Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 23/05/2012-16:33:00 PM
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và ý nghĩa đối với doanh nghiệp
(MPI Portal) - Nhằm mục đích cập nhật thông tin về tình hình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sáng ngày 23/5, tại Hà Nội, Đoàn đàm phán của Chính phủ phối hợp với Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và ý nghĩa đối với doanh nghiệp”.
Đây là đàm phán thương mại tự do quan trọng nhất của Việt Nam trong thời điểm hiện tại, với phạm vi đàm phán rộng, mức độ cam kết sâu và dự kiến sẽ có tác động rất lớn đến triển vọng hoạt động kinh doanh của các ngành, các doanh nghiệp cũng như đời sống xã hội nói chung.
Tham dự Hội thảo có ông Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ, ông Trần Hữu Huỳnh, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI, ông Nguyễn Đăng Trương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện các thành viên đoàn đàm phán TPP, đại diện các Bộ, ngành liên quan, các doanh nghiệp cùng các cơ quan truyền thông.
Hội thảo nhằm trình bày với doanh nghiệp các nội dung chủ yếu của cơ chế tham vấn đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành; Giới thiệu với các doanh nghiệp về đàm phán TPP và phân tích một số nội dung quan trọng để các doanh nghiệp có điều kiện nắm bắt rõ hơn cơ hội cũng như thách thức xuất phát từ lĩnh vực đàm phán, qua đó đóng góp ý kiến cụ thể hơn và chính xác hơn cho cơ quan chủ trì đàm phán.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Quốc Khánh cho biết, TPP là hiệp định thương mại tự do, theo đó, TPP sẽ hướng đến những cam kết mới về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và bảo hộ quyền sỡ hữu trí tuệ. Ngoài ra, TPP còn đề cập đến các lĩnh vực như đầu tư, mua sắm công, chính sách cạnh tranh, cạnh tranh; hợp tác và xây dựng năng lực; dịch vụ xuyên biên giới; hải quan; thương mại điện tử; môi trường; dịch vụ tài chính… các khía cạnh có liên quan đến thương mại của chính sách môi trường và chính sách lao động. Nói cách khác, TPP là một hiệp định thương mại tự do toàn diện hơn nhiều so với mô hình thương mại tự do khác.
Mục tiêu của Việt Nam khi tham gia vào TPP nhằm mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu; thúc đẩy thu hút đầu tư của các nước vào Việt Nam để tận dụng các cơ hội mà khu vực thương mại tự do TPP có thể đem lại; hỗ trợ cho tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà Việt Nam đang tiến hành, hướng đến một mô hình tăng trưởng mới bền vững, năng động và hiệu quả hơn.
Quang cảnh Hội thảo
Từ tháng 11/2010, Việt Nam bắt đầu tham gia đàm phán chính thức Hiệp định TPP, gồm 09 nước là Australia, New Zealand, Chile, Peru, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam. Cho đến nay, các nước TPP đã tiến hành 12 phiên đàm phán chính thức với 22 nội dung chính nhằm giúp tạo công ăn việc làm, cải thiện mức sống, và xóa đói giảm nghèo tại các quốc gia thành viên.
Tại Hội thảo, các thành viên chủ chốt của Đoàn đàm phán của Chính phủ đã thông tin cụ thể về diễn biến đàm phán TPP trong từng lĩnh vực liên quan với các Hiệp hội, doanh nghiệp và cộng đồng như giới thiệu nội dung chính và phương thức triển khai của Quyết định số 06/2012/QĐ-TTg về tham vấn cộng đồng doanh nghiệp về các thỏa thuận thương mại quốc tế; Tình hình chung đàm phán TPP và sự tham gia của Việt Nam; Các vấn đề lao động, Nông nghiệp, Sở hữu trí tuệ…trong đàm phán các thỏa thuận thương mại quốc tế cũng được trình bày tại Hội thảo này.
Liên quan đến vấn đề Mua sắm Chính phủ trong đàm phán các thoả thuận thương mại quốc tế, theo ông Nguyễn Đăng Trương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng nhóm Mua sắm Chính phủ cho biết khi gia nhập TPP, cần mở cửa hoạt động đấu thầu cho tất cả các thành viên với nguyên tắc không phân biệt đối xử, tuân thủ theo quy định biện pháp bù trừ. Tuy nhiên, hoạt động đấu thầu của Việt Nam còn rất nhiều hạn chế, tỷ lệ chỉ định thầu còn cao. Vì vậy, vẫn còn nhiều thách thức trong đàm phán các thoả thuận thương mại quốc tế về lĩnh vực này.
Đặc biệt, Hội thảo còn diễn ra phiên thảo luận giữa doanh nghiệp với Đoàn đàm phán của Chính phủ về các nội dung đàm phán liên quan đến xuất xứ hàng hóa và lao động. Theo đó, đại diện các doanh nghiệp đều cho rằng tham gia TPP là cơ hội để một số mặt hàng, lĩnh vực được hưởng lợi khi xuất khẩu vào các nước thuộc TPP, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ. Trong số các sản phẩm xuất khẩu vào Hoa Kỳ, dệt may và da giày là 2 lĩnh vực chiếm giá trị hàng đầu. Tuy nhiên, số thuế nhập khẩu vào Hoa Kỳ mà các doanh nghiệp thuộc hai lĩnh vực này phải nộp hàng năm lên tới hàng chục tỷ USD. Do vậy, nếu TPP được ký kết, hai ngành hàng xuất khẩu này của Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất lớn từ việc miễn, giảm thuế. Các lĩnh vực khác như đầu tư, dịch vụ... của doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng để khai thác thêm lợi thế khi tham gia thị trường TPP.
Tuy nhiên, khi tham gia TPP Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng cũng phải đối mặt với các thách thức lớn, trong đó có những thách thức như thay đổi chính sách để đáp ứng các quy tắc tham vọng của Hiệp định TPP; Làm thế nào để đáp ứng hội nhập nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với hệ thống chính trị. Tham gia TPP là tiếp cận sâu, rộng và toàn diện hơn với thị trường quốc tế sẽ gây sức ép lớn đối với nền kinh tế.
Do đó, để có kết quả tốt cho các doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường theo TPP thì doanh nghiệp cần chủ động xây dựng kế hoạch và chiến lược tiếp cận thị trường của các nước TPP, đặc biệt là Hoa Kỳ. Chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường hợp tác với nước ngoài để cung ứng chuỗi toàn cầu sau này. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với Chính phủ trong quá trình đàm phán TPP./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2145
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)