Báo cáo số 401/KHĐT-TH ngày 01/4/2011 của Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình.
Triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh những tháng đầu năm 2011 trong điều kiện giá cả nhiều mặt hàng tăng cao nhất là các mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết tác động bất lợi đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, làm tăng nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô.
Thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 9/1/2011 của Chính phủ về các giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011 và Nghị quyết số 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát,ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 82/QĐ-UBND ngày 10/1/2011 về ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011 và Chương trình hành động số 357/CT-UBND ngày 10/3/2011 về thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, trong đó đã giao nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho các ngành, địa phương, đơn vị để tổ chức thực hiện đồng bộ, kịp thời nhờ đó đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với quyết tâm cao các cấp, ngành, địa phương, các đơn vị, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và của toàn dân, đã khắc phục khó khăn, khai thác tiềm năng và lợi thế, chủ động triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh, nên nhìn chung kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình tháng 3 và quý I/2011 tiếp tục ổn định, một số ngành, một số lĩnh vực duy trì mức tăng trưởng khá; các hoạt động văn hoá, xã hội có những chuyển biến tích cực; an ninh quốc phòng, trật tự xã hội được giữ vững.
1- Về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ
Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, ngày 2/3/2011 UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết 11; tại hội nghị UBND tỉnh đã quán triệt, chỉ đạo tổ chức thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết và lấy ý kiến của các sở, ban, ngành, huyện, thành phố về Dự thảo Chương trình hành động của UBND tỉnh Quảng Bình về thực hiện NQ 11/NQ-CP.
Trên cơ sở đó ngày 10/3/2011 UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 357/CT-UBND về thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội với các nội dung chủ yếu theo tinh thần Nghị quyết 11, trong đó đã giao nhiệm vụ chi tiết cho các ngành, địa phương, đơn vị để tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt.
Đến nay, giao Sở Kế hoạch & Đầu tư chủ trì tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành đang thực hiện công tác rà soát đầu tư công nhằm xác định cụ thể các công trình, dự án cần ngừng, đình hoãn, giãn tiến độ thực hiện trong năm 2011 theo chủ trương của Chính phủ.
Tăng cường QLNN để thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng như quản lý chặt chẽ lãi suất, ngoại hối, tỷ giá hối đoái… Đẩy mạnh quản lý điều hành thu, chi NSNN chặt chẽ, phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi. Tổng số kinh phí của tỉnh về tiết kiệm 10% chi thường xuyên nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của là 23.794 triệu đồng. Tăng cường quản lý và thu hồi nợ đọng, trong 03 tháng đầu năm đã thu nợ được 12 tỷ đồng, chiếm 9,6% trên tổng số thuế nợ đọng.
Tổ chức hội nghị gặp mặt doanh nghiệp để nắm bắt tình hình và có các biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế.
Chú trọng đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, giá cả, nhất là các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá; thực hiện đang ký giá tại các cửa hàng, điểm bán lẻ, bán buôn, siêu thị, trung tâm thương mại đối với các mặt hàng: Lương thực, thực phẩm, sữa, thuốc chữa bệnh, vật liệu xây dựng, phân bón. Đồng thời thực hiện giá mới điều chỉnh từng bước theo cơ chế thị trường như giá xăng dầu, giá điện.
Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống nhân dân và đề nghị của các huyện, thành phố rà soát số hộ, khẩu thiếu đói và đề xuất biện pháp cứu trợ kịp thời. Tỉnh đã phân bổ kịp thời 1.380 tấn gạo do Chính phủ hỗ trợ (số còn lại) cho nhân dân và tranh thủ các nguồn hỗ trợ khác của các tổ chức, cá nhân để phục vụ cứu đói trong mùa giáp hạt năm 2011.
Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các thành phần kinh tế nhận thức đúng, hiểu rõ, chia sẽ khó khăn và tham gia tích cực, tạo đồng thuận cao trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ.
2- Nông, lâm ngư nghiệp
a. Nông nghiệp
Trồng trọt: Vụ sản xuất Đông Xuân năm nay triển khai trong điều kiện thời tiết rét đậm và rét hại kéo dài, nhiệt độ xuống thấp nên nhiều diện tích các loại cây trồng hàng năm bị chết hoặc kém phát triển phải gieo cấy lại. Sau Tết Nguyên đán đến nay, bà con nông dân vừa đẩy nhanh tiến độ gieo cấy các loại cây trồng, đồng thời tiến hành gieo lại trên diện tích bị thiệt hại. Nhờ đó, đến nay đã cơ bản đã gieo cấy xong diện tích lúa, các cây trồng khác tiếp tục gieo cấy theo kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, vào cuối tháng 3 lại gặp đợt rét đậm làm ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Dự kiến đến cuối tháng 3, tổng diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân thực hiện 52.336 ha, bằng 97% so cùng kỳ[1]. Diện tích một số loại cây trồng chủ yếu như sau:
- Cây lúa: Diện tích thực hiện 28.359 ha, tăng 1,5% so cùng kỳ, đạt 104,6% KH trong đó: Diện tích được gieo cấy giống mới 27.959 ha, tăng 0,1%; diện tích gieo thẳng 27.786 ha, tăng 1,5% so cùng kỳ.
- Cây ngô: diện tích thực hiện 3.954 ha, bằng 93,8% so cùng kỳ, đạt 92% kế hoạch. Nguyên nhân diện tích ngô giảm do chậm thời vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
- Cây sắn: Thực hiện 5.556 ha, bằng 96,1% so cùng kỳ, đạt 94,17% KH.
- Cây khoai lang: Thực hiện 3.195 ha, bằng 93,9%; cây khoai các loại 624 ha, bằng 83,0%; cây rau các loại 4.335 ha, tăng 1,4%; cây đậu các loại 523 ha, bằng 70,9%; cây lạc 4.343 ha, bằng 84,8%; cây vừng 176 ha, bằng 46,1% so cùng kỳ.
Việc nạo vét, tu sửa kênh mương nội đồng sau lũ lụt cuối năm trước được quan tâm nên công tác tưới, tiêu được chủ động, cơ bản đáp ứng đủ nước cho nhu cầu sinh trưởng và phát triển cây trồng. Diện tích tưới đến ngày 10/3 đạt 16.860 ha, tăng 3,1% so cùng kỳ năm trước.
Do thời tiết chuyển mùa nên sâu bệnh hại cây trồng đã xuất hiện ở nhiều địa phương. Các địa phương đã và đang tích cực triển khai công tác phòng, chống sâu bệnh hại cây trồng nên hạn chế lây lan, tán phát[2].
Cây lâu năm: Các doanh nghiệp, hộ gia đình đang tiến hành chăm sóc và khai thác sản phẩm các loại cây lâu năm theo kế hoạch. Dự ước quý I, diện tích cây lâu năm được chăm sóc lần 1 là 3.750 ha, tăng 2,0% so cùng kỳ, trong đó diện tích cao su được chăm sóc là 950 ha, tăng 2,7% so cùng kỳ; sản lượng mủ cao su khai thác đạt 596 tấn, bằng 97,7% so cùng kỳ. Nguyên nhân sản lượng mủ quý I giảm so cùng kỳ là do rét đậm, rét hại kéo dài nên ảnh hưởng đến chu kỳ thay lá, triển khai cạo mủ chậm.
Chăn nuôi: Trong những tháng đầu năm 2011, do ảnh hưởng thời tiết rét đậm kéo dài làm một số lượng trâu bò bị chết; bên cạnh đó tình hình giá cả biến động thất thường, đặc biệt giá thức ăn tăng cao nên gây ảnh hưởng đến chăn nuôi lợn và gia cầm ở các địa phương. Số lượng đàn gia súc, gia cầm quý I/2011 đều giảm so cùng kỳ năm trước. Dự ước đến 01/4/2011: đàn trâu 41.267 con, bằng 98,69%; đàn bò 124.729 con, bằng 95,54%; đàn lợn 387.484 con, bằng 98,70%; đàn gia cầm 2.366.971 con, bằng 97,98% so cùng kỳ. Lãnh đạo các ngành và các cấp địa phương đang tích cực tìm các giải pháp hợp lý nhằm đẩy nhanh tiến độ khôi phục đàn, đặc biệt phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại quy mô lớn, theo hướng sản xuất hàng hóa. Tiếp tục thực hiện chương trình sind hóa đàn bò, nạc hóa đàn lợn; triển khai mô hình chăn nuôi lợn và gia cầm theo truyền thống; đồng thời tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ tập trung, nhằm từng bước đảm bảo VSAT thực phẩm và tạo bước chuyển biến mới về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi.
b. Lâm nghiệp: Các đơn vị, địa phương đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ chăm sóc rừng trồng, trồng cây phân tán, khai thác sản phẩm song mây, nhựa thông theo kế hoạch và chuẩn bị cho công tác khai thác gỗ năm 2011 vào đầu quý II. Dự ước tháng 3, sản lượng gỗ khai thác là 9.216 m3, quý I đạt 22.336 m3, tăng 22,7%SCK. Nhờ thị trường tiêu thụ gỗ từ rừng trồng ổn định và nhu cầu lớn nên các chủ rừng đã thực sự chủ động, vừa khai thác, vừa chăm sóc, vừa tiếp tục trồng dặm để làm tăng vốn rừng. Diện tích rừng trồng được chăm sóc trong quý I chăm sóc 3.418 ha, bằng 99,9% so cùng kỳ. Số lượng cây phân tán được trồng trong tháng là 101 ngàn cây, quý I là 1.974 ngàn cây, tăng 5% so cùng kỳ.
c. Thuỷ sản: Thời tiết rét đậm kéo dài, giá nhiên liệu và thức ăn thuỷ sản tăng cao đã tác động lớn đến tình hình sản xuất thuỷ sản, cùng với ảnh hưởng của lũ lụt năm trước làm cho sản xuất thuỷ sản trong quý I phát triển chậm. Dự ước sản lượng khai thác và nuôi trồng quí I thực hiện 7.388,3 tăng 0,9%. Trong đó: Sản lượng khai thác 6.314 tấn, tăng 2,8% so cùng kỳ, đạt 16,44%KH [3]; sản lượng nuôi trồng 1.074 tấn, bằng 91% so với cùng kỳ, đạt 9,26%KH [4].
Tiếp tục chỉ đạo công tác kiểm tra đăng ký, đăng kiểm và an toàn tàu cá trước khi ra khơi; phối hợp với các lực lượng liên quan kiểm soát, ngăn chặn tình trạng sử dụng mìn, xung điện đánh bắt thuỷ sản; chỉ đạo thành lập các tổ đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển và Chi hội nuôi trồng thuỷ sản. Tuy nhiên, hiện nay nguồn cung ứng giống cho nuôi trồng của địa phương chưa đáp ứng đủ nhu cầu, phải mua ở các tỉnh khác nên khó kiểm soát dịch bệnh.
3- Công nghiệp
Trong những tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tác động của tăng giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào như: Giá xăng dầu, giá điện, lãi suất ngân hàng tăng cao. Để thúc đẩy mở rộng sản xuất đòi hỏi các doanh nghiệp phải có các biện pháp giảm tối đa chi phí đầu vào để hạ giá thành sảm phẩm. Mặc dầu phải đối mặt với khó khăn, nhưng nhìn chung các doanh nghiệp vẫn duy trì và mở rộng sản xuất. Do đó, sản xuất công nghiệp quý I trên địa bàn tỉnh tăng trưởng khá so cùng kỳ. Dự ước giá trị sản xuất công nghiệp quý I năm 2011 đạt 841,9 tỷ đồng, tăng 17,9% so cùng kỳ, đạt 19,7% KH[5]. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh tăng khá như: Bia chai 6.007 triệu lít, tăng 9,3%; nước khoáng 1.956 nghìn lít, tăng 9,1%; áo quần may sẵn 1.327 nghìn cái, tăng 29,7%; xi măng 372 nghìn tấn, tăng 17,4%, clinke 166 nghìn tấn, tăng 29,7%; nước mắm 936 nghìn lít, tăng 22,2%; quặng Titan 2.557 tấn, tăng 101,5% so cùng kỳ.
