Theo dự báo của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa trong năm 2011 của Việt Nam có thể đạt 1,3 tỷ USD, tăng khoảng 30% so với năm 2010.
|
9 tháng đầu năm 2011, xuất khẩu mặt hàng nhựa ước đạt 960,7 triệu USD
|
Cơ sở cho ước tính trên của cơ quan này là tính chung 8 tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa đã đạt khoảng 840,7 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2010. Các tháng cuối năm, kim ngạch xuất khẩu thu về của mặt hàng này nhiều khả năng sẽ tăng khá mạnh.
Trong 8 tháng qua, nhóm sản phẩm nhựa bao bì (bao gồm túi nhựa và các sản phẩm dùng trong vận chuyển, đóng gói) chiếm khoảng 35,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các sản phẩm chủ lực này được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Nhật Bản, Đức, Anh, Mỹ, Campuchia. Còn nhóm sản phẩm nhựa gia dụng chiếm khoảng 20% kim ngạch được nhập khẩu bởi các quốc gia là Indonesia, Mỹ, Đức, Campuchia, Nhật Bản…
Cũng theo dự báo của Trung tâm, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nhựa tại thị trường Nhật Bản hàng năm vào khoảng 8 tỷ USD. Do vậy, Nhật Bản là thị trường khá tiềm năng cho các doanh nghiệp ngành nhựa Việt Nam. Sau thảm họa kép động đất, sóng thần và sự cố ở các nhà máy hạt nhân đã khiến thị trường này có xu hướng nhập khẩu nhiều sản phẩm nhựa công nghiệp sử dụng cho việc lắp đặt các hệ thống điện.
Hiện các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang nỗ lực xúc tiến thương mại để thâm nhập sâu vào thị trường khó tính này. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa sang Nhật Bản sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm tới thị trường này ước đạt trên 211 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn theo khảo sát của Thương vụ Việt Nam tại thị trường Anh, nhu cầu sử dụng các sản phẩm đồ nhựa gia dụng, các loại chậu, sản phẩm bàn ghế ngoài trời, cây cảnh trang trí trong vườn… ở thị trường này là rất lớn. Kết quả khảo sát thị trường của thương vụ cũng khẳng định sản phẩm nhựa của Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với hàng Trung Quốc tại thị trường này.
Nhu cầu nhập khẩu sản phẩm nhựa tại thị trường EU cũng vẫn ở mức cao và các doanh nghiệp cũng có khả năng thâm nhập tốt, nhất là nhu cầu về ống nhựa. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam sang khối thị trường này đạt trên 272 triệu USD trong 9 tháng đầu năm, tăng 31,78% so với cùng kỳ năm 2010.
Đông Nam Á cũng là thị trường nhập khẩu lớn đối với sản phẩm nhựa của Việt Nam. Các nước trong khối này khá dễ thâm nhập do không đòi hỏi những yêu cầu khắt khe như các thị trường khác. Uớc tính kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa sang các thị trường này đạt khoảng 238,8 triệu USD trong 3 quý đầu năm, tăng 39,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, hiện nay mẫu mã và chủng loại nhựa của Việt Nam còn khá đơn điệu, chưa đáp ứng được yêu cầu đa dạng của các nhà nhập khẩu, của các ngành kinh tế sử dụng nhựa kỹ thuật.
Thêm vào đó, ngành công nghệ tái chế phế liệu nhựa của nước ta vẫn chưa phát triển nên các doanh nghiệp nhựa trong nước không thể tận dụng nguồn nguyên liệu tái chế dồi dào vào sản xuất nhằm tạo những sản phẩm có giá trị cạnh tranh. Do vậy, các doanh nghiệp trong nước đang phải chịu áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI có thế mạnh về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm và thị phần.
Ngoài ra, việc phải nhập khẩu 70% - 80% nguyên liệu nhựa đầu vào và phải nhập khẩu hầu như tất cả các thiết bị, máy móc cần thiết để sản xuất các sản phẩm nhựa, nên giá xuất khẩu sản phẩm nhựa của doanh nghiệp Việt Nam luôn cao hơn Trung Quốc, Ấn Độ 10 – 15%. Hậu quả tất yếu là tuy mặt hàng nhựa có mức tăng trưởng tốt nhưng trên thị trường quốc tế còn thiếu tính cạnh tranh.
Về phía những doanh nghiệp xuất khẩu, do thiếu kinh nghiệm, thiếu thông tin cũng như trao đổi, phối hợp, nên giá bán hầu hết là thấp hơn so với những quốc gia khác.
Để ngành nhựa Việt Nam ngày càng phát triển mạnh, cơ quan này khuyến cáo các doanh nghiệp nhựa xuất khẩu nhựa nên phát triển theo hướng chuyên doanh, có chiến lược kinh doanh tập chung và tạo được nguồn hàng lớn, không nên sản xuất, kinh doanh tổng hợp để tạo ra những cạnh tranh không lành mạnh trong nội bộ ngành.
Các doanh nghiệp nhựa Việt Nam cũng cần chú trọng xây dựng nền công nghiệp tái chế phế liệu vì nguồn phế liệu trong nước rất dồi dào, cũng như hướng tới phát triển các sản phẩm nhựa mang nhiều giá trị gia tăng như nhựa kỹ thuật cao, nhựa xây dựng, nhựa y tế...
Riêng đối với thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam cần liên kết chặt chẽ với các tổ chức thương mại, hợp tác quốc tế của quốc gia này để được tư vấn, hỗ trợ thông tin thị trường, các quy định về chất lượng sản phẩm, thủ tục hành chính để có thể xâm nhập sâu hơn vào thị trường tiềm năng này.