Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Diệp Kỉnh Tần cho biết, Việt Nam sẵn sàng cử chuyên gia sang giúp Namibia trồng lúa để nước này có thể đáp ứng đủ lương thực và tiến tới xuất khẩu.
|
Thu hoạch lúa đông xuân ở xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, Quảng Trị
|
Tại buổi hội đàm với Bộ Nông nghiệp, Nguồn nước và Lâm nghiệp Cộng hòa Namibia diễn ra ngày 28/6 tại Hà Nội, hai bên đã nhất chí đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi và lâm nghiệp. Cụ thể là sản xuất và chế biến lúa gạo; trao đổi chuyên gia nông nghiệp; hợp tác nông nghiệp và xuất khẩu thịt bò của Namibia sang Việt Nam; đào tạo và trao đổi kỹ thuật viên nông nghiệp; hợp tác trồng cao su.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Nguồn nước và Lâm nghiệp Namibia Peter Iilonga cho biết, Việt Nam và Namibia đã có những hợp tác từ lâu và mong muốn được Việt Nam tiếp tục hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực trồng lúa và thủy sản. Đồng thời, xem xét và chỉnh sửa để ký lại Bản Ghi nhớ (MOU) hợp tác mới.
Ông Peter Iilonga cho biết, trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác ba bên với Cộng hòa Namibia và FAO, Việt Nam đã cử các chuyên gia sang Namibia giúp trong lĩnh vực nuôi thủy sản và bước đầu đã thu được những kết quả tốt.
Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cho biết, Việt Nam và châu Phi có tiềm năng to lớn trong hợp tác nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn coi trọng hợp tác với châu Phi nói chung và Namibia nói riêng. Tính đến nay, Việt Nam đã ký hơn 30 điều ước và thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, vệsinh thú y, bảo vệ thực vật và kiểm dịch thực vật với các quốc gia châu Phi nhưAngola, Mozambique, Ai Cập, Libya, Namibia, Sudan, Sierra Leone.
Mặc dù cả Việt Nam và nhiều quốc gia châu Phi mong muốn đẩy mạnh hợp tác, song quy mô quan hệ song phương hiện này hiện chưa đáp ứng được với nhu cầu và tiềm năng của mỗi nước.
Bên cạnh hợp tác song phương, Việt Nam và một số quốc gia châu Phi còn triển khai các dự án hợp tác ba bên và hợp tác Nam-Nam. Với sáng kiến của FAO và Cộng hòa Pháp về chương trình an ninh lương thực đặc biệt cho những nước thiếu lương thực và có thu nhập thấp trong khuôn khổ Hợp tác Nam-Nam; sự hợp tác về chuyên gia nông nghiệp giữa Việt Nam và một số nước châu Phi đã được thiết lập và phát triển với nội dung giúp nông dân châu Phi xây dựng các mô hình trồng lúa, chuyển giao và hướng dẫn kỹ thuật chọn con giống, trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa... và tìm nguồn kinh phí hỗ trợ của nước thứ ba.
Theo ông Diệp Kỉnh Tần, từ năm 1996 - thời điểm Việt Nam ký Hiệp định hợp tác Nam-Nam đầu tiên với Senegal đến nay, Việt Nam đã ký được tám chương trình hợp tác với các nước như Senegal, Madagascar, Guinea, Mali và các chương trình nàyđều đã mang lại đạt hiệu quả tốt, đặc biệt trong sản xuất lúa gạo tại châu Phi./.