Yêu cầu bức thiết với KKT mở Chu Lai hiện nay là đào tạo được nhiều công nhân kỹ thuật lành nghề để phục vụ sản xuất kinh doanh ở các doanh nghiệp.
|
Sản xuất sợi vải thủy tinh trong KKT mở Chu Lai
|
Đó là khẳng định của ông Đỗ Xuân Diện, Phó Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế (KKT) mở Chu Lai, Quảng Nam về nguồn nhân lực phục vụ cho nhu cầu của các doanh nghiệp ở khu kinh tế hiện nay.
Hiện nay, KKT mở Chu Lai tạo việc làm thường xuyên cho hơn 11.000 lao động, trong đó 90% là người địa phương. Tuy nhiên, chất lượng của lao động còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp.
Mặt khác, phần lớn các doanh nghiệp trong KKT mở sau khi tuyển dụng lao động lại phải đưa đi đào tạo, đặc biệt là các ngành như điện, cơ khí, dệt… Điều này đã cản trở rất lớn đến việc thu hút đầu tư và sản xuất kinh doanh. Do đó, yêu cầu cấp bách đối với KKT mở hiện nay là có một đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh ở các doanh nghiệp.
Để thực hiện yêu cầu này theo ông Diện, mô hình đào tạo lao động ngay tại KKT mở sẽ được nhân rộng. Với mô hình này, các dự án đầu tư tại KKT mở sẽ có nguồn nhân lực chất lượng, ổn định (riêng Trường cao đẳng nghề Chu Lai- Trường Hải đến nay đã đào tạo và giải quyết việc làm cho 4.000 lao động có tay nghề cao).
Ban Quản lý sẽ hướng các doanh nghiệp đầu tư tại KKT đưa lao động đi đào tạo nghề ở nước ngoài (như Nhà máy sản xuất tấm thu năng lượng mặt trời đã triển khai). Bên cạnh đó, sẽ thực hiện đào tạo nghề khép kín, liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp bằng hình thức đào tạo theo địa chỉ và đơn đặt hàng của doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm nơi thực hành của học viên.
Theo mục tiêu của định hướng phát triểnđến năm 2015, KKT mở Chu Lai cần khoảng 50.000 lao động và đến năm 2020 cần khoảng 160.000 lao động. Đây là một trong những nhiệm vụ lớn nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được./.
Thế Phong
Cổng thông tin điện tử Chính phủ