được chú trọng thỏa đáng. Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra những giải pháp mang tính liên vùng về phát triển nhân lực; quy hoạch, xây dựng mạng lưới đào tạo và dạy nghề nội vùng; hợp tác liên vùng và hợp tác quốc tế về đào tạo nhân lực cho vùng Đông Nam Bộ.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Thanh Tùng
|
Kết thúc Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh vai trò quan trọng, quyết định của phát triển nhân lực đối với phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Đồng thời, chú trọng giải pháp kết nối vai trò của 4 nhà: người sử dụng lao động – người lao động – nhà nước – nhà trường để phát triển nhanh nhân lực vùng Đông Nam Bộ trong thời gian tới./.
Vùng Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành phố là: TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Diện tích tự nhiên: 23.605 km2, chiếm 7,1% diện tích cả nước.
Vùng Đông Nam Bộ nằm trên tuyến đường biển quốc tế quan trọng, ở điểm trung chuyển trên tuyến đường hàng không quốc tế từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây, trên tuyến đường xuyên Á nối liền các nước Đông Nam Á lục địa; đồng thời nằm trong khu vực có nền kinh tế phát triển năng động của thế giới với các trung tâm lớn như Bangkok, Singapore, Kuala Lumpur ... vì thế, vùng Đông Nam Bộ có lợi thế lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng thị trường, khai thác các cảng trung chuyển quốc tế... để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.
Vùng Đông Nam Bộ có vị thế địa lý chính trị và an ninh quốc phòng quan trọng hàng đầu ở khu vực phía Nam Việt Nam.
Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Vùng trong giai đoạn 2011-2020 là:Tổng sản phẩm trong vùng (GDP theo giá 1994) năm 2020 ít nhất tăng gấp 2,2 lần so với năm 2010. Đến năm 2020 khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm khoảng 96-97% tổng GDP, trong đó tỷ trọng dịch vụ chiếm 41-42%, cao hơn mức bình quân của cả nước. Tăng trưởng kinh tế theo GDP của vùng thời kỳ 2011-2020 đạt 8,2%, trong đó thời kỳ 2011-2015 tăng bình quân khoảng 7,9-8,5% và thời kỳ 2016-2020 tăng bình quân khoảng 8,4%; GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt khoảng 97 triệu đồng, tương đương 4.500 USD; năm 2020 khoảng 175 triệu đồng, tương đương 6.200 USD; Tăng giá trị xuất khẩu bình quân đầu người/năm từ 2.544 đô la Mỹ năm 2008 lên 3.800 đô la Mỹ năm 2015 và 7.500 đô la Mỹ năm 2020; Giữ mức đóng góp cho ngân sách của cả nước từ 50-55% trong cả thời kỳ 2011 – 2020; Đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ đạt bình quân 20-25%/năm; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đến năm2020 đạt trên 75%. Đến năm 2020, ổn định số dân trong vùngkhoảng 15-16 triệu người; tỷ lệ đô thị hóa đạt 80%; Giải quyết việc làm hàng năm cho khoảng 16-17 vạn lao động. Tỷ lệ lao động không có việc làm ở mức an toàn cho phép là khoảng 4%. Tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 5%; Phấn đấu đạt 500 sinh viên/1 vạn dân vào năm 2015 và 550 sinh viên/1 vạn dân vào năm 2020; Thực hiện nâng cao một bước sức khoẻ của người dân, tăng tuổi thọ bình quân lên 78 tuổi, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống dưới 10%./.
|
Minh Hậu
Cổng thông tin điện tử - Bộ Kế hoạch và Đầu tư