Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 28/09/2011-13:09:00 PM
Cơ hội giao thương thực phẩm Halal Việt Nam - Malaysia
Ngày 27/9, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp người Hoa khu vực Kuala Lumpur và Selangor (KLSCCCI), tổ chức cuộc hội thảo với chủ đề Cơ hội giao thương về thực phẩm Halal (thực phẩm được sản xuất theo luật Hồi giáo) tại thủ đô Kuala Lumpur.

Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Nguyễn Hồng Thao tiếp ông Ter Leong Yap, Phó Chủ tịch KLSCCCI

Cuộc hội thảo là một hoạt động nằm trong chương trình xúc tiến thương mại quốc gia 2011 do Bộ Công thương Việt Nam thúc đẩy. Tham dự hội thảo có các quan chức lãnh đạo thương mại hai nước cùng nhiều đại diện của các doanh nghiệp Việt Nam và Malaysia.
Diễn ra một ngày trước chuyến thăm chính thức Malaysia của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cuộc hội thảo đánh dấu một sự khởi đầu tốt đẹp cho giai đoạn phát triển hợp tác thương mại mới giữa Việt Nam và Malaysia.
Trong phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Nguyễn Hồng Thao cho biết đây là một dấu hiệu tích cực đối với Việt Nam trong tiến trình hợp tác và giao thương với Malaysia trong ngành công nghiệp Halal. Với lợi thế mà hai nước sẵn có như các nguồn hải sản, và nông sản phong phú, các doanh nghiệp Việt Nam và Malaysia có thể cùng hợp tác chặt chẽ để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm Halah.
Hợp tác giao thương với Malaysia trong chế biến và xuất khẩu thực phẩm Halal sẽ giúp Việt Nam không chỉ khai thác được thị trường Việt Nam và Malaysia, mà còn mở rộng xuất khẩu sang các nước Trung Đông đầy tiềm năng cũng như thâm nhập được vào thị trường Halal toàn cầu, mà ước tính mỗi năm thu về tới 2.300 tỷ USD, khi nhu cầu về các sản phẩm Halal từ các nước Hồi giáo ngày một gia tăng.
Malaysia đã cam kết trở thành nước giữ vai trò quan trọng trong thị trường Hala toàn cầu và trở thành một trung tâm Halal của thế giới. Việc cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng Halal của nước này được thực hiện rất nghiêm ngặt và được giám sát chặt chẽ.
Malaysia là nước duy nhất trên thế giới được chính phủ hỗ trợ trong quy trình cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm Halal, bởi vậy qua cuộc hội thảo này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội hiểu rõ thêm về những quy định, tiêu chuẩn và cách thức xin cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm Halal.
Hiện nay trên thế giới có 52 văn phòng cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm Halal được Malaysia công nhận, trong đó có văn phòng tại Việt Nam.
Malaysia cũng quy định mức phí ưu đãi đối với các nước ASEAN trong mỗi lần xin cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm của họ là 2.100 ringgit (tương đương 700 USD) trong khi mức phí dành cho các nước ngoài ASEAN là 2.100 USD.
Thị trường Halal có rất nhiều tiềm năng phát triển bởi trên thế giới hiện có tới 1,6 tỷ người Hồi giáo, trong khi nhiều người không phải Hồi giáo cũng rất ưa chuộng các sản phẩm Halal.
Việt Nam tin tưởng có đủ khả năng thâm nhập thị trường này và đang tìm ra hướng đi mới để mở rộng xuất khẩu. Hiện tại, mỗi năm có khoảng 50 công ty của Việt Nam được cấp Chứng nhận Halal. Trong sáu tháng đầu năm 2011, tổng trị giá sản phẩm Halal của Việt Nam đạt 1 tỷ USD, dự kiến tới năm 2015, con số này sẽ còn tăng hơn nữa.
Các sản phẩm được cấp Chứng nhận Halal chủ yếu là hải sản (chiếm tới 60%), đồ uống, thực phẩm đóng hộp và các mặt hàng khác như bánh kẹo, đồ ăn chay và thuốc.
Trong cuộc hội thảo trên, ông Đào Ngọc Chương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Công thương, thừa nhận rằng Việt Nam mới chỉ trong giai đoạn mở đầu phát triển ngành công nghiệp Halal thành một trong những khu vực xuất khẩu chính của mình, do vậy trước hết Việt Nam phải học hỏi kinh nghiệm của các nước láng giềng, đặc biệt là Malaysia, tiếp tục có các hoạt động xúc tiến thương mại Halal để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng xuất khẩu sản phẩm Halal ra thế giới và đề xuất với chính phủ một mô hình phát triển ngành công nghiệp Halal./.
Thanh Thủy-Xuân Triển
Vietnam+

    Tổng số lượt xem: 1322
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)