(MPI Portal) - Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ và các thành viên Chính phủ khoá XIII đã ra mắt. Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã dành thời gian trả lời phỏng vấn báo chí.
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh trong 5 năm tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tập trung vào 2 khâu quan trọng, đó là:
Thứ nhất, phải tăng cường hơn nữa điều phối kinh tế vĩ mô, trong đó tập trung nâng cao chức năng dự tính dự báo kinh tế; tham gia vào những chính sách tài chính tiền tệ, những cân đối lớn của quốc gia và tái cơ cấu nền kinh tế.
Đây là những vấn đề rất quan trọng để đảm bảo kinh tế vĩ mô, tăng trưởng phát triển ổn định và an sinh xã hội. Vấn đề điều hành kinh tế, trong đó chú trọng đến điều phối kinh tế vĩ mô, là một trong những chức năng rất quan trọng trong thời gian tới. Với tư cách Bộ tham mưu tổng hợp cho Chính phủ về kinh tế, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng đây là nhiệm vụ hàng đầu trong thời gian tới, khẳng định rõ hơn vai trò, vị trí và trách nhiệm của mình trong vấn đề tăng cường nhiệm vụ này.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả của đầu tư công, trong đó đặc biệt là nâng cao hiệu quả đầu tư của vốn ngân sách Nhà nước. Nhà nước tạo mọi điều kiện, cơ chế, chính sách để khuyến khích mọi nguồn lực trong nhân dân, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế ở trong nước và ngoài nước để đầu tư phát triển. Vốn Nhà nước tập trung trong những vấn đề trọng yếu, then chốt, đột phá của đất nước, tạo cơ chế để thu hút các nguồn lực khác. Vốn Nhà nước làm tiền đề, làm điều kiện xúc tác để phát triển nguồn lực khác.
Tôi cho rằng, đây là vấn đề lớn, nên các cơ chế chính sách đầu tư tới đây phải theo hướng khơi dậy được nguồn lực to lớn trong dân, trong doanh nghiệp, trong nước và ngoài nước. Vấn đề phát triển quy hoạch, xây dựng quy hoạch, nâng cao chất lượng quy hoạch phải không được chồng chéo; thậm chí trong quy hoạch phải là liên vùng, tránh đầu tư gây lãng phí; thậm chí tạo ra những cạnh tranh không lành mạnh.
Cuối cùng là vấn đề thanh tra, kiểm tra. Nhà nước đã phân cấp cho cho địa phương nhưng phải nắm được tậptrung, thống nhất của Nhà nước và tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra để những chủ trương, chính sách của Nhà nước đi vào cuộc sống. Đồng thời thông qua thanh tra, kiểm tra chúng ta mới thấy được chính sách có gì đúng, có gì đi vào cuộc sống và những gì cần kịp thời điều chỉnh.
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tổng hợp một số nội dung trả lời phỏng vấn của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng.
|
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh
|
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định 3 đột phá chiến lược, trong đó có xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất phát triển cũng như phục vụ đời sống nhân dân. Đây là một nội dung rất lớn. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trước hết muốn huy động các nguồn lực tốt thì nguồn vốn của Nhà nước là phần quan trọng để định hướng đầu tư. Bên cạnh đó cũng phải huy động các nguồn lực khác trong xã hội thông quacác cơ chế chính sách tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, doanh nghiệp ngoài nhà nước, người dân tham giacùng đầu tư .
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tranh thủ các nguồn vốn của nước ngoàiđể đầu tưvào các lĩnh vực Nhà nướcđang cần thiết đầu tư, nhưng phải trên cơ sở bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, cụ thể là chúng ta phải lựa chọn từng lĩnh vực đầu tư, từng dự án đầu tư.
Về việc thực hiện các chính sách thuế, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh chia sẻ: Điều quan trọng là thuế phải thúc đẩy sản xuất kinh doanh chứ không phải thu thuế để doanh nghiệp và người dân khó khăn thêm. Công tác quản lý thu thuế thời gian tới phải hướng trọng tâm vào chống thất thu và bảo đảm công bằng, tăng nguồn thu cho ngân sách.
|
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ
|
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ: “Trong 5 năm qua, đất nước ta nói chung và ngành Tài chính đã có nhiều kinh nghiệm vượt qua những khó khăn thách thức, từ đó có nhiều bài học trong điều hành chính sách tài chính và tiền tệ quốc gia, đó là vốn quý cho 5 năm tới”
Theo Bộ trưởng Vương Đinh Huệ, trong 5 năm tới phải luôn hướng vào trọng điểm là động viên hợp lý tất cả mọi nguồn lực của đất nước cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo đảm an sinh xã hội, phân bổ các nguồn lực này một cách đúng đắn nhất và quan trọng hơn cả là sử dụng hiệu quả để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chi tiêu công và trọng điểm cũng phải huy động mọi nguồn lực của xã hội cho 3 đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội XI đã nêu và Thủ tướng Chính phủ vừa nhấn mạnh. Mặt khác, phải phối hợp chặt chẽ chính sách tài khoá với chính sách tiền tệ, phối hợp với các bộ ngành để thực hiện hơn nữa thể chế kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Ngoải ra, nhiều vấn đề khác trong công việc thường xuyên của ngành Tài chính cũng phải lo đó là mục tiêu của chính sách tài chính quốc gia, hướng đến mục tiêu dân giàu nước mạnh.
|
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng
|
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng: Trong 5 năm tới, Bộ tập trung vào 3 nhiệm vụ chính: Thứ nhất, tiếp tục rà soát lại hệ thống pháp luật đầu tư xây dựng. Với trách nhiệm là cơ quan thực hiện, tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội, trong đó có hệ thống pháp luật, các nghị định, thông tư hướng dẫn để tăng cường quản lý, đầu tư xây dựng; hạn chế những thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng và khai thác một cách hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là vốn, ngân sách nhà nước; các nguồn lực về tài nguyên như đất đai; phát huy nguồn nhân lực để tạo ra sự tăng trưởng một cách nhanh và bền vững.
Thứ hai, tập trung quản lý phát triển đô thị, để đô thị thực sự trở thành động lực của quá trình phát triển. Đô thị phải phát triển bền vững và thực sự trở thành hạt nhân để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của mỗi địa phương, mỗi vùng và của cả đất nước.
Nhiệm vụ thứ ba là lĩnh vực mà Bộ Xây dựng được giao quản lý phụ trách là phát triển nhà ở; làm thế nào để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về nhà ở của mọi đối tượng, cả người giàu và người nghèo; người giàu mua nhà theo khả năng thanh toán của họ, còn người nghèo cũng phải có nhà. Nhà nước phải tham gia vào quá trình phát triển nhà ở cho người nghèo, nhà ở xã hội./.
Quang Tùng (tổng hợp)
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư