Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 04/05/2012-09:00:00 AM
Đổi mới cơ chế, nâng cao hiệu quả đầu tư công
Tại Hội thảo Tái cấu trúc đầu tư công và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, diễn ra ngày 3/5, tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh cần phải đổi mới cơ chế đầu tư công để nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh, phát triển cho nền kinh tế Việt Nam.

Hội thảo Tái cấu trúc đầu tư công và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước

Một trong những bất cập của cơ chế phân bổ nguồn vốn đầu tư công hiện nay được nhiều chuyên gia chỉ rõ là ít dựa vào tín hiệu thị trường và hiệu quả, chi phối bởi cách làm hành chính - quan liêu - chủ quan và nguyên tắc “xin cho”, “chia đều”... cho hàng loạt các dự án đầu tư công nhưng lại kém hiệu quả, thất thoát lên đến 20-30%, dẫn đến tình trạng có công trình rất đắt nhưng chưa sử dụng đã hỏng...
Tuy vậy, theo đánh giá của PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cơ chế phân bổ nguồn vốn đầu tư công trong thời gian qua cũng đã phát huy tác dụng tích cực trong giai đoạn “cởi trói” thể chế. Việc phân cấp đầu tư thời gian qua đã tạo sự chủ động tích cực của các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng nhiều công trình nhưng cũng cho thấy có hiện tượng đầu tư dàn trải, lãng phí và tốn kém.
Hệ quả là nền kinh tế tăng trưởng dưới mức tiềm năng kéo dài, tiêu tốn và phung phí nguồn vốn song lại không chú ý nâng cao chất lượng tăng trưởng, chậm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại và quan trọng hơn là doanh nghiệp Việt Nam ít liên kết quốc tế nên khó gia nhập chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.
Nhận thức được vấn đề này, các cơ quan chức năng, cụ thể là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đưa ra những giải pháp, cơ chế quản lý hiệu quả hơn trong phân bổ đầu tư công.
Cụ thể, năm 2012, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị Chính phủ cho phép công bố toàn bộ số vốn cấp cho các địa phương, bộ, ngành trong năm và giao lại quyền phân bổ, lựa chọn dự án đầu tư cho Chủ tịch UBND các tỉnh và các Bộ trưởng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng trình Chính phủ xây dựng Nghị định về đầu tư phát triển trung hạn 5 năm, trước mắt là 3 năm (2013-2015). Đây là cơ chế được các tổ chức quốc tế, bộ, ngành địa phương đánh giá cao trong việc thay đổi tư duy “chạy ngân sách, chạy dự án” và thay đổi cơ chế “xin cho”.
Ngay trong năm 2012, việc phân cấp đầu tư công được chấn chỉnh theo nguyên tắc người ký quyết định đầu tư phải đảm bảo đủ vốn để công trình theo tiến độ; phân cấp nhưng phải quản lý thông qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo các tiêu chí chặt chẽ để đảm bảo dự án có đủ vốn triển khai cũng như dự án được kiểm soát./.
Huy Thắng
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1101
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)