Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 04/10/2011-11:29:00 AM
Chọn kịch bản tăng trưởng cho năm 2012
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 2 kịch bản về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012.
Sẽ ưu tiên các doanh nghiệp trong công
nghiệp phụ trợ vay vốn
Kịch bản tăng trưởng thấp (kịch bản 1) được xây dựng dựa trên cơ sở nền kinh tế thế giới diễn biến phïc tạp, đặc biệt là khủng hoảng nợ công và nguy cơ rơi vào suy thoái kép và những khó khăn của nền kinh tế trong nước chậm được khắc phục.
Kịch bản tăng trưởng cao (kịch bản 2) được xây dựng dựa trên dự báo tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, nhưng xu hướng phục hồi với tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2011.
Đọc Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2011 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 vào cuối tuần trước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, mặc dù những khó khăn ở trong nước từng bước được giải quyết, kinh tế vĩ mô đi dần vào ổn định song Chính phủ dự kiến đề nghị Quốc hội lựa chọn kịch bản 1.
“Khi nền kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, sẽ phấn đấu thực hiện kịch bản 2”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói và nhấn mạnh, dù theo kịch bản nào, Chính phủ quyết tâm đạt được các chỉ tiêu xã hội, chỉ tiêu về môi trường như tạo việc làm cho 1,6 triệu người, giảm tỷ lệ hộ nghèo 2%...
Như vậy, năm 2012 và những năm tiếp theo, Chính phủ vẫn quyết tâm thực hiện 6 nhóm giải pháp cơ bản về chính sách tài chính, tiền tệ giá cả; từng bước tái cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao công tác quy hoạch và dự báo kinh tế - xã hội…
Đối với nhóm giải pháp chính sách tài chính, tiền tệ và giá cả, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, thay vì sử dụng các biện pháp hành chính để can thiệp vào thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước tăng cường sử dụng hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng ở mức hợp lý, có biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất và có chính sách ưu tiên cho vay khu vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp phụ trợ.
Đối với thị trường ngoại hối, Chính phủ sẽ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý ngoại hối, điều hành thị trường ngoại hối và tỷ giá chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình cung - cầu ngoại tệ, đảm bảo tính thanh khoản của thị trường và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế đồng thời góp phần tăng dự trữ ngoại hối.
Ngoài việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với thị trường tài chính, năm 2012, các bộ, ngành sẽ tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm tra, giám sát tính công khai, minh bạch của thị trường tài chính, nhất là thị trường trái phiếu, chứng khoán, bảo hiểm và bất động sản nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các thị trường này và thúc đẩy huy động vốn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, tái cơ cấu nền kinh tế là nhiệm vụ rất lớn và rất quan trọng, nhưng rất phức tạp, đòi hỏi phải được triển khai thực hiện trong một thời gian dài, theo những lộ trình cụ thể trong tất cả các ngành, lĩnh vực và trong từng địa phương, đơn vị cơ sở.
“Trên tinh thần này, năm 2012, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương sẽ tập trung vào nhiệm vụ đánh giá lại cơ cấu và hiệu quả hoạt động của từng ngành, từng lĩnh vực để từ đó xây dựng các đề án, phương án tái cơ cấu cho tổng thể nền kinh tế quốc dân, cho từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể. Bên cạnh đó, các bộ, ngành sẽ nghiên cứu để sửa đổi hoặc ban hành cơ chế, chính sách mới phục vụ cho việc tái cơ cấu kinh tế và triển khai quyết liệt các giải pháp tái cơ cấu trong các chương trình, đề án tái cơ cấu đối từng ngành, từng lĩnh vực đã được phê duyệt”, Bộ trưởng Vinh cho biết.
Hai nhiệm vụ chính trong tái cơ cấu nền kinh tế là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thương mại. Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, năm 2012, các bộ, ngành sẽ rà soát, đánh giá toàn diện về hoạt động và hiệu quả của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, trong đó làm rõ nguyên nhân thua lỗ lớn ở một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong thời gian vừa qua. Việc rà soát sẽ làm rõ nguyên nhân chậm trễ trong việc thực hiện chương trình cổ phần hóa và chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước trong thời gian vừa qua để nghiên cứu, sửa đổi các quy định pháp lý trong cổ phần hóa cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đặc biệt là việc cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có quy mô lớn, cơ cấu tài sản phức tạp.
“Chính phủ sẽ chỉ đạo tổ chức đánh giá lại tình hình thực hiện Đề án tái cơ cấu ngân hàng và các tổ chức tín dụng; làm rõ nguyên nhân triển khai thực hiện Đề án bị chậm trễ; xây dựng chương trình hành động, các bước tái cơ cấu đối với hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính khác như công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán…”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói thêm./.
Ông Uông Chu Lưu, Phó chủ tịch Quốc hội
Cần phải linh hoạt khi đặt tốc độ tăng trưởng GDP cho năm 2012. Các đối tác thương mại, đầu tư lớn của chúng ta là EU, Nhật Bản, Mỹ đang gặp nhiều khó khăn, đầu tư ra nước ngoài của họ giảm, nhập khẩu giảm... Theo tôi, thực hiện kịch bản tăng trưởng thấp là phù hợp với tình hình thực tiễn.
Bà Trương Thị Mai , Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội
Nếu đặt chỉ tiêu CPI tăng dưới 10% thì rất nguy hiểm, bởi trong điều hành, CPI tăng 9,5 - 9,9% cũng "hoàn thành kế hoạch". Nếu CPI tăng cao liên tục như nhiều năm gần đây, các chỉ tiêu về xã hội, đặc biệt là xóa đói giảm nghèo bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thu nhập thực tế của đại bộ phận người dân không tăng, lộ trình cải cách tiền lương cũng giảm hiệu quả vì không cải thiện được đời sống của người làm công ăn lương.
Ông Phùng Quốc Hiển , Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội
Tốc độ tăng trưởng GDP vào khoảng 6 - 6,5% là hợp lý, vì kinh tế thế giới năm 2012 được dự báo là tiếp tục khó khăn. Mục tiêu này cũng phù hợp với trình độ quản lý kinh tế của chúng ta hiện nay. Chúng ta không thể đồng thời thực hiện được cả 2 mục tiêu là tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Năm 2012, mục tiêu quan trọng nhất của chúng ta là phải ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát.
Mạnh Bôn
baodautu.vn

    Tổng số lượt xem: 1066
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)