Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đã tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh tại Brussels, nhằm tìm cách hàn gắn những bất đồng về thương mại đang ngày càng gia tăng giữa hai bên và tìm kiếm lập trường chung về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực đồng euro.
|
Từ trái sang, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso tại cuộc gặp
|
Theo một quan chức cấp cao EU yêu cầu giấu tên, cuộc gặp giữa Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuen Barroso sẽ không đưa ra những quyết định lớn mà chỉ tập trung vào việc củng cố quan hệ giữa hai đối tác thương mại lớn này.
Quan chức này nhấn mạnh hai bên sẽ không để những căng thẳng nổi lên mới đây ảnh hưởng đến không khí cuộc gặp, do EU cần một Trung Quốc thành công và Trung Quốc cũng cần một EU thành công.
Kim ngạch thương mại giữa EU và Trung Quốc lên đến 428 tỷ euro năm 2011. Các công ty Trung Quốc đầu tư ngày càng nhiều vào EU và Bắc Kinh là nhà đầu tư lớn đối với trái phiếu chính phủ của các nước thành viên Khu vực đồng euro.
Tuy nhiên, tranh chấp thương mại giữa hai bên vẫn không ngừng xảy ra. Mới đây, EU cáo buộc Trung Quốc bán phá giá pin Mặt Trời và các phụ kiện kèm theo trên thị trường EU khiến Bắc Kinh tức giận.
Nhà kinh tế Trương Vĩnh Quân (Zhang Yongjun) làm việc tại một công ty tư vấn cho Chính phủ Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh không gắn việc mua trái phiếu chính phủ với các tranh chấp thương mại, song hai vấn đề này "liên quan đến các mối quan hệ song phương" và "không thể tách rời nhau".
Hồi tháng Ba, EU cùng với Mỹ và Nhật Bản từng kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về vấn đề Bắc Kinh ấn định hạn nghạch xuất khẩu đất hiếm.
Tân Hoa xã ngày 20/9 đăng bài bình luận nhan đề "Quan hệ Trung Quốc - EU mạnh hơn có lợi cho cả hai bên," cho rằng mối quan hệ đối tác giữa Trung Quốc và EU chặt chẽ và mạnh mẽ hơn sẽ hỗ trợ rất lớn cho EU thoát khỏi khủng hoảng nợ công, đồng thời củng cố cho nỗ lực của cả thế giới đẩy mạnh phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Là một trong những đối tác thương mại chủ chốt của EU, Trung Quốc nhận thức đầy đủ rằng trong một thế giới toàn cầu hóa kinh tế, giải quyết vấn đề nợ công không phải là công việc của riêng EU.
Trung Quốc sẽ tiếp tục giữ một vai trò tích cực hỗ trợ EU thông qua việc tăng đóng góp cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), mua trái phiếu châu Âu và tăng đầu tư vào liên minh này.
Bài báo cũng khẳng định rằng EU vừa là nhà cung cấp công nghệ chủ yếu cho Trung Quốc, vừa là nguồn đầu tư nước ngoài quan trọng ở nước này./.