Tuy nhiên, so với kế hoạch tăng trưởng SXCN năm 2011 đã đề ra (21%) thì tốc độ tăng trưởng quý I còn thấp. Nguyên nhân là năng lực của những cơ sở sản xuất đóng góp lớn cho ngành công nghiệp của tỉnh đã hết công suất; các nhà máy mới như Nhà máy Xi măng Áng Sơn 1 đang trong quá trình chạy thử, sản lượng đạt thấp, sản phẩm mới nên khâu tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, Nhà máy Xi măng Áng Sơn 2 vẫn đang lắp đặt thiết bị chưa đưa vào sản xuất... Một số ngành, sản phẩm có mức tăng thấp hoặc giảm sút so với cùng kỳ như: Thuỷ sản đông lạnh chế biến chỉ đạt 189 tấn, bằng 99%; cát sạn đạt 201 nghìn m3, giảm 20,2%; gỗ xẻ các loại đạt 11.391m3, giảm 19,5%...
4- Các ngành dịch vụ
- Nội thương: Quý I/2011, hoạt động thương mại tiếp tục sôi động, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiếp tục tăng do đầu tháng 3, Chính phủ điều chỉnh tăng giá xăng dầu, giá điện vì vậy các mặt hàng thiết yếu đều tăng giá.
Dự ước tháng 3, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 927,7 tỷ đồng, 3 tháng 2.768,2 tỷ đồng, tăng 24,4% so cùng kỳ. Các thành phần kinh tế đều có mức tăng cao, trong đó kinh tế cá thể và kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng lớn, chiếm 93,5% trong tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ. Thành phần kinh tế cá thể đạt 1.588,8 tỷ đồng, chiếm 57,4%, kinh tế tư nhân 998 tỷ đồng, chiếm 36,1% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.
Các ngành, các cấp đã tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa, ngăn chặn việc tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, xử lý nghiêm các vụ vi phạm về nhãn hàng hoá, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng; vi phạm trong lĩnh vực giá.
- Giá cả hàng hóa: Do ảnh hưởng của việc điều chỉnh tăng giá xăng, giá điện nên chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng 2,23% so tháng trước, tăng 6,35% so tháng 12 năm 2010 và tăng 15,66% so cùng kỳ.
Trong 11 nhóm hàng, có 8 nhóm chỉ số giá tăng so với tháng trước, trong đó cao nhất là nhóm giao thông tăng 6,72%, nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,99%, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,66%, nhóm giáo dục tăng 2,27%...
- Xuất nhập khẩu:
Quý I một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm về số lượng so cùng kỳ nhưng do giá tăng nên kim ngạch tăng cao. Dự ước tháng 3 kim ngạch xuất khẩu đạt 9,15 triệu USD, 3 tháng đạt 32,8 triệu USD, tăng 60,7% so với cùng kỳ, trong đó hơn 90% là xuất khẩu trực tiếp. Trong đó: Khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 31,5 triệu USD, chiếm 96%; khu vực kinh tế nhà nước 1,3 triệu USD, chiếm tỷ trọng 4%.
Cao su vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, ước đạt 5,4 ngàn tấn, bằng 83,6% so cùng kỳ, nhưng do giá tăng 38% nên về trị giá tăng 15,4% so cùng kỳ; nhựa thông 386,3 tấn, tăng 1,5% cùng kỳ, do giá tăng 152,4% nên trị giá tăng 156,1%. Quặng titan: 3,7 ngàn tấn, gấp 4 lần cùng kỳ, về trị giá tăng 4,7 lần. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là các nước Châu Á, Châu Âu, trong đó Trung Quốc chiếm tỷ trọng 93,6%, còn lại 6,4% là của Pakixtan, Nhật, Lào và Pháp.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 3 đạt 1,4 triệu USD, 3 tháng 4,67 triệu USD, gấp 2 lần so cùng kỳ, thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu phục vụ cho sản xuất như: gỗ các loại, nhôm thanh và các mặt hàng tiêu dùng khác...
- Du lịch: Những tháng đầu năm, hoạt động kinh doanh du lịch tiếp tục phát triển, lượng khách du lịch đến tỉnh ta tăng khá lớn. Số lượt khách du lịch đến Quảng Bình trong quý I ước đạt 201,1 ngàn lượt, tăng 33,6% so cùng kỳ, tuy nhiên khách quốc tế đến tỉnh giảm, đạt 3,5 ngàn lượt, giảm 22,3% so cùng kỳ.
- Dịch vụ vận tải: Hoạt động vận tải của địa phương tiếp tục phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hớn nhu cầu đi lại, vận chuyển của nhân dân. Dự ước quý I/2011, khối lượng vận chuyển hành khách 2976,7 nghìn người, tăng 10,5%; khối lượng luân chuyển hành khách đạt 116,71 triệu hk.km, tăng 10,52% so cùng kỳ; khối lượng vận chuyển hàng hoá đạt 2.305 ngàn tấn, tăng 7,1%; khối lượng hàng hoá luân chuyển 132,2 triệu tấn.km tăng 7,7% so cùng kỳ. Tổng doanh thu vận tải ước 222,5 tỷ đồng, tăng 13,3% so cùng kỳ.
