(MPI Poral) - Nằm trong chương trình tổ chức các Hội thảo chuyên đề phục vụ tổng kết 20 năm xây dựng và phát triển khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) và khu kinh tế (KKT), theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 27/8, tại Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo “Cơ chế, chính sách phát triển Khu kinh tế ven biển Việt Nam”.
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu tại Hội thảo
|
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, Khu kinh tế ven biển là một mô hình mới, được nghiên cứu, triển khai trên cơ sở thực hiện chủ trương của Đảng trong việc xây dựng một mô hình mang tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và vùng kinh tế ven biển của Việt Nam. Tính đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển 18 KKT ven biển đến năm 2020 với tổng diện tích trên 720 nghìn ha, trong đó đã quyết định thành lập 15 KKT ven biển với tổng diện tích trên 660 nghìn ha.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, quá trình gần 9 năm xây dựng và phát triển, các KKT ven biển đã đạt được một số kết quả tích cực. Một số KKT đã xây dựng được hệ thống kết cấu hạ tầng cơ bản tương đối hoàn chỉnh; thu hút được một số dự án lớn trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản. Hiện các Khu kinh tế đã bước đầu có những đóng góp tích cực vào thu ngân sách Nhà nước, nâng cao tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu GDP của địa phương, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động của địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cơ chế, chính sách quản lý Nhà nước đối với KKT cũng đã dần được hoàn thiện theo hướng tăng cường phân cấp từ Trung ương tới địa phương, nâng cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của địa phương.
Bộ trưởng cho biết, bên cạnh những tác động tích cực, thực tiễn hoạt động của các KKT thời gian qua vẫn còn gặp phải những hạn chế, vướng mắc. Các Khu kinh tế chưa được định hướng thu hút các ngành, lĩnh vực có lợi thế so sánh, chưa tạo được sự liên kết, tương hỗ trong quá trình hoạt động và chưa thể hiện được vai trò động lực phát triển như mục tiêu đặt ra. Thu hút đầu tư và đóng góp của KKT vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phát triển vùng còn khiêm tốn, chưa tương xứng với quy mô, tiềm năng phát triển.Phần lớn các KKT chưa có được các dự án đầu tư hoặc công trình hạ tầng kỹ thuật mang tính động lực thúc đẩy sự phát triển của KKT.
Bộ trưởng nhấn mạnh, với những khó khăn, hạn chế nêu trên cần có những đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của KKT; điều chỉnh cơ chế, chính sách quản lý Nhà nước hiện hành, tạo môi trường thể chế thuận lợi, phát huy tối đa các nguồn lực để phát triển KKT phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng KKT; đúc kết những kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về mô hình phát triển KKT, điểm mạnh, điểm yếu của từng mô hình, khả năng áp dụng vào thực tiễn phát triển KKT ở Việt Nam và đề xuất những ý tưởng điều chỉnh mô hình KKT ở Việt Nam áp dụng trong giai đoạn tới.
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tiếp thu và đánh giá cao những ý kiến tham luận của các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế và các nhà đầu tư. Bộ trưởng nhấn mạnh: Phát triển các KKT là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam, là việc làm cần thiết trong quá trình hội nhập quốc tế. Những ý kiến quý báu của các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế và các nhà đầu tư được đưa ra nhằm giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất những chính sách, biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các KKT. Đây là là những thông tin quan trọng để Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ tổng kết 20 năm xây dựng và phát triển KCN, KCX, KKT vào cuối năm nay.
Theo Bộ trưởng, thời gian tới, từ Trung ương tới địa phương cần thống nhất quan điểm không nên phát triển thêm KKT mà cần tập trung cơ chế chính sách, nguồn lực để nâng hiệu quả các KKT đã thành lập, một số KKT có tiềm năng, lợi thế tạo động lực lan tỏa ra cả vùng; tập trung nguồn lực chọn những phân khúc nào có lợi thế nhất trong KKT để đầu tư. Vì vậy, việc xây dựng các KKT phải xác định mục tiêu, mục đích, tiêu chí phát triển; phải dựa vào tiềm năng lợi thế đặc thù riêng của từng vùng và phải trên sự phát triển chung của quốc gia, khu vực./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư