Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 16/07/2012-10:48:00 AM
Chọn mức tăng trưởng hợp lý trong năm khó khăn 2012

Tăng trưởng hợp lý là không chạy theo tốc độ cao bằng mọi giá, mà phải tăng trưởng bền vững, để nền kinh tế không bị rơi vào “vòng xoáy luẩn quẩn”: tăng trưởng- lạm phát- thắt chặt- suy giảm- nới lỏng- lạm phát.
Tăng trưởng hợp lý được nhận diện trên hai mặt là định tính và định lượng.
Định tính
Định tính của tăng trưởng kinh tế được xác định trong mục tiêu từ đầu năm và vẫn được kiên định, nhất quán cho đến bây giờ là tăng trưởng hợp lý.
Tăng trưởng hợp lý là không chạy theo tốc độ cao bằng mọi giá, mà phải tăng trưởng bền vững. Tính bền vững trong năm nay và cho đến lúc này là trên cơ sở kiềm chế lạm phát- không để lạm phát cao trở lại, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội…, phù hợp với chủ trương cơ cấu lại, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, từ số lượng sang chất lượng. Tăng trưởng hợp lý để nền kinh tế không bị rơi vào vòng xoáy luẩn quẩn: tăng trưởng- lạm phát- thắt chặt- suy giảm- nới lỏng- lạm phát,…
Lạm phát cao bước đầu đã được kiềm chế, tốc độ tăng CPI tháng sau so với tháng trước của tháng 6 đã mang dấu âm (sau 38 tháng tăng liên tục); tốc độ tăng sau 6 tháng ở mức thấp nhất so với tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ từ năm 2004 đến nay; tốc độ tăng tính theo năm đã giảm liên tục và của tháng 6 thấp chưa bằng 1/3 đỉnh điểm vào tháng 8/2011.
Đáng lưu ý, CPI tính theo tháng sau so với tháng trước có thể còn tăng thấp, thậm chí có tháng còn giảm, tính theo năm sẽ còn giảm tiếp vài ba tháng nữa và tính đến tháng 12 có thể chỉ ở mức trên dưới 6%. Tuy nhiên, CPI thấp chủ yếu do giá lương thực giảm 6 tháng liền, giá thực phẩm giảm 4 tháng liền, do đầu tư, sản xuất, tiêu dùng co lại, do tăng trưởng dư nợ tín dụng mang dấu âm trong gần 6 tháng đầu năm,…- những hiện tượng hiếm thấy trong cùng kỳ nhiều năm qua.
Điều đó có nghĩa là lạm phát chậm lại chưa hoàn toàn do sự cải thiện hiệu quả của các yếu tố cơ bản, các yếu tố tiềm ẩn sâu xa của lạm phát như hiệu quả đầu tư, năng suất lao động. Nếu chủ quan thỏa mãn với kết quả đã đạt được, lơ là trong việc điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa, nhất là lãi suất, tỷ giá,…, thì lạm phát sẽ tăng trở lại từ cuối năm nay, chu kỳ 2 năm lạm phát cao 1 năm thấp hơn trong 8 năm qua sẽ lặp lại.
Kinh tế vĩ mô bước đầu được ổn định, khi cán cân thương mại được cải thiện (theo số liệu mới nhất do Tổng cục Hải quan công bố trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu đạt 53,33 tỷ USD, tăng 22,7%, nhập khẩu đạt 53,49 tỷ USD, nhập siêu giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước cả về kim ngạch tuyệt đối (158 triệu USD so với 6,855 tỷ USD), cả về tỷ lệ nhập siêu (0,3% so với 16%). Cán cân thanh toán có số dư, dự trữ ngoại hối tăng khá, giá vàng và tỷ giá ổn định. Tuy nhiên, cán cân thương mại thu hẹp có một phần quan trọng do đầu tư, sản xuất và tiêu dùng ở trong nước co lại chứ không hoàn toàn hoặc chủ yếu do hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa tăng; thu ngân sách đạt thấp so với dự toán và giảm so với cùng kỳ năm trước..
Việc cơ cấu lại và chuyển đổi mô hình tăng trưởng đã được khởi động, nhưng vẫn còn chậm. Đây chính là khó khăn lớn nhất đối với tăng trưởng hợp lý- tăng trưởng bền vững.
Định lượng
Hiện có nhiều dự báo khác nhau về tốc độ tăng GDP cả năm 2012. Mục tiêu đề ra từ đầu năm theo Nghị quyết của Quốc hội là 6- 6,5%, gần đây được xác định là 6%- cận dưới của mục tiêu được đề ra ban đầu.
Nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế dự báo ở mức 5,2- 5,7%. Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đưa ra mức dự báo tăng 5,3- 5,6%. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra dự báo tăng 5,4- 5,7%...
Căn cứ vào số gốc so sánh là năm 2011, kết quả 6 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê, xin nêu một số dự báo về tốc độ tăng trưởng GDP trong 6 tháng cuối năm như sau.
Phương án 1- cả năm tăng 6%. Theo đó, tốc độ tăng GDP năm 2012 vừa cao hơn tốc độ tăng 5,89% của năm 2011, vừa đạt được cận dưới của mục tiêu năm 2012 đề ra. Theo phương án này, tốc độ tăng GDP trong 6 tháng cuối năm tính ra phải đạt 7,29%.
Đây là tốc độ tăng quá cao. Do tốc độ tăng dù quý II đã cao hơn của quý I (tăng 4,66% so với 4,0%), nhưng tính chung 6 tháng mới tăng 4,38%, nên việc tăng 7,29% trong 6 tháng cuối năm là không khả thi. Vì thế, nếu cứ chạy theo tốc độ tăng trưởng bằng mọi giá, thì lạm phát cao rất có thể quay trở lại từ cuối năm nay đến sang năm. Trong khi đó, mục tiêu đề ra cho năm 2012 là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô…; 6 tháng cuối năm vẫn kiên định và nhất quán với mục tiêu đề ra cho cả năm; năm 2013, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát vẫn là mục tiêu cơ bản, mang tính chất nền tảng của tăng trưởng và phát triển bền vững.
Phương án 2- cả năm tăng 5,4- 5,7%. Theo đó, tốc độ tăng GDP năm 2012 vừa thấp hơn tốc độ tăng của năm 2011 và cũng là tốc độ tăng thấp nhất trong 3 năm qua (cao hơn tốc độ tăng 5,32% của năm 2009), đồng thời cũng thấp hơn tốc độ tăng theo mục tiêu đề ra từ đầu năm. Tuy nhiên, theo phương án này, tốc độ tăng GDP trong 6 tháng cuối năm tính ra phải đạt từ 6,2% đến 6,76%. Đây là tốc độ tăng cao, cũng không dễ dàng đạt được, nếu không có sự phấn đấu quyết liệt hơn nữa.
Phương án 3- cả năm tăng 5,2- 5,3%. Theo đó, tốc độ tăng GDP năm 2012 thấp nhất tính từ năm 2000 đến nay, thấp hơn cả “tốc độ đáy” 5,32% của năm 2009- năm vừa chịu ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, vừa do hiệu ứng phụ của việc thắt chặt chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa để thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát.
Năm nay, mặc dù kinh tế thế giới không suy thoái như 2009, nhưng ở trong nước, nguồn lực tích lũy từ trước của các doanh nghiệp bị cạn kiệt hơn năm 2009, số lượng doanh nghiệp gặp khó khăn nhiều hơn, nên tăng trưởngthấp hơn năm 2009 là có thể lý giải được và cũng có thể được coi là hợp lý trong điều kiện đầu tư và tiêu dùng co lại; trong điều kiện tiếp tục khởi động cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; trong điều kiện tiếp tục kiên định và nhất quán với mục tiêu đề ra từ đầu năm, trong đó ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát là mục tiêu cơ bản, mang tính nền tảng của tăng trưởng và phát triển bền vững.
Theo phương án này, tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm tính ra cũng phải đạt 5,87- 6,06%. Việc tăng với tốc độ này trong 6 tháng cuối năm cũng là khá cao so với tốc độ tăng 4,38% của 6 tháng đầu năm.
Để đạt mức tăng trưởng hợp lý, cần triển khai khẩn trương, đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp, chính sách đề ra của Chính phủ. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, nhưng không làm bất ổn kinh tế vĩ mô và lạm phát cao trở lại. Rà soát các chính sách liên quan đến môi trường đầu tư để tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để khuyến khích sản xuất đối với các lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, các hoạt động dịch vụ, du lịch chất lượng cao. Nâng cao chất lượng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, nhất là các mặt hàng sản xuất từ nguyên liệu trong nước. Kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu. Kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu gắn với chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng. Đẩy mạnh khuyến mại, kích thích tiêu thụ và tiêu dùng; phát triển thị trường trong nước, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn; hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm nhanh lượng hàng tồn kho. Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ và khuyến khích đầu tư của các thành phần kinh tế. Cơ cấu lại nợ ngân hàng, đưa lãi suất vay cũ về dưới 15%/năm và thấp hơn nữa.
Minh Ngọc
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1169
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)