Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 05/09/2011-10:37:00 AM
Báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu ngành công nghiệp 8 tháng đầu năm 2011
Báo cáo của Vụ Kinh tế Công nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 23 tháng 8 năm 2011
1/ Tình hình chung:
- Tháng 8 năm 2011 Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,3% so với tháng 7 và tăng 5,8% so với cùng kỳ, trong đó, IIP của ngành công nghiệp khai thác mỏ giảm 5,6%; công nghiệp chế biến tăng 10,2%; công nghiệp sản xuất, phân phối điện, gas và nước tăng 11,8% so với cùng kỳ.
- Tính chung 8 tháng đầu năm 2011 thì IIP tăng 7,3% so với cùng kỳ, trong đó chia theo ngành công nghiệp cấp I thì công nghiệp khai thác mỏ ước đạt giảm 0,7%; công nghiệp chế biến tăng 10,7%; sản xuất, phân phối điện gas và nước tăng 9,8% so với cùng kỳ.
- Tình hình sản xuất của một số sản phẩm chủ yếu ngành công nghiệp bảy tháng đầu năm 2011:
Tám tháng đầu năm 2011 các sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong GTSXCN có tăng trưởng gồm: than đá (than sạch) đạt 28,99 triệu tấn tăng 3,9%, thuỷ hải sản chế biến đạt 1,11 triệu tấn tăng 9%; dầu thực vật tinh luyện đạt 343 nghìn tấn tăng 6,3%; sữa bột tăng 17%, đường kính đạt 818 nghìn tấn tăng 43,3%; bia đạt 1,7 tỷ lít tăng 8,3%; thuốc lá điếu tăng 6,5%; vải dệt từ sợi tổng hợp tăng 18,3%, quần áo mặc thường cho người lớn tăng 10,7%; giày thể thao tăng 16,7%; giấy, bìa các loại đạt 1,25 triệu tấn tăng 9,1%, phân hỗn hợp NPK đạt 1,71 triệu tấn tăng 21,3%; phân hoá học đạt 1,55 triệu tấn tăng 4,5%; sơn hoá học tăng 18,8%; xi măng tăng 10,7%; thép tròn các loại đạt 2,85 triệu tấn tăng 1,8% (trong đó, thép tròn 8mm trở xuống tăng 4%, sắt cây 10mm trở lên tăng 0,3%); thép thanh và thép góc đạt 1,14 triệu tấn tăng 12,9%; máy giặt tăng 47,3%; bình đun nước nóng tăng 54,6%; điện sản xuất đạt 66tỷ Kwh tăng 9,9% so với cùng kỳ.
Các sản phẩm giảm so với cùng kỳ có dầu mỏ thô khai thác đạt 9,63 triệu tấn giảm 1,3%; khí đốt thiên nhiên dạng khí đạt 5,94 tỷ m3 giảm 6,4%; khí hóa lỏng (LPG) đạt 352,5 nghìn tấn giảm 5,7% (do NMLD Dung Quất triển khai bảo dưỡng định kỳ từ ngày 15/7/2011-15/9/2011); xà phòng giặt các loại giảm 7,8%; lốp ô tô, máy kéo giảm 7,3%, gạch xây bằng đất nung giảm 1,2%; tủ lạnh, tủ đá giảm 14,5%, xe tải giảm 20,4%; điều hoà nhiệt độ giảm 20,8% so cùng kỳ năm trước.
Một số nhận xét về tình hình sản xuất kinh doanh công nghiệp:
- Về tăng trưởng công nghiệp 8 tháng đầu năm 2011: Các sản phẩm có tốc độ tăng trưởng cao bao gồm: năng lượng (chủ yếu than sạch; điện sản xuất), các sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu (vải dệt từ sợi tổng hợp; thuỷ hải sản chế biến; sữa bột; đường kính; giày thể thao; giấy bìa các loại; bình đun nước nóng; máy giặt), vật liệu xây dựng (sản xuất xi măng; sản xuất thép thanh, góc).
- Tình hình sản xuất và tiêu thụ của một số mặt hàng công nghiệp chủ yếu như sau:
Thị trường xi măng trong tháng 7 đã có sự tăng giá bán từ các nhà sản xuất như: Holcim, Hà Tiên 1, Nghi Sơn, Thăng Long, Hạ Long,… mức tăng từ 140.000 tới 150.000 đồng/tấn tại nhà máy. Tuy nhiên, tính đến 01/8/2011, chỉ số tồn kho ngành sản xuất xi măng, vôi, vữa so với cùng kỳ năm 2010 tăng 38%; cùng với đó, tốc độ tăng của sản lượng sản xuất xi măng cũng đang có xu hướng giảm dần trong những tháng vừa qua, điều này phản ánh đúng thực trạng nguồn cung lớn hơn nhu cầu, cộng thêm với việc cắt giảm đầu tư dẫn đến chỉ số tồn kho cao.
Theo báo cáo của Tập đoàn Than –Khoáng sản Việt Nam, giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định năm 1994) 8 tháng đầu năm 2011 ước đạt 15.381 tỷ đồng tăng 13,4%; doanh thu than ước đạt 40.844 tỷ đồng (/57.127 tỷ đồng tổng doanh thu từ các lĩnh vực) tăng 30,3% so với cùng kỳ.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam: GTSXCN (giá 1994) ước 8 tháng đạt 10.467 tỷ đồng tăn 4% so với cùng kỳ (đạt 63% KH năm 2011), trong đó, sản phẩm may các loại đạt 195,8 triệu sản phẩm tăng 12%, sợi toàn bộ đạt 78,1 nghìn tấn giảm 5%; vải các loại đạt 144 triệu m2 giảm 5%; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,6 tỷ USD tăng 26%, kim ngạch nhập khẩu đạt 865 triệu USD tăng 31% so với cùng kỳ.
Đối với ngành thép, tính đến ngày 01/8/2011 chỉ số tồn kho của các sản phẩm so với cùng kỳ như sau : ống thép tăng 15,7%; thép tấm các loại tăng 52,9%; thép thanh, thép góc tăng 12,1%; sắt tròn loại 8mm trở xuống tăng 40,4%; sắt cây loại 10mm trở lên tăng 30%; mặc dù, chỉ số tiêu thụ sản phẩm của một số mặt hàng thép nêu trên so với cùng kỳ năm 2010 đều tăng, tuy nhiên, do nhu cầu tiêu thụ chưa cao, trong khi năng lực sản xuất của các nhà máy tương đối lớn, vì vậy, chỉ số tồn kho sản phẩm ngành thép vẫn giữ ở mức cao.
2. Về xuất nhập khẩu:
- Xuất khẩu:
Kim ngạch xuất khẩu cả nước 8 tháng đầu năm 2011 ước đạt 60,809 tỷ USD tăng 33,7% so cùng kỳ, trong đó, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài không kể dầu thô xuất khẩu đạt 27,734 tỷ USD tăng 31,9% so cùng kỳ; doanh nghiệp đầu tư nước ngoài kể cả dầu thô đạt 32,643 tỷ USD tăng 34,2% so cùng kỳ.
Một số mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ yếu so với cùng kỳ như sau: dầu thô ước đạt 5,72 triệu tấn tăng 4,6% (kim ngạch xuất khẩu ước đạt 5,0 tỷ USD); than đá đạt 11,13 triệu tấn giảm 15,9% (kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,05 tỷ USD); xăng dầu các loại ước đạt 1,46 triệu tấn tăng 25,1% (kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,34 tỷ USD); sản phẩm hoá chất ước đạt 391 triệu USD tăng 52,7%; sản phẩm nhựa ước đạt 855 triệu USD tăng 29,5%; hàng dệt may đạt 8,98 tỷ USD tăng 28,6%; hàng giày dép đạt 4,18 tỷ USD tăng 29,2%; hàng điện tử, vi tính và linh kiện đạt 2,65 tỷ USD tăng 20,5%; túi xách, vali, mũ và ô dù đạt 846 triệu USD tăng 37,6%; máy móc, thiết bị và phụ tùng đạt 2,34 tỷ USD tăng 23,8%; sắt thép đạt 995 nghìn tấn tăng 55,2% và sản phẩm thép đạt 681 triệu USD tăng 30% so với cùng kỳ.
- Nhập khẩu:
Kim ngạch nhập khẩu cả nước 8 tháng đầu năm 2011 ước đạt 67,02 tỷ USD tăng 25,4% so cùng kỳ, trong đó doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhập khẩu đạt 30,1 tỷ USD tăng 31,1% so cùng kỳ.
Một số mặt hàng công nghiệp nhập khẩu chủ yếu so với cùng kỳ: xăng dầu các loại đạt 7,54 triệu tấn tăng 5,7% (kim ngạch nhập khẩu ước đạt 6,89 tỷ USD); khí đốt hoá lỏng đạt 505 nghìn tấn tăng 25% (kim ngạch nhập khẩu ước đạt 468 triệu USD); phân bón các loại đạt 2,54 triệu tấn tăng 29,6%; sắt thép các loại đạt 4,73 triệu tấn giảm 13% (trong đó phôi thép ước đạt 720 nghìn tấn giảm 44,5%); ôtô nguyên chiếc đạt hơn 41,5 nghìn chiếc tăng 29,9% so với cùng kỳ nhưng giảm 11,6% so với tháng 6 năm 2011; linh kiện ôtô đạt 1,35 tỷ USD tăng 8,6%; xe máy nguyên chiếc đạt hơn 48,7 nghìn chiếc giảm 23,2%; linh kiện xe máy đạt 640 triệu USD tăng 28,8%; chất dẻo nguyên liệu đạt 1,61 triệu tấn tăng 5,6%; giấy các loại đạt 689 nghìn tấn tăng 13,5% (kim ngạch nhập khẩu ước đạt 695 triệu USD); máy móc thiết bị và phụ tùng đạt 9,6 tỷ USD tăng 9,5% so cùng kỳ; nguyên phụ liệu dệt may da đạt 1,95 tỷ USD tăng 16% so với cùng kỳ.
3. Về các giải pháp, kiến nghị:
- Đẩy mạnh chương trình tiết kiệm điện: Văn phòng tiết kiệm năng lượng của Bộ Công Thương đẩy mnạh các chương trình quảng bá đèn compact, bình đun nước nóng bằng mặt trời, tập trung triển khai chương trình kiểm toán năng lượng các xi nghiệp công nghiệp và toà nhà.
- Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tập trung hướng tới phát triển sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, tìm kiếm mở rộng thị trường đầu ra của sản phẩm để thúc đẩy sản xuất trong nước, tránh tình trạng hàng hoá sản xuất hiện nay như xi măng, sắt thép,... bị tồn kho tương đối cao.
- Doanh nghiệp nâng cao tính chủ động trong việc giảm tối đa chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất thông qua các giải pháp như tận dụng nhiệt thải, tăng tỷ lệ nội địa hoá (máy móc, thiết bị, hoá chất, vật tư,...).

File đính kèm:
BCKTCongnghiepT8.11.pdf

Vụ Kinh tế Công nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1690
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)