Bộ tài chính Nhật Bản ngày 20/9 cho biết so với tháng 8/2011, xuất khẩu của Nhật Bản giảm 5,8% trong tháng 8/2012, tháng thứ ba giảm liên tiếp, do nhu cầu của Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc yếu đi.
Nhập khẩu trong cùng thời gian này giảm 5,4% - mức giảm mạnh nhất kể tháng 12/2009 - nhờ giá dầu mỏ dịu lại.
Theo đó, thâm hụt thương mại của nước này ở mức 754,1 tỷ yen (9,6 tỷ USD), thấp hơn đáng kể so với mức dự báo trung bình 829,3 tỷ yen theo cuộc điều tra do Bloomberg News tiến hành.
Căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc xung quanh vấn đề chủ quyền hòn đảo, mà Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, là một mối đe dọa đối với thương mại hàng hóa song phương.
Kim ngạch thương thương mại hàng hóa giữa hai nước đã tăng gấp hơn ba lần trong thập niên qua lên trên 340 tỷ USD.
Đồng yen mạnh lên cũng sẽ gây bất lợi cho xuất khẩu của Nhật Bản, ngay cả sau khi Ngân hàng trung ương nước này ngày 19/9 bất ngờ công bố quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ, thông qua việc mở rộng quy mô chương trình mua tài sản từ 70.000 tỷ yen lên 80.000 tỷ yen và duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục 0-0,1%.
Đồng nội tệ của Nhật Bản đã tăng khoảng 7% so với USD từ giữa tháng 3/2012 tới nay.
Nhà kinh tế chủ chốt Yoshimasa Maruyama thuộc Itochu Corp. ở Tokyo nhận định xuất khẩu của nước này đang trong xu hướng đi xuống vào thời điểm kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại. Tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Nhật Bản và Trung Quốc cũng là rủi ro đáng kể.
Thâm hụt thương mại của Nhật Bản với EU trong tháng 8/2012 đã ở mức kỷ lục 96 tỷ yen, do xuất khẩu sang khối này giảm tới 22,9% so với cùng kỳ năm 2011.
Trong khi đó, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 9,9% trong tháng giảm thứ ba liên tiếp.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), Masaaki Shirakawa, ngày 19/9 nói rằng sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc là chủ đề chính trong cuộc họp chính sách của BoJ.
Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong cùng thời gian này tăng 10,3% trong tháng thứ 10 liên tiếp. Nhu cầu tiêu dùng hồi phục là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang phục hồi. Thể trạng kinh tế Mỹ tương đối tốt hơn so với châu Âu và các khu vực khác.
Giới phân tích nhận định việc Nhật Bản bị thâm hụt thương mại chín tháng trong vòng 12 tháng trở lại đây cho thấy nền kinh tế này ngày càng phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu.
Trong cuộc họp ngày 19/9, BoJ đã hạ mức đánh giá kinh tế nước nhà, với nhận định tăng trưởng kinh tế chững lại, trong khi các nền kinh tế nước ngoài tiến sâu hơn vào giai đoạn giảm tốc.
Suisse Group AG và BNP Paribas dự báo kinh tế Nhật Bản giảm trong quý này, sau khi tăng chậm lại mức 0,7% trong quý trước./.