(MPI Portal) - Nhằm góp phần xây dựng kịch bản kinh tế Việt Nam giai đoạn 2012-2015, sáng ngày 18/10/2011 tại Hà Nội, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia phối hợp với Ngân hàng Thế giới và Viện khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo “Triển vọng kinh tế thế giới và chính sách ứng phó của Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có sự hiện diện của ông Vũ Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội cùng với nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia kinh tế trong nước, quốc tế và các phóng viên thông tấn báo chí.
|
Hội thảo “Triển vọng kinh tế thế giới và chính sách ứng phó của Việt Nam”. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Hội thảo đề cập đến những chủ đề chính gồm: Triển vọng kinh tế thế giới, những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam; Triển vọng kinh tế Việt Nam và những lựa chọn chính sách; Triển vọng kinh tế các nền kinh tế mới nổi Châu Á trước những thách thức của kinh tế thế giới; Triển vọng thương mại thế giới trong những năm tới, Quản lý nợ công; Đánh giá rủi ro kinh tế Việt Nam trước tác động của nền kinh tế thế giới, Kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2012; Triển vọng dòng vốn đầu tư quốc tế ở các nền kinh tế mới nổi, Tái cơ cấu đầu tư trong quá trình tái cơ cấu kinh tế; Chính sách tài khóa và đầu tư công trong những năm tới với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô ở Việt Nam; Dự báo kinh tế Việt Nam và chính sách tiền tệ với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vi mô.
|
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao vai trò của các đơn vị đã có sáng kiến tổ chức Hội thảo, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn này. Những khuyến nghị tại hội thảo này sẽ được Chính phủ tham khảo, xem xét lựa chọn để tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.Suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động mạnh mẽtới Việt Nam đặc biệt từ năm 2008 đến nay. Mặc dù đã triển khai nhiều chính sách ứng phó nhưng nền kinh tế Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn như lạm phát cao, lãi suất cao, tỷ giá chưa ổn định gây khó khăn cho doanh nghiệp. Trước tình hình đó, Chính phủ đã lựa chọn trình Hội nghị Trung ương vàQuốc hội xem xét, lựa chọn đề ra các giải pháp cụ thể nhằm góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững nền kinh tế Việt Nam. Chỉ tiêu tăng trưởng GDP do Ðại hội Ðảng lần thứ XI đưa ra là bình quân 7 đến 7,5%/năm nhưng tới đây Chính phủ sẽ trình Quốc hội năm 2012 chỉ đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6 đến 6,5%/năm.
Phó Thủ tướng cho biết từ năm 2012, Chính phủ đặt trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó ba lĩnh vực quan trọng nhất là tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và tái cơ cấu hệ thống tài chính, ngân hàng. Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước để góp phần hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho nền kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn tiếp theo.
Theo đánh giá của ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia thì sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và suy thoái toàn cầu 2008-2009, kinh tế thế giới đứng trước một yêu cầu hết sức gay gắt, phục hồi tăng trưởng và cải cách hệ thống tài chính nhằm đảm bảo phát triển cân bằng, mạnh mẽ và bền vững trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, mục tiêu đó đang trở nên xa vời bởi đã và đang xuất hiện nhiều nguy cơ bất ổn mới. Thực tế, ở các nền kinh tế phát triển, kinh tế phục hồi chậm và nguy cơ rơi vào suy thoái kép cùng với cuộc khủng hoảng nợ công ở một số nước châu Âu diễn biến phức tạp và đang lan rộng sang nhiều quốc gia khác có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát của châu lục. Bên cạnh đó, thị trường tài chính diễn biến không ổn định khiến lòng tin của thị trường vào khả năng chi phối của chính sách bị “xói mòn”. Có thể nói, các nền kinh tế mới nổi đang phải đối phó với tình trạng lạm phát cao giờ lại đứng trước những rủi ro mới. Tình trạng suy giảm kinh tế, bất ổn trên thị trường tài chính cùng những biến động xã hội ở các nền kinh tế phát triển sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế mới nổi, nhất là các nền kinh tế châu Á, nơi xuất khẩu và đầu tư nước ngoài được coi là những động lực quan trọng cho sự phát triển. Kinh tế Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt quan trọng trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế. Do đó, việc đánh giá thực trạng kinh tế Việt Nam, dự báo diễn biến kinh tế thế giới và đo lường mức độ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam đang là một yêu cầu đặt ra cho Chính phủ và các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam.
