Ngày 16/4, tại Cửa khẩu Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên (Hà Giang), lãnh đạo nhiều bộ, ngành Trung ương, Ủy ban Nhân dân các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Lào Cai; lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang và đông đảo các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã dự lễ công bố Quyết định số 125/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy - tỉnh Hà Giang đến năm 2030.
|
Cửa khẩu Thanh Thủy
|
Quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy - tỉnh Hà Giang gồm 7 xã: Thanh Thủy, Phương Tiến, Thanh Đức, Xín Chải, Lao Chải, Phong Quang (huyện Vị Xuyên) và Phương Độ (thành phố Hà Giang).
Phía Bắc Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy giáp Châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) có chiều dài đường biên giới 26km. Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy có tổng diện tích 28.781ha. Đây là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm thương mại-dịch vụ, công nghiệp-nông lâm nghiệp, tạo thành khu vực thu hút đầu tư và hội nhập quốc tế. Đây cũng là cửa ngõ giao thương quốc tế, đầu mối xuất nhập cảnh quan trọng; cầu nối giữa tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với miền Bắc (Việt Nam) và hành lang biển Đông, giữa các nước ASEAN với các nước Đông Bắc Á.
Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy có quy mô dân số đến năm 2015 khoảng 17.000-18.000 người và sẽ tăng lên 35.000-40.000 người vào năm 2030, trong đó lao động khoảng 18.000-20.000 người. Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy sẽ được xây dựng thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, phát triển du lịch; có kết cấu hạ tầng cơ sở đồng bộ, hiện đại; phát triển bền vững…
Theo quy hoạch, đến năm 2030, Khu kinh tế cửa khẩu này sẽ quy hoạch 1.600-1.800ha đất xây dựng các khu chức năng, 20.000-22.000ha đất sinh thái nông lâm nghiệp và 550-600ha đất dự trữ. Khu kinh tế này cũng là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại và có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng ; có môi trường sinh thái bền vững.
Chính phủ xác định đây là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa của tỉnh Hà Giang; là cơ hội để Hà Giang phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập kinh tế trong nước và khu vực, phấn đấu sớm thoát khỏi tình trạng của một tỉnh nghèo, đặc biệt khó khăn, kém phát triển.
Theo ông Đàm Văn Bông, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang, ngay sau lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chung khu Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, với quan điểm: “Doanh nghiệp phát tài-Hà Giang phát triển,” Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang sẽ trải “thảm đỏ” để đón tiếp các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào khu kinh tế.
Với cơ chế thông thoáng, thủ tục hành chính nhanh gọn, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy mời gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đến đầu tư xây dựng cơ bản, xuất nhập khẩu hàng hoá, đầu tư sản xuất hàng hóa nông- lâm sản, thương mại, dịch vụ...với những ưu đãi cao nhất để doanh nghiệp và nhà đầu tư làm ăn hiệu quả nhất.
Các doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, được áp dụng thuế suất ưu đãi, miễn thuế thu nhập và giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp… Hàng hóa, dịch vụ sản xuất, tiêu thụ trong khu phi thuế quan, hàng hóa dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan, hàng hóa dịch vụ từ khu phi thuế quan xuất ra nước ngoài không phải chịu thuế giá trị gia tăng.
Để Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy sớm trở thành một trọng điểm phát triển của tỉnh Hà Giang, có môi trường đầu tư thuận lợi, có sức hấp dẫn, thu hút các nguồn lực từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang sẽ đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cam kết giảm 1/3 thời gian giải quyết các thủ tục có liên quan đến các tổ chức, cá nhân đến giao dịch. Tăng cường giao lưu, hợp tác hữu nghị giữa hai tỉnh Hà Giang (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc). Đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu và kinh tế biên mậu; điều chỉnh bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách đã ban hành, tạo điều kiện thông thoáng thu hút các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế đến với Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy./.