(MPI Portal) – Ngày 14/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Dự án Sáng kiến Cạnh tranh Việt Nam của Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng thể chế: Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp cho Việt Nam”. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông tham dự và phát biểu tại Hội thảo.
Hội thảo nhằm tập trung thảo luận các kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực cải cách thể chế và các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề nóng bỏng của nền kinh tế như năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, phát triển cơ sở hạ tầng và vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường.
Các chủ đề chính được tập trung thảo luận tại Hội thảo gồm: Khuôn khổ của công tác thể chế, xác định vấn đề bất cập đối với chất lượng thể chế, vai trò của Chính phủ và quản lý thể chế hiệu quả; Nâng cao năng suất thông qua cải cách thể chế trên thị trường lao động và hàng hóa. Các Diễn giả đã đưa ra những thách thức đối với Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế, khung cải cách thể chế và tăng nâng cao chất lượng thể chế cho Việt Nam.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nhấn mạnh, nâng cao thể chế để phân bổ và sử dụng các nguồn lực quốc gia hiệu quả hơn và từ đó đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn. Trong dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, một trong ba khâu đột phá lớn là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết.
Theo ông Scott Jacobs, chuyên gia Quốc tế, Dự án USAID/VNCI, trong ba năm qua, Việt Nam đã có được những bước tiến quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính thông qua Đề án 30, nó đã mang lại thành tựu to lớn cho Việt Nam và giai đoạn cải cách tiếp theo cần phải cắt giảmnhiều hơn nữa. Ông Scott Jacobs bày tỏ, các quy định thủ tục hành chính ở Việt Nam đang là một gánh nặng tốn kém, phi thị trường và đáng tiếc là số lượng các qui định như vậy vẫn đang ngày càng tăng. Các qui định không hợp lý sẽ kìm hãm tính cạnh tranh, làm giảm sút động lực đầu tư và đổi mới của các doanh nghiệp. Vì vậy cần có một làn sóng mới nhằm giải quyết tình trạng lạm phát cao, thâm hụt thương mại và tài chính, sức cạnh tranh thấp. Để nâng cao chất lượng điều hành, tức là xây dựng các quy định tốt hơn, hiệu quả và hỗ trợ tăng trưởng dựa trên các nguyên tắc thị trường, nâng cao chất lượng phân tích chính sách, tính minh bạch và công tác phối hợp.
|
Bà Celine Kauffman, chuyên gia kinh tế cao cấp, OECD phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Theo kinh nghiệm của OECD, để đạt được chất lượng thể chế tốt cần xây dựng một hệ thống quản lý thể chế thông qua chính sách cải cách thể chế trung hạn (5 năm), các bộ máy cải cách ở ngay trong trung tâm của chính phủ; Cần xây dựng các thiết chế để thực hiện quy định tốt như cơ chế một cửa, cải cách các hoạt động thanh tra. Nâng cao chất lượng của những văn bản quy phạm pháp luật mới thông qua việc đánh giá tác động của pháp luật (RIA), lấy ý kiến của các chủ thể liên quan, kiểm soát chất lượng ở cấp trung ương. Tiếp đến, cần phải nâng cấp chất lượng những văn bản pháp luật hiện hành.
Cũng theo đánh giá OECD, các quốc gia tiến hành cải cách thể chế trên diện rộng trong 10 năm, đặc biết là đối với thị trường hàng hóa và thị trường lao động,có thể đạt tỷ lệ tăng trưởng cao hơn các quốc gia không thực hiện cải cách tới 15% GDP. Cải cách thể chế còn tác động trực tiếp tới việc giảm tỷ lệ thât nghiệp và tăng cường năng lực cạnh tranh. Vấn đề cải cách thể chế nhằm mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, xã hội ngày càng trở nên quan trọng.
Liên quan đến vấn đề chất lượng thể chế tại Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho biết, một trong những nguyên nhân chất lượng hệ thống thể chế tại Việt Nam còn hạn chế là do chưa thực hiện công cụ đánh giá tác động pháp luật (RIA) một cách nghiêm túc. Năm 2010 có 22/25 dự án luật có RIA. Tuy nhiên chất lượng báo cáo RIA hầu như chưa đáp ứng được yêu cầu về nội dung, chưa xác định rõ vấn đề bất cập, đặt mục tiêu quá chung chung… Cũng theo ông Cường, còn tồn tại một số lý do nữa là số lượng văn bản pháp luật tăng nhanh trong khi chất lượng của nhiều văn bản chưa đảm bảo; Thiếu cơ quan đầu mối, các công cụ, tiêu chí kiểm soát văn bản; Chưa chú trọng tới các giải pháp thị trường, thiếu biện pháp thị trường để điều tiết…
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Chỉ ra những sức ép cho việc phải nâng cao chất lượng các chính sách kinh tế, ông Faisal Naru, Cố vấn trưởng về Cải cách Thể chế của dự án USAID/VNCI cho biết, chỉ số cạnh tranh của Việt Nam năm 2011-2012 đã tụt 6 bậc so với năm 2010-2011, xếp thứ 65 trong 142 nước. Riêng về gánh nặng qui định, Việt Nam xếp thứ 113. Tuy nhiên, do Việt Nam là nước đang phát triển, tiềm năng đổi mới của Việt Nam là lớn để tăng sức cạnh tranh. Để tận dụng được lợi thế của mình, Việt Nam cần có hệ thống quản lý thể chế tốt hơn, hiện đại hơn nhằm khắc phục những hạn chế cơ bản trong điều hành gồm hoạch định chính sách, phối hợp chính sách và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Đồng tình với quan điểm của ông Faisal Naru, ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, cải cách thể chế không phải là cải cách hành chính mà là một bậc cao hơn, trong đó thay đổi cách quản lý nhà nước, cách can thiệp của Chính phủ với xã hội nói chung và thị trường nói riêng. Cũng theo ông Cung, với đặc điểm cụ thể của Việt Nam hiện nay, việc thiết lập một cơ quan độc lập có vai trò điều phối, giám sát, thẩm định quy trình ban hành văn bản chính sách và đánh giá tác động của chính sách là không khả thi bởi sẽ dẫn tới sự chồng chéo, thậm chí xung đột với chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành. Vì vậy, thay vì thiết lập một cơ quan như vậy, cải cách thể chế cần tiếp tục tập trung vào việc công khai hóa, minh bạch hóa hơn nữa quá trình xây dựng văn bản và quá trình thẩm tra, thẩm định văn bản và công khai hóa kết quả thẩm tra, thẩm định văn bản.
Hội thảo cũng được lắng nghe các chuyên gia quốc tế chia sẽ những kinh nghiệm của các nước trong quá trình cải cách thể chế, từ đó giúp Việt Nam xác định được lộ trình ngày càng hoàn thiện và nâng cao thể chế của mình./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư