Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 05/10/2011-09:48:00 AM
Hội thảo tham vấn về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015
(MPI Portal) – Ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý gắn với tái cấu trúc nền kinh tế là những mục tiêu quan trọng của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 được trình bày tại Hội thảo tham vấn ý kiến do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển Bỉ tổ chức ngày 04/10/2011.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra mục tiêu tổng quát của Kế hoạch 5 năm 2011 – 2015 là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; duy trì tăng trưởng hợp lý gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; Bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; Bảo vệ tài nguyên môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; Tăng cường hoạt động đối ngoại và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế; Giữ vững ổn định chính trị; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và trật tự an ninh toàn xã hội; Tạo nền tảng đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Những năm đầu của Kế hoạch 5 năm, Việt Nam sẽ ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát, tăng trưởng ở mức độ hợp lý, phù hợp với tình hình cụ thể ở trong nước và thế giới. Những năm cuối, nếu có điều kiện thuận lợi sẽ phát triển ở mức độ cao hơn.
Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh trình bày Dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
Trong Kế hoạch, dự kiến 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế, 11 định hướng và giải pháp được đưa ra. Theo đó, kịch bản 1 ứng với tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, tăng trưởng thấp trong năm 2011 và 2012 nhưng các năm sau tiếp tục có nhiều khó khăn và thách thức hơn; kịch bản 2 cũng xuất phát từ bối cảnh kinh tế thế giới như kịch bản 1 nhưng các năm sau tình hình được cải thiện hơn. So với dự thảo lần trước, dự thảo lần này đã đi sâu thêm vào nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; nhóm giải pháp tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; định hướng huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại.
Tại Hội thảo, đại diện các Nhà tài trợ, các chuyên gia tại các đại sứ quán đã đánh giá cao kế hoạch của Việt Nam nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, cũng như cam kết của Chính phủ trong việc thực hiện 3 đột phá lớn (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ) và có những góp ý nhằm hoàn thiện Kế hoạch.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Theo đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), bản Kế hoạch nên có sự phân công lao động rõ ràng, cần xác định mục tiêu ưu tiên, sắp xếp hợp lý các chính sách kinh tế vĩ mô. Về 2 kịch bản, ADB cho rằng cần có sự thống nhất giữa chỉ tiêu và mục tiêu.
Trong vấn đề cải cách doanh nghiệp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là rất quan trọng nhưng cổ phần hóa không phải là giải pháp duy nhất. Vấn đề đặt ra là tính minh bạch trong cổ phần hóa.
Đại diện liên minh châu Âu cho biết, nhà đầu tư nước ngoài chờ đợi sự thay đổi Luật Ngân sách nhà nước, Luật Cải cách hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp.
Còn theo Đại sứ Australia, Việt Nam cần có sự chuyển đổi về cơ cấu nền kinh tế để nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh và tốc độ tăng trưởng hợp lý trong kịch bản 1. Đối với 2 kịch bản cần tập trung tăng cường tính hiệu quả của đầu tư công, đưa ra những chỉ tiêu cụ thể cho phát triển nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần quan tâm đến hệ thống giáo dục, tìm hiểu yêu cầu các ngành của nền kinh tế, có sự trao đổi với các tỉnh về lao động và việc làm.
Tại Hội thảo, Ngân hàng thế giới (WB) chia sẻ, Kế hoạch đã bám sát sự biến động của thị trường thế giới và chiến lược của Ngân hàng thế giới cũng sẽ bám sát các mục tiêu đột phá của Việt Nam.
Theo WB, Việt Nam cần tái cơ cấu đầu tư công nhằm nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh trong việc huy động vốn toàn xã hội, xây dựng khung pháp lý đầy đủ về Luật Đầu tư công và cần xây dựng khung theo dõi, giám sát đầu tư.
Dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 đã được bổ sung, sửa đổi trên cơ sở tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước, các nhà tài trợ và các tổ chức tài chính quốc tế trong thời gian gần 2 năm qua và tiếp tục được hoàn chỉnh để trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới./.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1281
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)