Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 18/11/2011-15:52:00 PM
TPP và hy vọng về một cuộc cách mạng thương mại

Tại hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra ngày 12 và 13-11 ở Honolulu, bang Hawaii (Mỹ),Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thành công trong việc vận động cho Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Chín nước Mỹ, Úc, Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam chính thức đàm phán TPP và đã nhất trí với đề cương chung của TPP.
Ông Obama hy vọng sẽ thúc đẩy TPP, một hiệp định thương mại ít được biết đến trước đây nhưng có thể định hình tương lai các mối quan hệ thương mại nói chung của Mỹ và mối quan hệ thương mại giữa Mỹ với châu Á nói riêng. Thỏa thuận này cũng tạo cho Mỹ cơ hội để xoay chuyển cục diện từ tình thế thương thảo chính trị để thắt lưng buộc bụng do gánh nặng thâm hụt ngân sách sang cơ hội chấn hưng kinh tế.
TPP sẽ liên kết chín nước Mỹ, Úc, Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam trở thành một cộng đồng tự do thương mại đơn nhất. TPP sẽ giảm thuế quan và các rào cản thương mại khác giữa chín nước này.
Mỹ kỳ vọng những hứa hẹn về sự tiếp cận thị trường cởi mở thông qua TPP sẽ thu hút các nước khác cùng tham gia và cuối cùng sẽ tạo ra khu vực mậu dịch tự do rộng lớn trải dài ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuần trước, ba nước khác Nhật Bản, Canada, Mexico đã đánh tiếng muốn tham gia đàm phán hiệp định này. Lãnh thổ Đài Loan cũng đặt mục tiêu tham gia TPP trong 10 năm tới.
TPP rất quan trọng vì theo Bộ Thương mại Mỹ, trong năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang các nước châu Á - Thái Bình Dương cao hơn so với sang châu Âu.
Theo hãng tin Bloomberg, các công ty Mỹ xuất khẩu qua Hàn Quốc nhiều hơn qua Pháp và bán hàng cho lãnh thổ Đài Loan nhiều hơn cho Ý. Năm ngoái, xuất khẩu sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã tạo ra 850.000 việc làm ở Mỹ.
Hứa hẹn tạo ra cuộc cách mạng thương mại
TPP cũng hứa hẹn tạo ra một cuộc cách mạng thương mại: thuyết phục chính phủ các nước châu Á chấp nhận áp dụng luật chơi chặt chẽ đối với các công ty nhà nước. Đổi lại, Mỹ có thể chấp nhận dẹp bỏ một số rào cản bảo hộ ngoài việc giảm thuế.
Chính phủ các nước châu Á hoạt động trong nhiều thị trường thông qua các công ty nhà nước với lượng tiền mặt dự trữ lớn và nguồn tài nguyên thiên nhiên giá trị trong tay. Các công ty này tồn tại để tạo ra lợi nhuận đồng thời xây dựng quyền lực nhà nước. Cách đây 10 năm, các nền kinh tế mới nổi mỗi năm tiếp nạp 100 tỉ đô la Mỹ vào nguồn dự trữ. Năm 2009, con số này là 1.600 tỉ đô la Mỹ.
Tuy nhiên, mô hình hoạt động này chứa đựng nhiều rủi ro. Các công ty nhà nước thường làm việc không minh bạch và thiếu giải trình trách nhiệm với các cổ đông, cơ quan quản lý. Điều này đặt các công ty Mỹ vào thế bất lợi.
Đôi khi, các công ty nhà nước lạm dụng quyền lực như đã từng thực hiện vào năm 2006 khi Công ty dầu khí nhà nước Gazprom (Nga) thắt chắt việc cung cấp khí đốt cho Ukraine trong mùa đông rét buốt sau khi hai bên tranh cãi về số tiền Ukraine còn nợ đối với Gazprom.
Tương tự, năm 2010, Trung Quốc đã hạn chế Nhật Bản tiếp cận các khoáng sản quan trọng của nước này sau khi hai bên hậm hực về vụ va chạm giữa một tàu cá Trung Quốc và một tàu tuần duyên của Nhật Bản.
Một trong những mục tiêu của TPP là phải đạt được cam kết mang tính ràng buộc để ngăn ngừa các hành vi trả đũa thương mại như vậy và đồng thời đặt ra các nguyên tắc cơ bản về cách ứng xử thị trường.
Khó khăn của Mỹ
Đối với Mỹ, vấn đề khó khăn là định nghĩa như thế nào về công ty nhà nước. Nếu định nghĩa quá rộng thì hãng máy bay Boeing cũng có thể được coi là công ty nhà nước vì nhận được hàng tỉ đô la Mỹ tài trợ của Bộ Quốc phòng Mỹ mỗi năm để thiết kế máy bay và các hệ thống vũ khí. Nếu định nghĩa quá hẹp thì nhiều công ty lớn của nhà nước, vốn nhận được trợ cấp rất lớn từ nhà nước, sẽ lọt khỏi danh sách công ty nhà nước.
Câu trả lời có thể nằm ở bài kiểm tra mà các chuyên gia thương mại gọi là “sự ảnh hưởng hữu hiệu”. Thực chất, điều này có nghĩa là việc quyết định xem ai là người kiểm soát các quyết định chi tiêu, đầu tư và quản lý và ai là người chỉ định chủ tịch và giám đốc điều điều hành. Trong trường hợp hãng sản xuất máy bay Boeing, đó chắc chắn không phải là chính phủ Mỹ.
TTP cũng buộc các nhà đàm phán Mỹ đối mặt với các luật lệ bảo hộ của chính nước Mỹ. Ví dụ, sở hữu cổ phần nước ngoài trong các hãng hàng không của Mỹ bị khống chế ở mức 25% theo luật. Các mức hạn ngạch nhập khẩu và thuế quan cũng bảo vệ nông dân các nhà sản xuất ethanol Mỹ trước các đối thủ cạnh tranh từ nước ngoài.
Những vấn đề khó khăn khác gây tranh cãi trong các cuộc đàm phán TPP gồm bản quyền, quyền lợi lao động, bảo vệ môi trường và thuế quan bảo vệ các ngành công nghiệp nông nghiệp. Tuy nhiên, với việc thông qua các hiệp định tự do thương mại gần đây với Hàn Quốc, Colombia, Panama (cũng có liên quan đến các vấn đề kể trên), các nhà đàm phán Mỹ chắc chắn có khả năng giải quyết những xung đột này nhanh chóng.
Đến nay, Trung Quốc không nằm trong tầm ngắm của TPP. Mỹ đang thúc giục Trung Quốc ngăn chặn nạn ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ, ngưng thao túng đồng nhân dân tệ, ngưng các liên doanh ép buộc với các công ty nhà nước... Nếu phần còn lại của châu Á tiến gần lại với mô hình của Mỹ, Trung Quốc đứng trước sức ép phải theo mô hình này.
Ông Obama đang tích cực thúc đẩy hoàn thành TPP vào giữa năm 2012. Điều này thành hiện thực có thể khởi động một chu kỳ tăng trưởng kinh tế mới toàn cầu. Điều này sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn, kiến tạo thịnh vượng và cân đối ngân sách tốt hơn trong những thập kỷ tới so với các biện pháp cắt giảm chi tiêu mà chính phủ Mỹ đang cấp bách thực hiện./.

Thời báo kinh tế Sài Gòn

    Tổng số lượt xem: 1215
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)