Để đảm bảo duy trì sản xuất cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, sành sứ, thủy tinh tại Khu công nghiệp Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đã họp với các ngành liên quan nghe và cho ý kiến về dự án hệ thống thu gom và phân phối khí từ các mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình tại lô 102-106 ở ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ, cách bờ biển Thái Bình khoảng 20km.
|
Xưởng sản xuất Nhà máy gạch men Mikado ở tỉnh Thái Bình
|
Dự án này nhằm bổ sung nguồn cung cấp khí cho các hộ tiêu thụ hiện có tại Khu công nghiệp Tiền Hải và các hộ tiêu thụ khác trong tương lai, chuẩn bị phát triển thị trường tiêu thụ khí tại miền Bắc.
Theo ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thái Bình, đây là dự án có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển công nghiệp của Thái Bình. Vì vậy tỉnh đề nghị chủ đầu tư là Tổng công ty khí thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam cùng với huyện Tiền Hải khẩn trương rà soát lại hướng tuyến đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt, cắm mốc tại nơi đã khảo sát, nhanh chóng thực hiện việc đền bù giải phóng mặt bằng, để triển khai xây dựng đường dẫn khí vào bờ theo đúng tiến độ tới tháng 9/2013 sẽ đưa khí vào bờ phục vụ các Khu công nghiệp sử dụng khí mỏ, Trung tâm điện lực Thái Bình cũng như đáp ứng nhu cầu dân sinh.
Những năm qua, nhờ có lợi thế về nguồn lao động dồi dào, đặc biệt là nguồn khí mỏ thiên nhiên cung cấp với giá ưu đãi, nên Thái Bình đã thu hút khá nhiều các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, sành, sứ và thủy tinh.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 66 doanh nghiệp tham gia sản xuất vật liệu xây dựng, sành, sứ, thủy tinh; trong đó có 39 doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, 19 doanh nghiệp sản xuất sành sứ và 8 doanh nghiệp sản xuất thủy tinh, pha lê các loại. Hầu hết các doanh nghiệp nói trên đều tập trung tại Khu công nghiệp Tiền Hải là nơi có nguồn khí mỏ thiên nhiên được đưa vào khai thác phục vụ cho việc phát điện và sản xuất công nghiệp vật liệu xây dựng tại Khu công nghiệp Tiền Hải từ năm 1981.
Nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng, sành sứ, thủy tinh sản xuất của Thái Bình có uy tín, chất lượng cả trên thị trường trong và ngoài nước, điển hình như sản phẩm sứ vệ sinh của Công ty sứ Đông Lâm, Công ty sứ Hảo Cảnh; sản phẩm thủy tinh, pha lê cao cấp của Công ty thủy tinh-pha lê Việt Tiệp; sản phẩm gạch ốp lát của Công ty cổ phần gạch ốp lát Thái Bình, Nhà máy gạch Mikado…
Tuy nhiên vài năm trở lại đây, nguồn khí mỏ Tiền Hải cung cấp cho Khu công nghiệp Tiền Hải ngày càng suy giảm về sản lượng làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại đây. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, sành sứ, thủy tinh tại Khu công nghiệp Tiền Hải đang phải đối mặt với một khó khăn rất lớn đó là thiếu hụt nghiêm trọng nguồn khí mỏ.
Năm 2010, sản lượng khí khai thác cung cấp cho doanh nghiệp ở đây chỉ đạt 6,5 triệu m3 và năm 2011 sản lượng này tiếp tục giảm, chỉ đạt khoảng 4 triệu m3 khí, trong khi nhu cầu tiêu thụ khí của các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp là rất lớn, khoảng 100 triệu m3 khí/năm.
Trước tình hình này, tỉnh Thái Bình đang tích cực tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về nhiên liệu cho các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Tiền Hải. Tỉnh đã thống nhất chọn giải pháp khả thi, mang tính lâu dài và hiệu quả kinh tế cao là xây dựng hệ thống thu gom và phân phối khí từ thềm lục địa vào bờ.
Qua thăm dò khu vực thềm lục địa vịnh Bắc Bộ tại các mỏ Hàm Rồng và mỏ Thái Bình tại các lô 102 và 106 đã phát hiện có dầu, khí và được đánh giá trữ lượng tương đối lớn, đủ để khai thác thương mại. Hiện Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam đang tích cực chỉ đạo Tổng công ty khí hoàn thiện các bước tiếp theo của dự án xây dựng “Hệ thống thu gom và phân phối khí tại mỏ Hàm Rồng và Thái Bình thuộc các lô 102 và 106” để sớm đưa khí vào bờ cung cấp cho các doanh nghiệp.
Về phía tỉnh Thái Bình đã có văn bản thống nhất vị trí tiếp bờ, tuyến đường ống, vị trí trạm xử lý, trạm phân phối làm căn cứ giúp Tổng công ty khí triển khai khảo sát chi tiết và lập dự án đầu tư. Về phía Tổng công ty khí cũng đang khẩn trương triển khai công tác khảo sát phục vụ lập dự án đầu tư phần trên đất liền thuộc địa phận huyện Tiền Hải và ngoài khơi vịnh Bắc Bộ.
Dự kiến trong năm nay, dự án sẽ được triển khai để tới tháng 9/2013 sẽ đưa khí vào bờ cung cấp cho các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Tiền Hải. Khi đó tình trạng thiếu nhiên liệu sản xuất sẽ được khắc phục triệt để, đồng thời đây còn là cơ hội tốt để tỉnh Thái Bình thu hút các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, sành sứ, thủy tinh đến hợp tác đầu tư, để từng bước đưa ngành công nghiệp này trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh trong tương lai không xa./.