Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 12/04/2012-15:59:00 PM
Tổng hợp công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2011
(MPI Portal ) - Thực hiện Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15/12/2009 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư, trên cơ sở báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2011 nhận được đến ngày 10/3/2012 của các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty 91, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn số 2268/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 04 tháng 4 năm 2012 về tổng hợp công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2012.
1. Về tổ chức thực hiện công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư
Căn cứ các báo cáo đã nhận được đến ngày 10/3/2012 và kết quả kiểm tra công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư một số địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp một số nét chính về việc thực hiện chế độ báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2012 như sau:
1.1. Tình hình thực hiện chế độ báo cáo về giám sát, đánh giá đầu tư
Đến ngày 10/3/2012, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được Báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2012 của 110/124 cơ quan, đạt 88,718%; trong đó: 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (98,41%); 23/32 cơ quan Bộ và tương đương (71,88%); 7/9 cơ quan thuộc Chính phủ (77,78%); 18/20 Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty 91 (90%). Tỉ lệ các cơ quan gửi báo cáo thấp hơn so với năm 2010 (năm 2010 có 112 cơ quan gửi báo cáo, đạt 90,3%: các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 93,7%; các cơ quan Bộ và tương đương 81,3%; Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty 91 là 100%).
1.2. Đánh giá chung về nội dung báo cáo
Nhìn chung nội dung, chất lượng các Báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2012 của các cơ quan gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề cập tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, tại một số cơ quan, bộ phận tổng hợp vẫn chưa hiểu đúng và chưa nắm bắt được vấn đề nên tình trạng sai sót, số liệu báo cáo thiếu tính hợp lý vẫn còn tồn tại. Báo cáo của một số cơ quan chưa đúng mẫu yêu cầu, nội dung chưa đầy đủ, không đầy đủ phụ biểu, phụ biểu được lập không theo mẫu quy định, thiếu số liệu để tổng hợp; Các số liệu trong biểu tổng hợp còn sai sót về mặt số học và không đảm bảo độ chính xác, số liệu không thống nhất giữa các phần và các phụ biểu; Chất lượng các báo cáo chưa đạt yêu cầu chủ yếu do bộ phận giám sát, đánh giá đầu tư tại các cơ quan, đơn vị chưa được kiện toàn.
Tình hình thực hiện chế độ báo cáo nêu trên đã hạn chế việc phân tích, đánh giá tình hình đầu tư chung của cả nước và chưa đáp ứng yêu cầu, mục tiêu của công tác giám sát, đánh giá đầu tư.
2. Đánh giá tình hình thực hiện quản lý đầu tư
2.1. Tình hình xây dựng thể chế, hoàn thiện môi trường pháp lý cho các hoạt động đầu tư và giám sát, đánh giá đầu tư
Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, trong các tháng đầu năm 2011, Chính phủ đã ban hành các Nghị định, Nghị quyết.
2.2. Tình hình quản lý Quy hoạch
a) Về quy hoạch Vùng và lãnh thổ:
Trong năm 2011 Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch các lãnh thổ đặc biệt: Quy hoạch phát triển đảo Việt Nam, Quy hoạch phát triển vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển và ven biển Việt Nam thuộc Vịnh Thái Lan, Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội dải ven biển miền Trung Việt Nam, Quy hoạch phát triển hành lang kinh tế Lạng Sơn – Hà Nội -Hải Phòng – Quảng Ninh, Quy hoạch phát triển hệ thống các Khu kinh tế ven biển, Khu kinh tế cửa khẩu.
Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội 3 Vùng (Vùng Tây Nguyên, Vùng Đông Nam Bộ, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long) đã được thẩm định trong năm 2011 và đang được hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong năm 2012.
Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội 3 Vùng (Vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung) đang tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành để hoàn thiện và tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quy hoạch các Vùng lãnh thổ đặc biệt: 4 Vùng kinh tế trọng điểm đến năm 2020 (Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long) dự kiến sẽ tổ chức thẩm định vào Quý III/2012 và trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2012.
b) Về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương đến năm 2020:
Tính đến cuối năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hộicho 47 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội 09 tỉnh đã qua thẩm định đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xét duyệt, còn 03 tỉnh trình phê duyệt quy hoạch điều chỉnh là Lai Châu, Long An và Hậu Giang. Còn 10 tỉnh đang tổ chức xây dựng và hoàn thiện báo cáo quy hoạch trình thẩm định và phê duyệt theo quy định.
Theo số liệu báo cáo của 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các địa phương đã và đang triển khai lập, phê duyệt trong kế hoạch năm 2011 là 1.026 dự án quy hoạch.
c) Về quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu:
Từ năm 2009-2011 các Bộ, ngành đã và đang triển khai lập 101 dự án quy hoạch. Nhìn chung, với sự tập trung chỉ đạo của Chính phủ, công tác quy hoạch đã bước đầu nâng cao được chất lượng, quy hoạch ngày càng phù hợp hơn với thực tế; từng bước khắc phục tình trạng quy hoạch được duyệt nhưng không được triển khai thực hiện, đầu tư không theo quy hoạch. Các quy hoạch đã cập nhật được nhiều yếu tố mới, tạo được định hướng cho xây dựng kế hoạch đầu tư, trở thành công cụ hỗ trợ cho các cấp lãnh đạo trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ chính trị đề ra trong từng thời kỳ, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, giải quyết có hiệu quả các vấn đề văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
2.3. Tình hình quản lý các dự án đầu tư sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên
a) Việc lập, thẩm định, phê duyệt các dự án
Nhìn chung, công tác lập, thẩm định và phê duyệt các dự án đầu tư sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên được thực hiện theo đúng quy định hiện hành, tổng hợp báo cáo của 110 cơ quan có báo cáo, trongnăm 2012 có 16.425/18.407 dự án có kế hoạch chuẩn bị đầu tư trong kỳ đã được thẩm định, đạt 89,23%, trong đó có 15.228 dự án đã được quyết định đầu tư, đạt 82,73%.
b) Tình hình thực hiện các dự án
Theo số liệu báo cáo của các cơ quan, trong năm 2012 có 38.420 dự án đang thực hiện đầu tư, trong đó có 14.145 dự án khởi công mới chiếm 36,82% thấp hơn so với năm 2010 (năm 2010 tỷ lệ này là 41,88%) và 15.077 dự án kết thúc đầu tư đưa vào sử dụng trong kỳ chiếm 39,24% cao hơn năm trước (năm 2010, tỷ lệ này là 30,66%).
Tình trạng các dự án chậm tiến độ vẫn còn phổ biến, tổng hợp số liệu của các cơ quan có báo cáo gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong năm 2011 có 4.436 dự án chậm tiến độ, chiếm 11,55% số dự án thực hiện trong kỳ. Việc chậm tiến độ là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm tăng chi phí, giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư và tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Năm 2011 đã phát hiện 100 dự án có vi phạm quy định về thủ tục đầu tư; 47 dự án vi phạm về quản lý chất lượng; 145 dự án có thất thoát, lãng phí. So với năm 2010, số dự án vi phạm có dấu hiệu suy giảm.
c) Tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước
Tổng hợp số liệu báo cáo của 110/124 cơ quan có báo cáo, trong năm 2011, các cơ quan đã thực hiện tổng khối lượng đầu tư bằng vốn nhà nước khoảng 438.938 tỉ đồng, đạt 91,88% kế hoạch vốn đầu tư năm 2011.
Theo báo cáo của các cơ quan trong năm 2011 có 145 dự án có thất thoát, lãng phí được phát hiện, chiếm 0,38% tổng số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ và 1.034 dự án phải ngừng thực hiện, chiếm 2,69% tổng số dự án đang thực hiện trong kỳ.
2.4. Tình hình quản lý các dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác
Tổng hợp số liệu báo cáo của 110/124 cơ quan báo cáo, trong năm 2011 có 2.860 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong kỳ, với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 1.491.186 tỉ đồng, bình quân 521,39 tỉ đồng/dự án.Ngoài ra, còn có 2.841 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh, trong đó chủ yếu là điều chỉnh quy mô đầu tư, mục tiêu đầu tư, tiến độ và chủ đầu tư.
Trong năm, qua kiểm tra, đánh giá 4.466 dự án đầu tư đã phát hiện có 316 dự án có vi phạm quy định liên quan đến quản lý đầu tư; 30 dự án có vi phạm về bảo vệ môi trường, 68 dự án có vi phạm về sử dụng đất; 67 dự án có vi phạm về quản lý tài nguyên; đã thu hồi 338 Giấy chứng nhận đầu tư (chiếm 7,57% tổng số dự án được kiểm tra, đánh giá).
3. Tình hình thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư
3.1. Tình hình thực hiện chế độ báo cáo tại các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế Nhà nước và các Tổng công ty 91
Tổng hợp số liệu báo cáo của các Cơ quan đã gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vào thời điểm hiện nay có 26.125 dự án trên tổng số 38.420 dự án đầu tư (các nhóm A, B, C) sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên thực hiện đầu tư trong kỳ có báo cáo giám sát, đạt tỉ lệ 68%, tỷ lệ này có được cải thiện so với các kỳ báo cáo trước.
Theo báo cáo của các cơ quan nhận được thì chất lượng báo cáo của các chủ đầu tư gửi đến các Bộ, ngành, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, chưa báo cáo đầy đủ các nội dung theo quy định, nhiều chủ đầu tư không báo cáo theo quy định hoặc có báo cáo nhưng mang tính hình thức, thiếu các thông tin chi tiết, nên báo cáo tổng hợp của các Bộ, ngành và địa phương cũng không đủ các số liệu cụ thể. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do công tác giám sát, đánh giá đầu tư triển khai tại các cơ quan và các chủ đầu tư chưa được quán triệt đầy đủ, nhiều chủ đầu tư chưa cập nhật hết các nội dung báo cáo theo quy định. Ngoài ra, việc tăng thẩm quyền quyết định cho chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng công trình cũng làm cho việc thực hiện báo cáo của các chủ đầu tư chưa kịp thời và nghiêm túc.
3.2. Tình hình giám sát, đánh giá đầu tư các dự án nhóm A sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên
Số dự án thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư theo quy định là 302 dự án trên tổng số 331 dự án, đạt 91,24%, cao hơn tỉ lệ thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá của các kỳ trước (năm 2010 là 62,58%, năm 2009 là 58,8%). Số dự án chậm tiến độ có 93 dự án (chiếm 28,10%) cao hơn so với các kỳ báo cáo trước (năm 2010 là 19,35%, năm 2009 là 11,55%; năm 2008 là 16,73%). Số dự án phải điều chỉnh là 68 dự án, chiếm 14,14% tổng số dự án nhóm A thực hiện đầu tư trong kỳ. Số dự án có thực hiện lựa chọn nhà thầu trong kỳ là 85 dự án, chiếm 25,68% tổng số dự án nhóm A thực hiện đầu tư trong kỳ, với tổng số gói thầu tổ chức lựa chọn nhà thầu trong kỳ là 988 gói. Số dự án kết thúc đầu tư đưa vào hoạt động trong kỳ là 20 dự án, chiếm 6,65%.
3.3. Về việc thực hiện kế hoạch kiểm tra, đánh giá đầu tư
Qua công tác kiểm tra, đánh giá dự án đầu tư đã kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các sai phạm trong quản lý đầu tư (đã phát hiện nhiều dự án đầu tư sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên có vi phạm, trong đó có 145 dự án có thất thoát, lãng phí; đã phát hiện 316 dự án sử dụng nguồn vốn khác có vi phạm quy định liên quan đến quản lý đầu tư, thu hồi 338 Giấy chứng nhận đầu tư).
Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức 10 đoàn kiểm tra tại các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế nhà nước và Tổng công ty 91, kết quả đã được tổng hợp Báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Từ đầu năm đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra tổng thể đầu tư và các dự án đầu tư tại các Bộ, ngành, địa phương. Kết quả của các cuộc thanh tra, kiểm tra và các kiến nghị cụ thể liên quan đến từng Bộ, ngành, địa phương sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trong các Thông báo kết luận của từng cuộc thanh tra, kiểm tra cụ thể và báo cáo tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra năm 2011, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi tới các Bộ, ngành, địa phương liên quan.
4. Một số kiến nghị
Qua tổng hợp tình hình và kết quả công tác giám sát, đánh giá đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo:
(1) Đối với các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 91:
Thực hiện nghiêm việc xử lý hành vi vi phạm các Quy định về báo cáo giám sát, thẩm định đầu tư. Kiện toàn bộ máy và quy trình thực hiện công tác báo cáo giám sát, thẩm định đầu tư trong phạm vi của mình. Chỉ định các chủ đầu tư tổ chức thực hiện công tác giám sát, thẩm định, đặc biệt có đánh giá dự án đầu tư theo quy định.
(2) Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan không gửi báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư kiểm điểm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan; có giải pháp chấn chỉnh bộ máy và quy trình thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư trong phạm vi quản lý của mình; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ và nội dung báo cáo theo quy định./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 3638
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)