Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 23/08/2012-15:56:00 PM
Gia nhập WTO, cơ hội để Nga điều chỉnh kinh tế

Ngày 22/8, Liên bang Nga đã chính thức trở thành thành viên thứ 156 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đây là cơ hội lớn để quốc gia rộng lớn thuộc cả châu Âu và châu Á này hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới và hưởng lợi từ quá trình hội nhập. Tuy nhiên, đây không phải là tâm lý chung của đa số người dân Nga vào thời điểm này. Nhiều người trong số họ, nhất là giới doanh nhân, đang tỏ ra lo lắng về khả năng các sản phẩm ngoại nhập sẽ tràn ngập thị trường Nga và "chèn ép" nền kinh tế nước này.
Kết cục có hậu
Nga đã nộp đơn xin gia nhập WTO vào tháng 6/1993, chỉ hai năm sau sự sụp đổ của Liên Xô. Quá trình thương lượng về việc gia nhập WTO của Nga gặp rất nhiều trở ngại, chủ yếu do những bất đồng về mặt quan điểm trên nhiều lĩnh vực giữa Nga và phương Tây, nhất là với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, và sự phản đối từ phía các nước cộng hòa xôviết trước đây như Gruzia cũng như từ một bộ phận dân chúng trong nước.
Chỉ đến khi Nga đạt được các thỏa thuận với Mỹ và EU, trong đó có thỏa thuận về việc giảm thuế nhập khẩu từ mức trung bình 9,5% hiện nay xuống còn 7,4% vào năm 2013, 6,9% vào năm 2014 và 6% vào năm 2015, chướng ngại vật chính trên con đường gia nhập WTO của Nga mới được dẹp bỏ.
Tuy nhiên, để gia nhập WTO, Nga phải vượt qua chướng ngại quan trọng khác từ phía nước láng giềng Gruzia. Chính phủ Gruzia luôn khẳng định không cho phép Nga gia nhập WTO chừng nào Mátxcơva vẫn còn kiểm soát hải quan ở các khu vực ly khai Nam Ossetia và Abkhazia. Vấn đề này chỉ được giải quyết vào năm ngoái thông qua trung gian hòa giải của Thụy Sỹ. Nhờ vậy, tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 6 ở Geneva tháng 12/2011, các nước thành viên WTO đã thông qua nghị định thư về việc Nga gia nhập WTO.
Tháng trước, lưỡng viện Quốc hội Liên bang Nga đã lần lượt thông qua dự luật về việc Nga gia nhập WTO. Và vào ngày 21/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đặt bút ký vào dự luật này, đặt dấu chấm hết cho quá trình thương lượng căng thẳng kéo dài tới 18 năm của Nga. Trong quá trình này, Nga đã ký kết 57 thỏa thuận song phương về việc tiếp cận thị trường hàng hóa và 30 thỏa thuận khác về việc tiếp cận thị trường dịch vụ.
Cơ hội để hội nhập
Từ nhiều năm trước, các nhà kinh tế cho rằng Nga cần phải gia nhập WTO bởi vì, kể từ sau khi Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001, Nga là nền kinh tế lớn duy nhất đứng ngoài tổ chức thương mại quốc tế này.
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn ITAR-TASS, ông Mikhail Margelov, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Thượng viện Nga, cho rằng việc Nga trở thành thành viên thứ 156 của WTO là bước đi cần thiết trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực toàn cầu hóa và khả năng đạt được các thành tựu kinh tế từ một vị trí hoàn toàn bị cô lập khó có thể xảy ra.
Trong số những cam kết quan trọng của Nga khi gia nhập WTO, đáng chú ý có việc giảm thuế suất thuế nhập khẩu bình quân xuống còn 6% vào năm 2015.
Theo ngân hàng đầu tư Troika Dialog, với cam kết này, người tiêu dùng Nga có thể mua hàng nhập khẩu có chất lượng cao hơn nhưng ở mức giá rẻ hơn. Troika Dialog cũng dẫn các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng tư cách thành viên WTO thường giúp tăng lương của những người có thu nhập thấp và nhờ vậy, sẽ làm tăng sức mua của người dân Nga.
Bên cạnh đó, gia nhập WTO sẽ là động lực quan trọng để các doanh nghiệp Nga tiến hành cải cách và nâng cao hiệu quả hoạt động. Chuyên gia kinh tế trưởng Evgeny Gavrilenkov của Troika Dialog tin rằng động thái này là một diễn biến tích cực trong dài hạn bởi vì, nó “tạo ra các áp lực điều chỉnh đối với các tổ chức của Nga để cải thiện hoạt động của họ.”
Mặt khác, việc gia nhập WTO sẽ buộc Nga phải hoàn thiện hệ thống pháp luật theo các tiêu chuẩn quốc tế, qua đó giúp minh bạch hóa môi trường kinh doanh của nước này và giúp khơi thông dòng vốn đầu tư nước ngoài mà nước này đang cần để phát triển nền kinh tế.
Theo Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Andrei Belousov, các lợi thế của việc gia nhập WTO bao gồm các quy tắc ngoại thương rõ ràng và chế độ thương mại ổn định để hỗ trợ các hoạt động xuất khẩu.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), việc trở thành thành viên WTO sẽ mang lại cho Nga các lợi ích tương đương 3,3% GDP trong 3 năm đầu tiên và tương đương 11% GDP sau 10 năm. Trong khi đó, Viện Kinh tế Mới ở Mátxcơva dự báo động thái này sẽ giúp tăng tốc độ tăng trưởng GDP của Nga thêm 0,5 điểm phần trăm/năm.