5- Đầu tư xây dựng cơ bản
Khối lượng vốn đầu tư tháng 3 thực hiện ước đạt 90,4 tỷ đồng, 3 tháng đầu năm ước đạt 222 tỷ đồng tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Vốn ngân sách địa phương quản lý 190,1 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương quản lý 32 tỷ đồng[6]. Trong quý I chủ yếu thực hiện đầu tư các công trình chuyển tiếp từ năm 2010 và triển khai các công trình trong kế hoạch năm 2011. Hiện nay, công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản đang được quan tâm chỉ đạo thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn; cũng như chấn chỉnh, quản lý chặt chẽ các nguồn vốn đấu tư, nhất là công tác giám sát, đánh giá đầu tư. Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch & Đầu tư chủ trì rà soát, điều chỉnh các công trình, dự án và tổ chức các đoàn kiểm tra tình hình thực hiện đầu tư thuộc nguồn vốn NSNN và trái phiếu Chính phủ tại các sở, ngành, huyện, thành phố để rà soát, điều chỉnh kế hoạch phân bổ vốn đầu tư phát triển năm 2011 theo tinh thần của Nghị quyết 11 và văn bản hướng dẫn số 1070/BKHĐT-TH của Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Đến nay các ngành, huyện, thành phố đang thực hiện đánh giá, rà soát, điều chỉnh để gửi Sở Kế hoạch & Đầu tư tổng hợp trình UBND tỉnh.
Tuy vậy, tình hình thực hiện vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh gặp một số khó khăn: Giá cả thị trường, hàng hóa tăng, nhất là giá xăng, giá điện tăng làm tăng chi phí đầu vào ảnh hưởng đến việc thi công các công trình XDCB, bên cạnh đó công tác đền bù, giải phóng mặt bằng một số công trình gặp khó khăn, tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư chậm trễ… ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh.
6- Tài chính, tín dụng
- Tài chính: Tăng cường quản lý điều hành thu, chi NSNN chặt chẽ, phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi theo tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. UBND các huyện, thành phố, các đơn vị sản xuất kinh doanh đều phấn đấu tăng thu NSNN 7- 8% so với dự toán ngân sách năm 2011. Tổng số kinh phí của tỉnh về tiết kiệm 10% chi thường xuyên nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là 23.794 triệu đồng (trong đó, các Sở, ban ngành cấp tỉnh: 8.861 triệu đồng, Các huyện, thành phố: 14.933 triệu đồng).
Tổng thu ngân sách trên địa bàn tháng 3 đạt 67,96 tỷ đồng, 3 tháng đầu năm đạt 251,7 tỷ đồng, đạt 17,03% dự toán ĐP, trong đó thu nội địa đạt 205,49 tỷ đồng, đạt 20,7% dự toán, tăng 14,2% so cùng kỳ, thu thuế XNK 32,73 tỷ đồng, đạt 15,1% dự toán địa phương. Một số khoản thu đạt khá: Thuế công thương nghiệp dịch vụ NQD tăng 21,7%, thu tiền sử dụng đất tăng 15,5% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương trong 3 tháng đầu năm 828,76 tỷ đồng, đạt 23,9% dự toán địa phương; trong đó: Chi đầu tư phát triển 165,771 tỷ đồng, đạt 19,5%, chi thường xuyên 662,99 tỷ đồng, đạt 25,3% dự toán địa phương.
- Tín dụng: Trong điều kiện khó khăn chung, để đáp ứng nhu cầu vốn trên địa bàn, các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, áp dụng đa dạng các hình thức, kỳ hạn và lãi suất huy động linh hoạt nhằm đẩy mạnh huy động vốn cho vay phát triển kinh tế địa phương. Đến 15/3/2011, nguồn vốn huy động đạt 8.567 tỷ đồng, giảm 0,1% so đầu năm. Trong đó: Tiền gửi dân cư đạt 6.847 tỷ đồng, tăng 7,9%, tiền gửi các tổ chức kinh tế đạt 1.413 tỷ đồng, giảm 24,4%; tiền gửi bằng ngoại tệ đạt 1.322 tỷ đồng, tăng 19%. Dự ước cuối quý I/2011, nguồn vốn huy động đạt 8.745 tỷ đồng, tăng 2,0% so đầu năm.
7- Sắp xếp đổi mới doanh nghiệp và Đăng ký kinh doanh
- Về sắp xếp, đổi mới phát triển doanh nghiệp: Đến nay, tỉnh Quảng Bình đã cơ bản sắp xếp xong các DNNN theo phương án đã được Chính phủ phê duyệt. Đó hoàn thành báo cáo tổng kết 10 năm sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp doanh nghiệp nhà nước.
UBND tỉnh tổ chức hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp nhằm có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP về tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và khen thưởng để khuyến khích các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, có nhiều đóng góp cho tỉnh.
Kinh tế tập thể của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, phát huy vai trò của mình trong việc dịch vụ hỗ trợ kinh tế hộ xã viên phát triển, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho xã viên và người lao động. Trong 3 tháng đầu năm đã thành lập mới thêm 2 HTX (hiện đang làm thủ tục để thành lập thêm 4 HTX trong thời gian tới) đưa tổng số HTX trên địa bàn hiện đang hoạt động 312 HTX (trong đó HTX nông nghiệp là 140 HTX, HTX thủy sản là 6 HTX, HTX hoạt động lĩnh vực CN và TTCN là 50 HTX, HTX dịch vụ điện là 57 HTX, lĩnh vực xây dựng là 22 HTX, HTX Giao thông vận tải có 8 HTX, HTX dịch vụ thương mại, dịch vụ và môi trường là 8HTX, HTX tín dụng là 21 quỹ)
Đăng ký kinh doanh: Trong tháng 3 đã cấp giấy chứng nhận ĐKKD cho 54 doanh nghiệp, 3 tháng 125 doanh nghiệp, trong đó có 16 DN tư nhân, 47 công ty TNHH 2 thành viên, 54 công ty TNHH 1 thành viên, 8 Công ty cổ phần với tổng số vốn đăng ký 551,07 tỷ đồng. Thu hồi 7 giấy chứng nhận ĐKKD, trong đó có 4 doanh nghiệp giải thể, 2 chi nhánh giải thể, 1 doanh nghiệp chuyển đổi loại hình hoạt động.
8- Kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư
- Kinh tế đối ngoại: Các dự án ODA trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai theo kế hoạch đề ra. Đã khẩn trương triển khai thực hiện các thủ tục phê duyệt hồ sơ mời thầu, đấu thầu, triển khai, nghiệm thu và đưa công trình vào sử dụng (dự án Vệ sinh môi trường thành phố Đồng Hới, dự án Khắc phục hậu quả thiên tai năm 2005, dự án Năng lượng nông thôn REII, dự án phân cấp giảm nghèo...); đẩy nhanh tiến độ của các hợp phần khác như nâng cao năng lực thể chế cho các BQL dự án cấp xã và các tổ chức đoàn thể cấp xã (dự án Phân cấp giảm nghèo); ...nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA để kịp hoàn thành dự án theo đúng hiệp định. Dự án cảng cá cửa Gianh đang điều chỉnh tổng dự toán để tiến hành thanh quyết toán, nghiệm thu bàn giao đưa công trình đưa vào sử dụng. Các DA mới như: Dự án thoát nước và vệ sinh môi trường thị trấn Ba Đồn (Đan Mạch), dự án cấp nước huyện Quảng Trạch (Hungary) đang chuẩn bị dự án; Dự án Pin năng lượng mặt trời và DA Trang thiết bị bệnh viện Bắc Quảng Trạch (Hàn Quốc) đang tiến hành vận động; Dự án cấp nước 5 xã huyện Quảng Ninh (Italia) tiến hành các thủ tục kể ký kết hiệp định; Dự án Cung cấp trang thiết bị dạy nghề (Hàn Quốc) đang tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân của các dự án còn chậm. Tổng số vốn ODA của các dự án quý I năm 2011 thực hiện 60,5 tỷ đồng, đạt 5 % KH.
- Xúc tiến đầu tư: Trong quý I, đã tiếp nhận và xử lý 3 dự án đăng ký đầu tư mới, hiện các dự án này đang triển khai các thủ tục ban đầu, trong đó có 2 dự án đầu tư vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ và 1 dự án đầu tư vào lĩnh vực xây dựng, sản xuất nguyên vật liệu. Tính đến nay, tổng số dự án đã đăng ký đầu tư vào tỉnh là 236 dự án với vốn đăng ký khoảng 91.637 tỷ đồng. Đã tiến hành sản xuất các tài liệu Xúc tiến đầu tư cho Đoàn cán bộ tỉnh tham dự Hội thảo XTĐT tại tỉnh Sakhon Nakhon của Thái Lan; phối hợp với các Sở, ban, ngành xem xét bổ sung, cập nhật Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư năm 2010 để có cơ sở ban hành Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2011-2015; chuẩn bị các tài liệu về XTĐT và cùng với lãnh đạo tỉnh, các Sở, ban ngành có buổi tiếp và làm việc với đoàn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam....
Trong quý I, đã có 9 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư 265,7 tỷ đồng. Cấp giấy chứng nhận đăng ký văn phòng đại diện của Viện nghiên cứu và thiết kế xi măng Hợp Phì (Trung Quốc) tại Quảng Bình để thực hiện các gói thầu dự án xi măng Quảng Phúc.
- Công tác ngoại vụ:
+ Đoàn ra: Trong quý I, đã có 15 đoàn với 121 lượt người (trong đó có 43 cán bộ là đảng viên) đi các nước Lào, Thái Lan, Campuchia, Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Anh, Australia, New Zealand để tham dự hội nghị, hội đàm về công tác cắm mốc, xúc tiến đầu tư, hội chợ, tham gia nghiên cứu khảo sát thực hiện chính sách, biểu diễn nghệ thuật, thăm kiểm tra và chúc Tết...
+ Đoàn vào: Đã có 20 đoàn với 105 lượt người đến thăm và làm việc tại tỉnh ta gồm các quốc tịch: Lào, Thái Lan, Inđônêsia, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Nam Phi, Ba Lan, New Zealand, Colombia đến Quảng Bình để tham dự hội nghị, hội thảo, làm việc tại các dự án, họp đội cắm mốc biên giới, tiếp xúc để mở rộng quan hệ hữu nghị hợp tác, hoạt động báo chí...
+ Công tác vận động viện trợ phi Chính phủ: Ngành đã tích cực vận động, kêu gọi các tổ chức phi chính phủ thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh. Đã vận động các tổ chức hỗ trợ và cam kết hỗ trợ thực hiện các chương trình, dự án với tổng giá trị là 1.253.269 USD. Trong đó: Tổ chức Save the Children hỗ trợ sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng lũ lụt với kinh phí 505,269 ở huyện Tuyên Hóa và Bố Trạch; Tổ chức Samaritan’s Pure đã trao 4.000 suất quà giá trị 104.000 USD cho trẻ em huyện Quảng Trạch; Cộng đồng Châu Âu (ECHO) viện trợ nhân đạo khắc phục hậu quả lũ lụt với số tiền 420.000 USD; Tổ chức Clear Path International hỗ trợ giúp đỡ các gia đình bị tai nạn về bom mìn ở huyện Quảng Trạch 30.000 USD; Tổ chức Đông Tây hội ngộ cấp học bổng và hỗ trợ học phí cho học sinh nghèo hiếu học tại tỉnh 194.000 USD. Đã phê duyệt 4 chương trình, dự án NGO với tổng vốn đầu tư tương đương 7,7 tỷ đồng.
