Trước Cách mạng tháng Tám, năng lực sản xuất của ngành công nghiệp nước ta còn rất nhỏ bé. Nhưng 66 năm qua, ngành Công nghiệp đã lớn lên cùng đất nước và công nghiệp đã trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần chuyển vị thế của đất nước.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, nền công nghiệp của Việt Nam có 5 đặc điểm nổi bật. Năng lực sản xuất của công nghiệp còn rất nhỏ bé. Cả nước có 200 xí nghiệp công nghiệp, các cơ sở công nghiệp cá thể nhỏ lẻ cũng không nhiều. Số công nhân công nghiệp của cả nước có 90.000 người chủ yếu, mới qua một thế hệ, chưa có công nhân nhiều đời.
Hai, sản xuất công nghiệp hoạt động chủ yếu trong những ngành phục vụ mục đích khai thác nhằm vơ vét tài nguyên của chế độ thực dân, phục vụ chiến tranh hoặc nô dịch người dân bản địa, như các mỏ khai thác than, vàng, thiếc; một số nhà máy điện, xi măng, rượu bia, dệt, đóng tàu, xe lửa…
Ba, số loại sản phẩm công nghiệp trước cách mạng sản lượng còn rất ít ỏi, như điện chỉ đạt 78 triệu kWh, than 231.000 tấn, xi măng 5.000 tấn...
Bốn, có nhiều loại sản phẩm công nghiệp phải nhập khẩu, trong khi những sản phẩm công nghiệp khai thác từ thuộc địa lại được thực dân đưa về chính quốc hoặc xuất khẩu lấy tiến nuôi bộ máy đàn áp, sắm sửa vũ khí chiến tranh...
Năm, đời sống người công nhân rất cực nhọc, với số ngày, giờ làm việc kéo dài, an toàn lao động không được bảo đảm.
Sau Cách mạng tháng Tám, đặc biệt từ sau công cuộc Đổi mới, sản xuất công nghiệp phát triển vượt bậc về nhiều mặt.
Một, giá trị sản xuất công nghiệp, năm 2010 so với năm 1939 - năm phát triển cao nhất trước Cách mạng tháng Tám - đã cao gấp 247 lần; nếu năm 2011 này tăng trên 14%, thì năm 2011 so với năm 1939 cao gấp 282 lần.
Năm 2010 so với năm 1985, giá trị sản xuất công nghiệp đã cao gấp 19 lần, bình quân 1 năm tăng xấp xỉ 12,5%- một tốc độ tăng thuộc loại khá cao gần như liên tục, trong thời gian dài mà trước đây chưa bao giờ có được.
Hai, do xuất phát từ nước nông nghiệp đi lên và những năm đầu đổi mới phải ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế- xã hội, nên nông nghiệp đã được coi là mặt trận hàng đầu, lương thực là trọng điểm số một. Đến khi lương thực đã có “bát ăn, bát để” và xuất khẩu với khối lượng lớn, đất nước đã chuyển sang giai đoạn phát triển công nghiệp. Nhờ đó giá trị tăng thêm của công nghiệp (và xây dựng) tăng trưởng với tốc độ cao (năm 2010 cao gấp 7,1 lần năm 1990, bình quân một năm trong thời kỳ này tăng 10,3%).
Do có tốc độ tăng cao hơn tốc độ chung, nên tỷ trọng công nghiệp- xây dựng trong GDP đã tăng từ 22,67% năm 1990 lên 41,09% năm 2010. Do có tỷ trọng cao nhất trong 3 nhóm ngành, lại có tốc độ tăng cao nhất, nên công nghiệp (và xây dựng) đã trở thành động lực của tăng trưởng kinh tế. Đây là một trong những căn cứ để Đảng và Nhà nước đưa ra mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Ba, tăng trưởng giá trị sản xuất của công nghiệp đạt được ở cả 3 khu vực. Khu vực doanh nghiệp nhà nước năm 2010 cao gấp trên 6 lần năm 1990, bình quân 1 năm tăng 9,4%. Khu vực ngoài nhà nước trong thời gian tương ứng cao gấp trên 17,8 lần, tăng 15,5%/năm, đặc biệt từ khi có Luật Doanh nghiệp tư nhân, công nghiệp đã tăng rất cao (từ 1999 đến 2010, bình quân 1 năm tăng 19,5%). Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài do mới xuất hiện và bước vào sản xuất từ năm 1990, được liên tục bổ sung năng lực do sự gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài, lại có ưu thế về vốn, về thiết bị kỹ thuật – công nghệ, về trình độ quản lý, tiếp thị, tiêu thụ,… nên đã tăng trưởng rất cao (năm 2010 cao gấp 66,2 lần năm 1989, bình quân 1 năm tăng 22,1%), cao gấp rưỡi, gấp đôi tốc độ tăng của các khu vực trong nước.
Công nghiệp khu vực ngoài nhà nước và công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành động lực của tăng trưởng toàn ngành công nghiệp. Đây là kết quả tích cực của công cuộc đổi mới và mở cửa, hội nhập.
Bốn, năng lực sản xuất công nghiệp đã tăng mạnh. Số doanh nghiệp công nghiệp đang hoạt động đến đầu năm 2009 đạt gần 44.000 với tổng số lao động đạt gần 4,3 triệu người; tổng số vốn sản xuất kinh doanh đạt gần 1.630 nghìn tỷ đồng; tổng doanh thu thuần sản xuất kinh doanh đạt 1.885 nghìn tỷ đồng. Đó là chưa kể hàng triệu đơn vị cơ sở công nghiệp khác (bao gồm hợp tác xã, tổ sản xuất, cơ sở công nghiệp cá thể).
Năm, số loại sản phẩm, số lượng sản phẩm sản xuất ra hiện nay đã gấp nhiều lần so với trước cách mạng. Những sản phẩm đã có trước cách mạng thì nay tăng rất cao, như điện gấp 1.174 lần, than gấp 190 lần, xi măng gấp gần 11.157 lần,… có hàng nghìn sản phẩm mới được sản xuất từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay. Nhiều sản phẩm năm 2010 đã có kim ngạch xuất khẩu lớn, như dệt may gần 11,2 tỷ USD, giày dép gần 5,1 tỷ USD, dầu thô trên 4,9 tỷ USD…
Từ đầu năm 2011 đến nay, công nghiệp đã có nhiều cố gắng giữ được phong độ tăng trưởng 2 chữ số. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, công nghiệp cần nâng cao năng suất lao động, giảm tính gia công, đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng cao hiệu quả đầu tư, đổi mới thiết bị, kỹ thuật – công nghệ, đưa công nghiệp về nông thôn để chế biến nông, lâm – thuỷ sản nâng cao giá trị sản phẩm, quan tâm đến bảo vệ và cải thiện môi trường,…/.
Ngọc Minh
Cổng thông tin điện tử Chính phủ