Không chỉ có màu hồng
Cùng với việc giảm thuế, sau khi gia nhập WTO, Nga sẽ phải dỡ bỏ các rào cản thương mại và mở cửa thị trường cho các nhà đầu tư đến từ các nền kinh tế thành viên khác của WTO. Vì vậy, cho dù người tiêu dùng Nga có thể vui mừng vì giá cả hàng hóa có thể sẽ giảm nhưng nhiều người lo ngại thị trường nước này sẽ tràn ngập các hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài và nhiều cơ sở sản xuất ở nền kinh tế lớn thứ tám thế giới này (tính theo GDP danh nghĩa) có thể sẽ rơi vào tình trạng phá sản sau thời khắc lịch sử đó.
Bình luận về việc Nga gia nhập WTO, Thượng nghị sỹ Sergei Lisovsky cảnh báo rằng gia nhập WTO đồng nghĩa với việc Nga bước vào một "cuộc chiến kinh tế" không thể coi thường và Nga chưa sẵn sàng để cạnh tranh với các nền kinh tế khác trên thế giới nếu không có bảo hộ thương mại.
Đáng chú ý, việc mở cửa thị trường sẽ mang lại các nguy cơ lớn đối với ngành nông nghiệp của Nga, vốn có khả năng cạnh tranh thấp và vẫn đang phải nhận trợ giá từ Chính phủ cho các nguyên liệu đầu vào như phân bón và xăng dầu. Và khi gia nhập WTO, Nga sẽ phải cắt giảm trợ cấp cho lĩnh vực nông nghiệp xuống còn 9 tỷ USD trong thời gian từ nay tới năm 2018.
Ông Pavel Grudinin, Giám đốc Nông trường Quốc doanh Lenin – một trong những nông trường thành công nhất ở khu vực Mátxcơva, lo lắng nói nông trường của ông sẽ rất khó cạnh tranh với các nhà sản xuất Mỹ và châu Âu về mặt giá thành sản phẩm.
Làm gì để hưởng lợi?
Phản ứng trước các quan ngại trên, chuyên gia kinh tế trưởng Alexander Morozov của ngân hàng HSBC ở Mátxcơva khẳng định “các doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả (của Nga) không có gì phải lo ngại.” Thậm chí, họ có thể hưởng lợi từ việc Nga gia nhập WTO nhờ tăng thị phần ở trong và ngoài nước.
Ông Morozov cho rằng việc gia nhập WTO sẽ hỗ trợ cho Nga nếu nước này thúc đẩy các cuộc cải cách như đã hứa nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động kinh doanh và đầu tư. Chuyên gia này nói: “Thay vì bảo hộ các nhà sản xuất trong nước, Chính phủ Nga cần phải chủ động hơn trong việc tự do hóa hệ thống luật pháp và giảm các rào cản mang tính hành chính.”
Trong khi đó, phát biểu tại hội chợ phát minh Innoprom ở Yekaterinburg vào giữa tháng trước, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nhấn mạnh tư cách thành viên WTO sẽ không gây hại cho các lợi ích của các nhà sản xuất trong nước mà sẽ mang lại cho Nga các lợi thế cạnh tranh mới. Ông cũng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục bảo vệ các ngành kinh tế dễ bị tổn thương như nông nghiệp, chế tạo ôtô và sản xuất máy nông nghiệp, đồng thời sử dụng các cơ chế pháp luật hiện hành để bảo vệ các thị trường trong nước trước sự cạnh tranh bất bình đẳng.
Thực hiện chủ trương trên, ngày 13/7, Chính phủ Nga đã thông qua chương trình phát triển nông nghiệp giai đoạn 2013-2020 với tổng trị giá lên tới 2.280 tỷ rúp (khoảng 70 tỷ USD), trong đó 1.500 tỷ rúp lấy từ ngân sách liên bang sẽ tài trợ và 780 tỷ rúp được tài trợ bởi các chính quyền địa phương. Thông qua chương trình này, Mátxcơva hy vọng sẽ tăng sản lượng nông nghiệp thêm 19,6% trong vòng 7 năm tới. Sau khi khởi động chương trình này, Chính phủ Nga sẽ loại bỏ các khoản trợ giá dài hạn về xăng dầu và phân bón cho nông dân.
Bên cạnh đó, Chính phủ Nga đã đệ trình Duma Quốc gia dự luật cho phép giảm thuế thu nhập công ty đối với các cơ sở nông nghiệp xuống còn 0%. Theo các quy định hiện hành, lợi nhuận trong ngành nông nghiệp sẽ bị đánh thuế ở mức 18% vào năm 2013 và 20% vào năm 2016.
Phó Thủ tướng Arkady Dvorkovich thậm chí còn đề xuất áp dụng thuế suất 0% trong một khoảng thời gian không xác định.
Cùng với việc hỗ trợ cho các ngành dễ bị "tổn thương," vào cuối tháng Sáu, Tổng thống Putin đã kêu gọi xây dựng ngân sách có thời hạn ba năm để tài trợ cho các biện pháp nhằm giúp nền kinh tế nước này thích ứng với tình hình mới.
Phát biểu tại điện Kremlin hôm 28/6, ông Putin nói: “Chúng ta cần phải giảm thiểu các nguy cơ tiềm tàng có liên quan tới việc gia nhập WTO đối với các doanh nghiệp của chúng ta.”
Với những biện pháp như vậy, nhiều người hy vọng việc Nga gia nhập WTO sẽ mang lại những lợi ích lớn cho nước này và cả nền kinh tế thế giới./.
Thanh Tùng
TTXVN

    Tổng số lượt xem: 905
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)