Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 05/09/2011-13:40:00 PM
Thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ Việt Nam

Triển khai thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Nhật Bản về việc Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển hơn nữa ngành công nghiệp phụ trợ, Dự án phát triển công nghiệp phụ trợ tại khu vực miền Nam Việt Nam vừa được khởi động.
Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh, Ban Quản lý các Khu công nghiệp – Khu chế xuất (HEPZA) thành phố Hồ Chí Minh và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp tổ chức Hội nghị giới thiệu Dự án phát triển công nghiệp phụ trợ tại khu vực miền Nam Việt Nam.
Theo ông Lê Anh Tuấn, Phó Trưởng ban HEPZA, sự non yếu, đặc điểm mới hình thành của ngành công nghiệp phụ trợ đã trực tiếp ảnh hưởng đến xúc tiến đầu tư, làm cho khả năng cạnh tranh của nền sản xuất bị giảm sút, giá trị gia tăng trong kim ngạch xuấtfr4 khẩu bị hạn chế, dẫn đến tình trạng nhập siêu.
Ông Yabe Hirohito, Tình nguyện viên cao cấp JICA cho biết: Hiện trạng tỷ lệ nội địa hóa linh kiện trong các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam chỉ chiếm 22,4%, thấp hơn nhiều so với tại Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Dự án nói trên nhằm phát triển công nghiệp phụ trợ, chuẩn bị cho Việt Nam gia nhập Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN vào năm 2015 và tiến tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.
Thành viên nhóm hỗ trợ gồm các tình nguyện viên người Nhật thuộc JICA đã có kinh nghiệm công tác lâu năm trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Trên phạm vi 4 tỉnh, thành phố là thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai và Bình Dương, từ năm 2009 - 2013, dự án sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh qua việc cải tiến chất lượng, chi phí, thời gian giao hàng, để có khả năng trở thành nhà cung cấp phụ tùng chuyên nghiệp cho các công ty sản xuất của Nhật Bản tại Việt Nam trong các ngành ô tô, xe máy, điện, điện tử, cơ khí.
Đối tượng dự án là các doanh nghiệp Việt Nam hoặc doanh nghiệp Việt Nam liên quan với nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, gia công chi tiết cơ khí, phụ tùng chính xác, đúc kim loại, khuôn mẫu, ép nhựa, xi mạ... Thời gian hỗ trợ từ 3 - 6 tháng, sau đó tiếp tục theo định kỳ để theo dõi việc duy trì cải tiến của doanh nghiệp.
Theo ông Yoshifumi Tsujio - chuyên gia về xúc tiến đầu tư của Jica tại Cục Đầu tư nước ngoài: Để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, Việt Nam cần chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn thiện như hệ thống điện nước, viễn thông, và giá thuê mặt bằng phù hợp,… vì đây sẽ là những yếu tố đầu tiên nhà đầu tư lựa chọn khi quyết định đầu tư.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết, đây chưa phải là tất cả những gì mà doanh nghiệp Nhật Bản cần, mà song song với đó là những dịch vụ đi kèm tại các khu công nghiệp như hệ thống nước thải, nhà ăn cho công nhân, ngân hàng,… Đặc biệt, Việt Nam cũng cần phải đào tạo đội ngũ lao động chất lượng cao, và phải có trình độ ngoại ngữ tốt để phục vụ nhu cầu dung người của doanh nghiệp nước ngoài khi sang đầu tư tại Việt Nam./.
Vào cuối tháng 4/2009, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã ấn nút khởi công dự án Khu công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản số 1 tại Quế Võ, Bắc Ninh. Đây là khu công nghiệp hỗ trợ đầu tiên của Việt Nam.
Tháng 7/2010, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương đầu tư khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội và bổ sung khu công nghiệp này vào Danh mục các khu công nghiệp dự kiến ưu tiên thành lập mới đến năm 2015 và định hướng 2020.
Quyết định 12/2011/QĐ-TTg về chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 24/2/2011 là một cú hích mới cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1399
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)