9- Tài nguyên môi trường
Trong 3 tháng đầu năm, ngành đang tiến hành chỉ đạo đơn vị tư vấn rà soát quy hoạch đất trồng cây cao su để bổ sung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2010-2020; tiếp tục thực hiện quy hoạch sử dụng đất cấp xã, đến nay đã quy hoạch được 85/159 xã còn 74 xã đang triển khai. Thực hiện tốt công tác giới thiệu địa điểm, giao đất, cho thuê đất; trong quý I, đã giới thiệu sử dụng đất 8 hồ sơ, giao đất tiếp nhận và giải quyết 10 hồ sơ; diện tích đất thu hồi 27.887m2, diện tích đất giao 51.086,8m2; cho thuê đất tiếp nhận và giải quyết 11 hồ sơ; diện tích cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đấy 242.256,7m2. Hoàn thành công tác thống kê đất đai năm 2010; đã nghiệm thu hoàn thành các công trình thuộc dự án đất lâm nghiệp theo Quyết định 672/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Công tác quản lý môi trường tiếp tục được chú trọng. Đã triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường và xây dựng Kế hoạch quan trắc bảo vệ môi trường năm 2011. Tổ chức thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường cho 3 dự án; cung cấp thông tin về tình hình thẩm định, phê duyệt cáo cáo ĐTM, các bản cam kết bảo vệ môi trường giai đoạn năm 2006-2010 đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ. Tập trung kiểm tra các điểm mỏ khoáng sản để làm thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản cho các tổ chức, doanh nghiệp. Trong quý I, đã cấp 19 giấy phép hoạt động khoáng sản (13 giấy phép khai thác, 6 giấy phép thăm dò).
10- Giáo dục - Đào tạo
Ngành Giáo dục - Đào tạo tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng dạy và học ở các cấp học và trình độ đào tạo. Phát động Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn với Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiên, học sinh tích cực” trong các trường phổ thông giai đoạn 2008-2013. Đã triển khai nhiệm vụ học kỳ II năm học 2010-2011 đúng tiến độ. Mạng lưới trường, lớp các cấp học và trình độ đào tạo tiếp tục được điều chỉnh, sắp xếp phù hợp, cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập, đào tạo của học sinh và người lao động. Công tác vận động, huy động số lượng, duy trì sĩ số các cấp học được tiến hành tích cực, số lượng học sinh bỏ học giảm đáng kể so cùng kỳ năm học trước (tỷ lệ 0,28%). Công tác phổ cập giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh, đến nay đã có 159/159 xã, phường đạt chuẩn PCGDTH-CMC; 6/7 huyện, thành phố với 152/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGDTH đúng độ tuổi (đạt 95,6%, tăng 1,3% so năm trước), có 158/159 xã, phường, thị trấn và 7/7 huyện, TP đạt chuẩn phổ cập GDTHCS.
Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh bậc học Trung học phổ thông dành cho học sinh lớp 11 và lớp 12 có 1.123 học sinh với 9 môn thi. Kết quả đã có 626 học sinh đạt giải, chiếm tỷ lệ 55,74% số học sinh dự thi. Trong đó: 26 giải nhất, 155 giải nhì, 217 giải ba và 228 giải khuyến khích. Kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia lớp 12 có 36 em đạt giải (7 giải nhì, 18 giải ba, và 11 giải khuyến khích), giảm 10 giải so với năm học 2009 - 2010.
Đào tạo chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn ngày càng được nâng cao về số lượng, chất lượng. Quy mô học sinh năm học 2010 - 2011: Học sinh đại học 4.118 người, tăng 1.748 người, sinh viên cao đẳng 2.296 người, giảm 1.403 người so năm học trước. Tổng số học sinh THCN 3.731 người, tăng 56 người, tổng số học sinh công nhân kỹ thuật ở các trường THCN 6.999 người...
11- Y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân
Ngành đã thực hiện tốt việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, phát động phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường trong nhân dân... nên từ đầu năm đến nay, không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế như chương trình tiêm chủng mở rộng, phòng chống bướu cổ, phòng chống lao, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi... Thực hiện các chương trình y tế, giám sát và phòng chống dịch bệnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.
Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân tiếp tục được đẩy mạnh, các Bệnh viện ở các tuyến đã đáp ứng tốt nhu cầu khám, thu dung điều trị người bệnh. Các cơ sở y tế tuyến xã/phường/thị trấn đã phát huy hiệu quả máy móc, trang thiết bị hiện có, đảm bảo an toàn điều trị, nâng cao chất lượng chăm sóc điều dưỡng cho người bệnh. Ngành Y tế đã chủ động triển khai công tác phòng chống các loại dịch bệnh có nguy cơ xẩy ra, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão các bệnh viện, trạm xá đã bố trí đầy đủ y, bác sỹ trực 24/24 giờ và cơ số thuốc để phục vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, cấp cứu các tình huống kịp thời.
Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố, hiện nay toàn tỉnh có 159/159 xã, phường, thị trấn có trạm y tế, đạt tỷ lệ 100%, trong đó có 114/159 (71,7%) trạm y tế xã phường đạt chuẩn quốc gia, 100% trạm y tế xã có bác sĩ, 100% thôn bản có nhân viên y tế hoạt động được trả phụ cấp ổn định; 100% trạm y tế đảm bảo đủ thuốc thiết yếu phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh.
12- Văn hoá - Thể thao, Thông tin và Truyền thông
- Văn hóa - Thể thao: Các hoạt động phục vụ nhân dân vui Xuân, đón Tết mừng Đảng, mừng xuân, tuyên truyền phục vụ kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và quê hương được các địa phương trong tỉnh tổ chức trang trọng, rộng khắp đã tác động tích cực đến đời sống tinh thần trong mọi tầng lớp nhân dân.
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, chính quyền các cấp đã đẩy mạnh các hoạt động vui chơi lành mạnh, tổ chức nhiều phong trào văn hóa nghệ thuật, thi đấu thể thao phù hợp với bản sắc văn hóa truyền thống. Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, các trò chơi dân gian, bắn pháo hoa được tổ chức tốt, an toàn, trật tự trong không khí đón xuân vui tươi, phấn khởi của nhân dân. Các cơ quan, trường học, xã phường, thị trấn, đường làng, ngõ xóm đã làm tốt công tác vệ sinh môi trường, treo Cờ Tổ quốc, treo băng rôn khẩu hiệu “Mừng Đất nước đổi mới - Mừng Đảng quang vinh - Mừng Xuân Tân Mão”. Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thaochủ đề Mừng Đảng - Mừng Xuân… đã tạo được không khí vui tươi, lành mạnh góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân.
Đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành chức năng, các địa phương tiến hành kiểm tra hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa. Trong những tháng đầu năm 2011, thanh tra Sở đã thanh tra 32 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 15 đối tượng, phạt tiền 9 cơ sở, đối tượng với tổng số tiền là 25,5 triệu đồng, cảnh cáo 6 cơ sở, đối tượng, tịch thu 850 đĩa ca nhạc, sân khấu và đĩa phim phát hành trái phép, 519 cuốn sách bói toán...
Các hoạt động thể dục thể thao đã diễn ra sôi nổi, rộng khắp: Tổ chức giải cờ tướng đầu Xuân, giải bóng chuyền sân cỏ, giải bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền nam, nữ được tổ chức thành công. Tham gia thi đấu tại giải cờ vua Miền Trung mở rộng thiết thực ‘’Mừng Đảng - Mừng Xuân’’
- Thông tin và truyền thông: Đã tăng cường chỉ đạo các cơ quan báo, đài và các địa phương tăng cường tuyên truyền các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Tân Mão; Nghị quyết số 11/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; tuần lễ Quốc gia ATVSTP-PCCN lần thứ 13 năm 2011; đặc biệt là tuyên truyền về cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 sâu rộng đến toàn thể nhân dân... Trong quý I, ngành đã cấp 11 giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh và cấp đổi 6 giấy phép xuất bản bản tin cho các đơn vị, địa phương trong tỉnh. Chỉ đạo các doanh nghiệp Bưu chính Viễn thông đảm bảo thông tin, liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhân dân trong dịp Tết Tân Mão.
13- Lao động, Thương binh và Xã hội
Đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành đề án “Đào tạo nghề lao động nông thôn tỉnh Quảng Bình đến năm 2020”; hoàn chỉnh Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg tỉnh Quảng Bình. Phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Vinh tổ chức khai giảng bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề cho 20 giáo viên dạy nghề của các trường, trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh tại Trường Trung cấp nghề Quảng Bình. Giải quyết các chế độ chính sách đối với thương binh, liệt sỹ và người có công theo chế độ hiện hành của Nhà nước. Phối hợp với Ngân hàng CPTM Ngoại Thương Việt Nam trao tặng 30 nhà tình nghĩa cho đối tượng theo chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” đồng thời tổ chức lễ khánh thành và khai chuông tại Nghĩa trang liệt sỹ Ba Dốc.
Hoạt động thăm hỏi, trợ cấp, giúp đỡ các gia đình chính sách, gia đình nghèo có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, đồng bào dân tộc được các cấp, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm, chỉ đạo thực hiện đặc biệt là trong dịp Tết. Thăm và tặng quà các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn với 72.800 suất quà với tổng giá trị 13,91 tỷ đồng. Thực hiện phân bổ kịp thời 3.000 tấn gạo để cứu đói nhân dân nhằm ổn định đời sống nhân dân trong kịp Tết Nguyên đán và trong thời kỳ giáp hạt.
Hướng dẫn các huyện, TP tổ chức hội nghị tổng kết chương trình Xoá đói giảm nghèo - Giải quyết việc làm giai đoạn 2006-2010, kế hoạch, chương trình giai đoạn 2011-2015. Tổ chức các hoạt động cho trẻ em vui Xuân đón Tết, thu hút trên 50.700 trẻ em tham gia với tổng kinh phí 204,55 triệu đồng.
14- Công tác nội chính, thanh tra, tư pháp
a. Công tác tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền
Trong quý I, ngành đã thẩm định Đề án thành lập Quỹ phát triển đất Quảng Bình, trình UBND tỉnh thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Quảng Ninh, Quảng Trạch; thẩm định Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý Dự án Khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng. Trình UBND tỉnh Quyết định tổng biên chế sự nghiệp, biên chế hành chính và Hợp đồng 68 năm 2011 cho các cơ quan, đơn vị; Quyết định phê duyệt chỉ tiêu biên chế sự nghiệp tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên, giao chỉ tiêu biên chế sự nghiệp tự trang trải năm 2011 cho một số đơn vị; Quyết định những Hội có tính chất đặc thù hoạt động trên địa bàn tỉnh...
Trình Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nhân sự Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016. Triển khai thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016; trình UBND tỉnh quyết định công nhận danh hiệu “chính quyền cơ sở vững mạnh” năm 2010 cho 53 xã, phường, thị trấn; thông báo kết quả đánh giá chính quyền cơ sở vững mạnh năm 2010 của Hội đồng đánh giá tỉnh cho các huyện, thành phố...
Ban hành Kế hoạch Cải cách hành chính tỉnh Quảng Bình năm 2011 và hướng dẫn, đôn đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố ban hành kế hoạch cải cách hành chính năm 2011.
b. Công tác tư pháp
Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL tiếp tục được chú trọng. Trong quý, đã tiến hành góp ý các dự thảo văn bản do các sở, ban, ngành soạn thảo. Qua thẩm định, góp ý góp phần đảm bảo văn bản ban hành đúng thẩm quyền, thể thức, nội dung văn bản phù hợp với Hiến pháp, luật và các văn bản pháp luật khác của các cơ quan có thẩm quyền. Đã tiến hành kiểm tra 8 Nghị quyết do HĐND cấp huyện ban hành và tự kiểm tra 02 Quyết định do UBND tỉnh ban hành. Qua tự kiểm tra, kiểm tra các văn bản trên đều ban hành đúng quy định, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương; cơ bản đảm bảo về thể thức và kỹ thuật trình bày. Tham mưu cho UBND tỉnh và tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được quan tâm. Trong tháng, tổ chức 3 hội nghị về bồi dưỡng kiến thức pháp luật và tập huấn nghiệp vụ PBGDPL cho Tổ hòa giải và Trưởng Ban công tác Mặt trận của huyện Quảng Trạch, Lệ Thuỷ và thành phố Đồng Hới theo Đề án ''Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác PBGDPL, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển đất nước” từ năm 2008 đến 2010.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Đã trực tiếp thực hiện thụ lý và tiến hành làm các thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài cho 01 trường hợp; ghi chú kết hôn 13 trường hợp; cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho 122 trường hợp.
