Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 27/12/2011-13:29:00 PM
Tiếp tục quản lý chặt chẽ đầu tư nước ngoài

Thông điệp không thu hút, kêu gọi thêm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các lĩnh vực sản xuất sắt thép, xi măng và dệt may mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đưa ra tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 27 vừa diễn ra tại Hà Nội đã tái khẳng định quan điểm thu hẹp kênh dẫn vào các lĩnh vực thâm dụng tài nguyên, năng lượng và lao động của dòng vốn FDI.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 1617/CT-TTg (về việc tăng cường và chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới) với yêu cầu hạn chế các dự án đầu tư vào khu vực phi sản xuất, làm gia tăng nhập siêu, tiêu tốn năng lượng, khai thác không gắn với chế biến, các dự án sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên, sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.
Điều này đồng nghĩa với việc kênh hút dòng FDI chảy vào các lĩnh vực công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, các ngành công nghiệp hỗ trợ, lợi thế, có hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng, nguyên liệu, kết nối và có tính lan toả cao với doanh nghiệp trong nước… tiếp tục được khơi rộng.
Hướng chảy theo đúng quỹ đạo mà nền kinh tế Việt Nam, cũng như nhu cầu và lợi thế của từng địa phương, vùng kinh tế đang cần, loại bỏ dần những dự án không hợp thời đã được dẫn, song kéo được dòng vốn FDI đi đúng hướng không đơn giản khi mà tư duy lấp đầy vẫn chiếm ưu thế trong các kế hoạch thu hút FDI, cách thức xúc tiến đầu tư dàn trải, thiếu định hướng, thiếu gắn kết vẫn đang là lựa chọn của khá nhiều địa phương, ban quản lý khu công nghiệp.
Hơn thế, chiếc gậy quản lý dòng vốn này, theo lãnh đạo nhiều địa phương là chưa đủ mạnh, thiếu tính phối hợp, thiếu sự cân bằng giữa quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà đầu tư và cơ quan quản lý.
Lần đầu tiên, lãnh đạo sở kế hoạch và đầu tư một thành phố lớn thừa nhận đang có tình trạng “3 không” trong quản lý dự án FDI. Đó là không biết mặt nhà đầu tư, không biết địa chỉ văn phòng của dự án và không biết dự án hoạt động thế nào. Loại trừ dấu hỏi về chất lượng thông tin khi mà nhiều nội dung về nhà đầu tư chỉ được biết đến qua báo cáo từ chính họ, tình trạng “3 không” được lý giải là do việc tiếp cận thông tin về hoạt động dự án từ các cơ quan quản lý chuyên ngành khác vô cùng khó khăn, chế tài trong xử lý các nhà đầu tư không tuân thủ các quy định về báo cáo..., không đủ sức răn đe. Lại thêm những đề nghị về hướng dẫn tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong hoạt động thu hút, quản lý vốn đầu tư nước ngoài.
Câu chuyện về quản lý một lần nữa lại đặt yêu cầu thay đổi cách thức quản lý thắt chặt lúc cấp phép, lơi lỏng khi triển khai dự án, bởi cách thức đó đã khiến tỷ lệ các dự án chậm tiến độ, dự án không hoạt động tăng cao, nhưng lại không có biện pháp xử lý kịp thời, nghiêm khắc, gây nên những vết mờ không đáng có trong nỗ lực đóng góp của các nhà đầu tư nước ngoài vào phát triển kinh tế của Việt Nam nhiều năm qua.
Cũng cần phải nhắc lại, dòng vốn đầu tư sẽ tự động chảy vào nơi dễ sinh lời nhất, cho dù sự thuận lợi không như các nhà đầu tư mong muốn. Sẽ không dễ thành công khi chặn dòng vốn FDI vào các lĩnh vực, ngành nghề mà nền kinh tế Việt Nam không mong muốn nếu thiếu cơ chế chính sách rõ ràng, thiếu sự kiểm soát, quản lý nghiêm túc, thiếu sự phối hợp có trách nhiệm vì lợi ích của nền kinh tế./.
Bảo Duy
baodautu.vn

    Tổng số lượt xem: 844
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)