Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 19/07/2012-08:24:00 AM
Cánh đồng mẫu lớn: Nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững
(MPI Portal) - Nhằm hưởng ứng tinh thần cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới, chiều ngày 18/7, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị Cánh đồng mẫu lớn.
Các đại biểu đồng chủ trì Hội nghị.
Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ, cùng đại diện các Bộ, ngành, địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện các Hộ nông dân, các Hợp tác xã triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn trên cả nước, đại diện các cơ quan liên quan cùng các cơ quan thông tấn báo chí.
Hội nghị nhằm ghi nhận những thành tích đóng góp trong việc triển khai các mô hình cánh đồng mẫu lớn đạt kết quả tốt, năng suất cao. Đồng thời, triển khai các hoạt động tuyên truyền, biểu dương các tấm gương bà con nông dân, hợp tác xã đã có đóng góp quan trọng từ sáng kiến đến thực tiễn triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn trên cả nước. Tuyên truyền cho các giải pháp và cách thức vận hành mô hình hiệu quả tại miền Nam cũng như với các điều kiện đặc thù tại miền Bắc.
Cánh đồng mẫu lớn là hình thức tổ chức lại sản xuất trên cơ sở liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, tập hợp những nông dân nhỏ lẻ tạo điều kiện áp dụng những kỹ thuật mới và giải quyết đầu ra ổn định và có lợi nhuận cho nông dân. Vì vậy, đây là hướng tổ chức sản xuất phù hợp trong công cuộc xây dựng nông thôn mới theo định hướng mà Đảng và Chính phủ đã đề ra.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Đào Quang Thu cho biết, mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” nhằm cụ thể hóa chủ trương xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng tại Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg và Chỉ thị số 24/2003/CT-TTg về xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến tiêu thụ. Xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn” cũng là giải pháp quan trọng và lâu dài góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được nêu trong Nghị quyết 21/2011/QH13. Theo đó, tăng đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bảo đảm mức đầu tư 5 năm tới cao gấp 2 lần 5 năm 2005-2010; phấn đấu đến năm 2015 cả nước có 20% số xã đạt các tiêu chí nông thôn mới.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
Tổ chức nghiên cứu, sản xuất, cung ứng giống chất lượng đáp ứng nhu cầu sản xuất của các vùng, miền; gắn sản xuất với tiêu thụ, có chính sách phù hợp để các doanh nghiệp, siêu thị tiêu thụ sản phẩm của nông dân; áp dụng tiêu chuẩn nhập khẩu hàng hóa nông sản phù hợp với thông lệ quốc tế; chấn chỉnh công tác thu mua nông sản; xây dựng các chợ đầu mối, tăng cường xúc tiến thương mại, mở sàn giao dịch, giới thiệu nông sản; chống bán phá giá và phân biệt đối xử đối với hàng nông sản Việt Nam. Thực hiện đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp, có giải pháp đồng bộ hạn chế chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa; hỗ trợ nông dân sản xuất lúa, bảo đảm giữ được 3,812 triệu ha đất trồng lúa.
Tập trung phát triển các hình thức hợp tác trong nông nghiệp, liên kết 4 nhà, liên kết vùng; nhân rộng mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" để cơ giới hóa và áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với việc ứng phó tác động của biến đổi khí hậu, phòng, chống bão lụt, đặc biệt là quy hoạch hệ thống đê biển. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển các dự án bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Theo Thứ trưởng Đào Quang Thu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trương khuyến khích chuyển dịch đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên quy mô lớn nhằm không ngừng tạo ra hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn cho các sản phẩm nông sản và thực phẩm Việt Nam. Thứ trưởng cũng cho biết thêm, Việt Nam đang có lợi thế về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa, hàng năm xuất khẩu khoảng 6-7 triệu tấn gạo, giá trị xuất khẩu ước đạt trên 3 tỷ USD. Do vậy trong sản xuất lúa gạo cần phải có những bước chuyển biến tích cực hơn nữa, với mục tiêu tăng năng suất bình quân và tăng giá trị hạt gạo, canh tác lúa theo hướng thâm canh bền vững, đảm bảo vệ sinh an toàn và thân thiện với môi trường, tiêu thụ hết hàng hóa và gia tăng lợi nhuận cho nông dân.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa trình bày Chính sách thương mại gắn với sản xuất quy mô lớn.
Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
Theo bà Hồ Thị Kim Thoa, mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" đã được đưa vào thí điểm tại 7 địa phương và đạt kết quả khả quan, tăng lợi nhuận, năng suất, hiệu quả cao, nâng giá trị gia tăng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, vì vậy mô hình cần tiếp tục được nhân rộng. Thứ trưởng nhấn mạnh mô hình cánh đồng mẫu lớn là cơ hội để Việt Nam xây dựng thương hiệu lúa, gạo Việt Nam cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác trong thời gian tới.
Tính đến nay, mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” đã được thực hiện trên diện tích 54 ngàn ha và chủ yếu tập trung ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Để mô hình này thực sự thành công cần có sự tập trung ngay từ những khâu cung cấp giống, phân bón, thuốc trừ sâu, cần có sự liên kết giữa nhà nước, doanh nghiệp và nông dân.
Trong quá trình thực hiện xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” các bên tham gia đều thụ hưởng các lợi ích một cách cao nhất. Mô hình này sẽ được áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến trong sản xuất, từng bước được dịch vụ hóa tất cả các khâu từ giống, làm đất, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến,...các hoạt động này sẽ góp phần tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, tăng tính cạnh tranh và lợi nhuận.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đều nhận định, mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” với bước khởi đầu còn nhiều khó khăn nhưng với sự đồng thuận cao nhất từ các cơ quan, doanh nghiệp, cánhân và nông dân nên đã đạt được những kết quả khả quan. Đây là xu thế tất yếu của sự liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, là giải pháp thiết thực nhất cho sản xuất trồng trọt nói chung và cho sản xuất lúa nói riêng. Việc thực hiện thành công mô hình này sẽ góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu của ngành trồng trọt, do vậy các cấp, các ngành cần tập trung chỉ đạo nhằm mở rộng mô hình Cánh đồng mẫu lớn có hiệu quả./.

Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1239
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)