Thường xuyên thực hiện công tác truyền thông pháp luật về trợ giúp pháp lý bằng nhiều hình thức khác nhau; tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong thực hiện TGPL đặc biệt là với các cơ quan tiến hành tố tụng. Trong tháng 3, đã thực hiện trợ giúp pháp lý với tổng số 66 vụ việc, tổng số đối tượng được trợ giúp 66 người.
c. Công tác thanh tra, khiếu nại tố cáo
Ngành Thanh tra tỉnh đang chỉ đạo các tổ chức thanh tra đẩy nhanh tiến độ các cuộc thanh tra theo chương trình, kế hoạch được được duyệt. Trong quý I, ngành đã tổ chức các cuộc thanh tra cổ phần hóa doanh nghiệp, thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế tại một số doanh nghiệp, kiến nghị thu hồi vào ngân sách nhà nước 526,5 triệu đồng. Trong đó: Thanh tra Tài chính đã hoàn thành 5 cuộc thanh tra, thu hồi ngân sách Nhà nước 148,7 triệu đồng; Thanh tra Sở Nông nghiệp đã hoàn thành thanh tra tại 180 cơ sở, phương tiện đã xử lý phạt hành chính 12 trường hợp với số tiền 7,9 triệu, phạt cảnh cáo 13 trường hợp...
Quý I, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp nhận 205 lượt công dân, giảm 11 lượt so cùng kỳ. Các cơ quan, đơn vị đã trực tiếp xem xét, trả lời đồng thời giao trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các ngành, các cấp giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo của công dân. Trong quý, ngành đã nhận nhận 156 lượt đơn kiếu nại, tố cáo của công nhân, giảm 58 lượt đơn SCK.
15- Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội
Các ngành chức năng đã tăng cường công tác chỉ đạo và triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm trấn áp mạnh các loại tội phạm; tăng cường công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, vũ khí, vật liệu nổ, pháo nổ, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; chỉ đạo các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn trọng điểm để xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật. Nhờ đó các loại tội phạm xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong các tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an ninh biên giới tiếp tục được giữ vững, ổn định.
Tuy nhiên, tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp, quý I đã phát hiện 10 vụ buôn bán, vận chuyển ma túy với 21 đối tượng vi phạm; tăng 6 vụ và 15 đối tượng so với cùng kỳ. Phát hiện 6 vụ với 19 đối tượng sử dụng ma tuý, so cùng kỳ tăng 3 vụ và tăng 11 đối tượng vi phạm.
- An toàn giao thông: Trong quý I, đã xảy ra 123 vụ tai nạn giao thông (trong đó có 3 vụ đường sắt), làm chết 62 người, bị thương 201 người; tăng 62 vụ, tăng 3 người chết, tăng 165 người bị thương so cùng kỳ. Lực lượng cảnh sát giao thông tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm an toàn giao thông như không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu... đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trong dịp Tết./.
[1] Trong đó: Cây lương thực 32.403 ha, bằng 100,5%; cây chất bột có củ 9.375 ha, bằng 94,4%; rau đậu các loại 4.858 ha, bằng 96,9%; cây công nghiệp 4.572 ha, bằng 81,8%; cây hàng năm khác 1.128 ha, bằng 95,2% so cùng kỳ.
[2] Đến 10/3, tình hình sau bệnh như sau: Diện tích lúa bị rệp muội gây hại 375 ha; diện tích lúa bị bọ trĩ 103 ha; diện tích lúa bị rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại 101 ha; bị sâu cuốn lá nhỏ gây hại 36 ha; bệnh đạo ôn lá 86,7 ha; bị nhiễm tuyến trùng rễ 120,7 ha; chuột phá lúa trên diện tích 230 ha
[3] Trong đó: Khai thác biển 5.889,1 tấn, tăng 3%; khai thác nước lợ 120,3 tấn, tăng 3,6%;khai thác nước ngọt 304,9 tấn, bằng 99,8% so cùng kỳ .
[4] Trong đó: Cá các loại 879,7 tấn, bằng 90,2%; tôm các loại 149,9 tấn, bằng 97,5%; thuỷ sản khác 44,4 tấn, bằng 87,8% so cùng kỳ.
[5] Trong đó kinh tế nhà nước thực hiện 353,4 tỷ đồng, tăng 6,5% (kinh tế Nhà nước TW thực hiện 338,7 tỷ đồng, tăng 7,9%; kinh tế nhà nước địa phương thực hiện 14,7 tỷ đồng, giảm 17,3% so cùng kỳ); kinh tế ngoài nhà nước thực hiện 483 tỷ đồng, tăng 27,6%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 5,5 tỷ đồng, tăng 34,7%SCK.
[6] Cụ thể: Ngành Nông lâm nghiệp, thuỷ sản thực hiện 24,9 tỷ đồng, đạt 11,3% kế hoạch; ngành Công nghiệp chế biến chế tạo thực hiện 6,1 tỷ đồng, đạt 6,8% kế hoạch; ngành vận tải kho bãi thực hiện 67,7 tỷ đồng, đạt 23,1% kế hoạch; hoạt động nghệ thuật vui chơi giải trí thực hiện 4,3 tỷ đồng; đạt 9,6% kế hoạch; ngành Y tế và cứu trợ xã hội thực hiện 14,6 tỷ đồng, đạt 12,8% kế hoạch; ngành Giáo dục Đào tạo thực hiện 25,1 tỷ đồng, đạt 25,4% kế hoạch; ngành An ninh quốc phòng, quản lý nhà nước thực hiện 21,9 tỷ đồng, đạt 19,7% kế hoạch.