Ông Deepak Mishra, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phân tích triển vọng kinh tế thế giới và chính sách ứng phó của Việt Nam. Trong bối cảnh của môi trường toàn cầu khó khăn hơn với tốc độ tăng trưởng thấp và tính không ổn định cao hơn, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô tại Việt Nam là một nhiệm vụ khó khăn. Chính sách kinh tế tại Việt Nam đã thiên về mục tiêu tăng trưởng trong những năm gần đây. Nghị quyết 11 đã có nhiều bước tiến trong việc giảm lạm phát, nhưng chính sách kinh tế vĩ mô cần phải được thắt chặt hơn nữa nhằm khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô. Cải cách cơ cấu trong lĩnh vực tài chính và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước cần phải được thực hiện một cách dứt khoát.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Tái cơ cấu đầu tư trong tiến trình tái cơ cấu kinh tế là một trong những vấn đề quan trọng tại Hội thảo, ông Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Việt Nam đang đứng trước “ngã ba đường”, việc tái cấu trúc nền kinh tế đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh đang đặt ra. Trong đó quan trọng nhất là tái cơ cấu đầu tư. Cơ cấu đầu tư cũng như cơ cấu nguồn vốn được đề cập đến trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015. Do đó, tái cơ cấu đầu tư là yếu tố quyết định thành công hay thất bại của tái cơ cấu kinh tế. Ông cho biết thêm, Việt Nam đang chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đồng thời giảm tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong GDP. Tỷ trọng khu vực nông nghiệp đã giảm từ khoảng 50% GDP xuống khoảng 20% GDP trong năm 2010. Tuy nhiên, vẫn không đạt mục tiêu Chiến lược đến năm 2010. Tỷ trọng khu vực dịch vụ cũng không đạt mục tiêu chiến lược khi chỉ chiếm 38% GDP thay vì mục tiêu là 41% GDP. Tỷ trọng nông nghiệp trong GDP chỉ giảm từ 24,5% năm 2000 xuống 20,6% năm 2011, trong khi đó tỷ trọng đầu tư cho nông nghiệp đã giảm mạnh từ 13,8% xuống 6,1%. Công nghiệp được ưu tiên tập trung vốn đầu tư song đóng góp vào GDP lại không tăng tương xứng, tỷ trọng của khu vực công nghiệp trong GDP chỉ tăng gần 37% năm 2000 lên trên dưới 40% trong suốt giai đoạn 2005-2010. Điều này chứng tỏ hiệu quả đầu tư cho công nghiệp không cao. Vì vậy, tái cấu trúc đầu tư thông qua điều chỉnh cơ chế, chính sách, điều hành nhằm hướng tới một cơ cấu đầu tư hợp lý, đạt được hiệu quả đầu tư tổng thể nhằm tái cấu trúc nền kinh tế, tăng cường chất lượng tăng trưởng, ổn định vĩ mô, nhất là kiềm chế lạm phát.
Trên cơ sở những ý kiến tại Hội thảo, Ban tổ chức hy vọng rằng những bài phân tích được nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau về kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam với sự kết hợp giữa kinh nghiệm thực tiễn và lý luận khoa học, với những ý kiến trao đổi thẳng thắn trên tinh thần xây dựng, Hội thảo sẽ có nhiều ý tưởng và khuyến nghị có giá trị. Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Viện Khoa học xã hội Việt Nam sẽ tổng hợp để báo cáo Chính phủ và kiến nghị những chính sách ứng phó kịp thời trước những biến động của kinh tế thế giới, đồng thời xây dựng kịch bản phát triển phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam./.
Mai Phương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu từ