Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 11/04/2012-14:40:00 PM
ADB: Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2012 ở mức 5,7%
(MPI Portal) - Sáng ngày 11/4, tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức họp báo công bố Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á và Việt Nam năm 2012 với sự tham dự của ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Dominic Mellor, Chuyên gia về Kinh tế Việt Nam của ADB cùng đại diện các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước.
Đại diện ADB chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Tùng Linh (MPI Portal)
Báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á 2012 dự báo tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ chậm lại ở mức 5,7% trong năm 2012, sau đó tăng lên 6,2% trong năm 2013. Lạm phát trung bình có thể giảm xuống mức sát dưới ngưỡng hai con số, với điều kiện các chính sách được duy trì đủ chặt chẽ, nhưng sau đó được dự báo sẽ lại tăng lên 11,5% trong năm 2013, song hành với tăng trưởng kinh tế và dự báo giá lương thực thế giới tăng cao. Như vậy, mức tăng trưởng kỳ vọng mà ADB đưa ra thấp hơn so với mục tiêu mà Chính phủ dự kiến thực trong năm nay là đạt được tăng trưởng GDP trong khoảng 6-6,5%.
Các chuyên gia ADB đều nhận định, việc duy trì thắt chặt chính sách trong cả năm 2011 thông qua Nghị quyết 11 của Chính phủ đã làm giảm lạm phát, giúp ổn định tỷ giá hối đoái, và khôi phục được phần nào lượng dự trữ ngoại tệ. Để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, Chính phủ đã nới lỏng một chút chính sách tiền tệ vào đầu năm 2012, và đưa ra tín hiệu rằng sẽ có thể nới lỏng nữa nếu như lạm phát có xu hướng giảm. Tuy nhiên lạm phát vẫn ở mức hai con số, và dự trữ ngoại tệ vẫn còn tương đối thấp so với nhập khẩu. Do đó, triển vọng phát triển ngắn hạn có thể gặp những rủi ro nếu Chính phủ hạ lãi suất quá nhanh, dẫn đến việc thị trường ngoại hối mất ổn định.
Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam. Ảnh: Tùng Linh (MPI Portal)
Phát biểu tại buổi họp báo Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam Tomoyuki Kimura đánh giá cao các kế hoạch tái cấu trúc lĩnh vực tài chính của Chính phủ Việt Nam. Theo quan điểm của ADB để đảm bảo an toàn cho ngành ngân hàng cần phải có những ưu tiên trước mắt. Yêu cầu dài hạn là xây dựng một hệ thống tài chính đa dạng và hiệu quả, có thể huy động được nguồn vốn đáp ứng cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7-8%.
Về tài khoản vãng lai, ADB dự báo năm 2012 mức thâm hụt tương đương 1,5% GDP và lên 2,2% trong năm 2013 do xuất khẩu suy giảm.

Báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, nhưng cũng đưa ra nhận xét rằng thị trường vẫn đang nhận được những tín hiệu khác nhau về các chính sách tiền tệ và tài chính, điều này đang làm giảm hiệu quả của gói chính sách ổn định kinh tế vĩ mô.

Ông Dominic Mellor, Chuyên gia về Kinh tế Việt Nam của ADB. Ảnh: Tùng Linh (MPI Portal)
Đánh giá triển vọng và thách thức nền kinh tế Việt Nam, ông Dominic Mellor, Chuyên gia về Kinh tế Việt Nam của ADB đã đưa ra những thông điệp nhằm khôi phục nền kinh tế Việt Nam như: Thực hiện kiên trì và chắc chắn Nghị Quyết 11 sẽ kiềm chế lạm phát và góp phần làm giảm lãi suất; Tăng tính minh bạch về tình hình tài chính của các doanh nghiệp nhà nước sẽ đưa ra tín hiệu rõ nét về việc chính phủ cam kết thực hiện cải cách; tích cực mở rộng cung cấp thông tin về quá trình cải cách nhằm tạo niềm tin đối với người dân cũng như nhà đầu tư; Cần phải cân bằng giữa nỗ lực hỗ trợ ngân hàng và các doanh nghiệp với nhu cầu bảo vệ giá trị tiết kiệm thực của người gửi tiền;
Theo đánh giá của ADB , tình hình của các doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của việc thắt chặt tín dụng. Vì vậy theo khuyến nghị của tổ chức này, Ngân hàng nhà nước Việt Nam cần có những biện pháp về lãi suất, nới lỏng trần lãi suất từ 14% đến 18% nhằm huy động nguồn vốn dồi dào hơn.
Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á ủng hộ các kế hoạch của Chính phủ Việt Nam trong việc tái cơ cấu lĩnh vực tài chính. Báo cáo này cũng lưu ý việc Ngân hàng Nhà nước cần chuyển dần theo hướng hệ thống giám sát dựa trên rủi ro nhằm đảm bảo được sự lành mạnh của ngành ngân hàng.
Theo nhận định của ADB, các nước đang phát triển ở châu Á đã có những thành tựu lớn trong việc nâng mức sống và giảm đói nghèo, song sự bất bình đẳng về thu nhập ngày càng lớn đang đe dọa suy giảm hiệu quả những thành tựu đó. Các nhà hoạch định chính sách của khu vực cần đảm bảo rằng lợi ích của việc tăng trưởng được chia sẻ rộng khắp. Phần lớn các nước đang phát triển ở châu Á sẽ vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng của mình trong một vài năm tới, bất chấp việc nhu cầu thế giới yếu đi. Tăng trưởng của khu vực từ mức 7,2% trong năm 2011 sẽ giảm nhẹ xuống 6,9% trong năm 2012, sau đó tăng lên 7,3% trong năm 2013./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1958
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)