(MPI Portal) – Chiều 26/6, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra buổi họp đánh giá tình hình thực hiện dự án quốc gia 2012 của Việt Nam. Tham dự buổi họp có bà Nguyễn Thị Thanh Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Andrew Head, Phó Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam cùng nhiều đại diện đến từ các cơ quan Bộ, ngành.
Buổi họp nhằm đánh giá hiệu quả thực hiện tổng thể các dự án vốn vay, vốn hỗ trợ không hoàn lại, và dự án hỗ trợ kỹ thuật do ADB tài trợ tại Việt Nam; xác định các vấn đề cụ thể của các dự án nảy sinh trong quá trình xử lý và thực hiện dự án; từ đó, xây dựng tiêu chí cần xem xét trong quá trình xây dựng các dự án đang trong giai đoạn 2013-2015.
|
Kiểm điểm tình hình thực hiện dự án quốc gia 2012
tại Việt Nam. Ảnh: Mai Phương (MPI Portal)
|
Tại buổi họp, ADB đánh giá cao tình hình thực hiện các dự án quốc gia 2012 của Việt Nam do ADB hỗ trợ. Trong thời gian tới, ADB sẽ tiến hành đánh giá tổng thể tình hình thực hiện các khoản vay, các khoản viện trợ không hoàn lại,hỗ trợ kỹ thuật nhằm xác định các vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai và thực hiện dự án, thống nhất với Chính phủ Việt Nam các biện pháp giải quyết nhằm cải thiện việc thực hiện các danh mục dự án đầu tư của ADB tại Việt Nam.
Theo báo cáo của ADB, tính từ năm 1993 đến năm 2012 ADB hỗ trợ Việt Nam 10,832 tỷ USD trong đó 150 triệu USD dành cho 26 dự án viện trợ không hoàn lại; 241 triệu USD dành cho 261 dự án hỗ trợ kỹ thuật; 10,441 tỷ USD dành cho 114 dự án vốn vay.
Trong giai đoạn 1993-2004, giá trị tín dụng trung bình hàng năm là 200-300 triệu USD từ các khoản vay ưu đãi của Quỹ Phát triển Châu Á. Nguồn vốn thông thường ít ưu đãi được đưa vào thử nghiệm năm 1999 và tiếp tục vào năm 2004-2005.
Nhìn chung, chương trình cho vay của ADB phù hợp kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và khung chiến lược ODA, góp phần vào mục tiêu tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Tính đến cuối tháng 3 năm 2012, danh mục dự án đang triển khai tại Việt Nam bao gồm 59 khoản vay với tổng số vốn là 7,087 tỷ USD và 47 dự án hỗ trợ kỹ thuật/viện trợ không hoàn lại là 192 triệu USD.
Tại buổi họp, các đại biểu cũng đã chỉ ra nguyên nhân chung ảnh hưởng tới tiến trình hoạt động của các dự án như do chậm trễ trong quá trình khởi động dự án; hạn chế về năng lực quản lý dự án khác nhau giữa Cơ quan chủ quản với Ban Quản lý dự án ở cấp trung ương và tỉnh, một số đơn vị chưa có kinh nghiệm đối với các dự án ODA hoặc với ADB; những khác biệt giữa các thủ tục và nguyên tắc hướng dẫn của Chính phủ và dự án ODA của Nhà tài trợ…
|
Ông Andrew Head, Phó Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam.
Ảnh: Mai Phương (MPI Portal)
|
Trong thời gian tới, cần cải thiện hiệu quả thực hiện danh mục đầu tư tiêu chuẩn vốn đối ứng cần được đáp ứng. Bởi khi vốn đối ứng thiếu và không được cung cấp kịp thời sẽ dẫn tới việc chậm trễ trong việc khởi động thực hiện dự án kéo theo nhiều hệ lụy: Phí cam kết (cho các khoản vay OCR) và lãi suất; giá cả leo thang; tăng chi phí tư vấn và quản lý dự án; lợi ích phát triển bị chậm lại; phí tái cấp vốn phát sinh; rủi ro về uy tín của cơ quan chủ quản. Theo ước tính, tổng chi phí mà Chính phủ phải chịu do khởi động dự án chậm 2 năm đối với một dự án điển hình (50 triệu USD) ít nhất là 5 triệu USD, tương đương khoảng 10% tổng chi phí dự án.
Ông Andrew Head, Phó Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam đề xuất, Chính phủ Việt Nam cần phải có những cam kết mạnh mẽ để đầu tư về nguồn nhân lực, cần có những biện pháp về dài hạn.
Ngoài ra, phải thu hẹp những khác biệt giữa quy trình của Chính phủ và những quy trình của ODA như trong quy trình đấu thầu, … Để làm được điều này cần phải có những buổi đối thoại.
Tại cuộc họp, phía ADB và các đại biểu tham dự đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra những khó khăn thách thức, đề ra phương hướng nhằm cải thiện việc triển khai thực hiện các dự án hiệu quả hơn./.
Minh Hậu
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư