(MPI Portal) – Nhằm định hướng cho việc hoàn thiện luật pháp, chính sách hỗ trợ phát triển tổ hợp tác, tập chung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm những vấn đề chủ yếu liên quan đến phát triển tổ hợp tác, chiều ngày 27/6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển tổ hợp tác ở Việt Nam” dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông.
|
Thứ trưởng Đặng Huy Đông phát biểu khai mạc Hội thảo.
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Đặng Huy Đông ghi nhận sự hỗ trợ tích cực của Tổ chức CARE quốc tế, góp phần phát triển các loại hình tổ nhóm hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau thông qua các chương trình/dự án. Thứ trưởng cho biết bình quân trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm có khoảng 30.000 tổ hợp tác xã mới được thành lập, thu hút trên 3,5 triệu người lao động, góp phần rõ nét trong việc hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của các hộ thành viên, tạo việc làm và tăng thu nhập cho một bộ phận lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
Trong thời gian qua, số lượng hợp tác tăng nhanh và tổ hợp tác trở nên phổ biết ở nhiều địa phương, nhất là các tỉnh Nam bộ. Năm 2000, cả nước mới chỉ có xấp xỉ 150.000 tổ hợp tác, nhưng đến nay con số này đã tăng tới 300.000 tổ. Trong số các tổ hợp tác hiện nay, có khoảng 90.000 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, 70.000 tổ trong các ngành nghề phi nông nghiệp và hơn 150.000 tổ trong lĩnh vực dịch vụ và tín dụng.
Trước sự phát triển mạnh mẽ, hoạt động thực tiễn của các tổ hợp tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam đều nhận thấy mặc dù có rất nhiều mô hình tổ hợp tác thành công ở nhiều nơi, song hoạt động của tổ hợp tác hiện còn đang gặp nhiều khó khăn. Thành công và thất bại của các tổ hợp tác do những nguyên nhân rất đa dạng và phong phú, trong đó, có những nguyên nhân liên quan đến bản thân các tổ hợp tác (như năng lực của tổ hợp tác), có những nguyên nhân liên quan đến môi trường chính sách hỗ trợ hoạt động của tổ hợp tác (như tổ hợp tác chưa có tư cách pháp nhân).
|
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Hội thảo cũng là dịp chia sẻ những bài học kinh nghiệm thành công và chưa thành công của tổ hợp tác, các tổ chức hỗ trợ tổ hợp tác và những nhà hoạch định, thực thi chính sách nhằm tìm biện pháp giải quyết khó khăn, thách thức và thúc đẩy sự phát triển tổ hợp tác.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe đại diện của Tổ chức CARE quốc tế chia sẻ mô hinh tổ hợp tác của dự án “Các tổ chức cộng đồng cùng phát triển kinh tế hợp tác trong xóa đói giảm nghèo tại Điện Biên (SIEED)” do Ủy ban châu Âu và Tổ chức CARE Đan Mạch đồng tài trợ trong giai đoạn 2008 - 2012 có tổng trị giá 988.529 EURO, được triển khai tại 15 xã của 3 huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông và Tủa Chùa thuộc tỉnh Điện Biên. Mục tiêucủa dự án là giúp: "Nông dân nghèo trong 15 xã của tỉnh Điện Biên được hưởng lợi một cách công bằng từ việc thị trường hoá các sản phẩm địa phương trên qui mô vùng, qui mô quốc gia và từ các hệ thống sản suất nông/lâm nghiệp bền vững"; "Trung tâm phát triển cộng đồng, hội Phụ Nữ và hội Nông dân được nâng cao năng lực để hỗ trợ các nhóm cộng đồng và tăng tiếp cận với thị trường". Với mô hình nhân giống Gà đen huyện Tủa Chùa, không những mở ra bước phát triển kinh tế mới trong ngành chăn nuôi gà của huyện, giúp đồng bào người dân tộc thiểu số thay đổi nhận thức về chăn nuôi mà còn giúp bà con tiếp cận với kinh tế thị trường và làm giàu chính đáng từ chính sản phẩmchăn nuôi của mình.
|
Bà Vũ Thị Thu Hương, đại diện Liên minh hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Với kinh nghiệm từ việc hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác thông qua dự án “Phụ nữ Thái Nguyên phát triển kinh tế hợp tác (ECCODE)” được triển khai từ tháng 5/2010 tại Định Hóa, Thái Nguyên, đại diện của Liên minh hợp tác xã Thái Nguyên cho biết, với mục tiêu góp phần giảm nghèo cho người dân nông thôn. Cụ thể là 12.000 người dân nghèo, bao gồm nữ và nam giới ở 8 xã của huyện Định Hoá nâng cao mức thu nhập và tác động vào quá trình ra các quyết định về kinh tế, thông qua việc tham gia vào các tổ hợp tác. Dự án được thành lập nhiều tổ nhóm phát triển kinh tế, các tổ nhóm được tập huấn kỹ thuật, được hỗ trợ một phần nguyên liệu đầu vào như con giống, cây giống, phân bón… và tiếp tục được giới thiệu, kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ đầu vào và đầu ra cho sản phẩm. Một trong những thế mạnh của dự án là mảng nâng cao năng lực, đặc biệt là việc xây dựng được một mạng lưới giảng viên nông dân. Như vậy, có thể thấy được hiệu quả của Dự án ECCODE mang lại, không những giúp bà con nông dân có thêm kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống kinh tế, nhân rộng mô hình, mà còn tạo nên được đội ngũ những giảng viên nông dân để trực tiếp giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất sau khi dự án kết thúc.
Hội thảo cũng đã nhận được những bài tham luận từ các chuyên gia quốc tế, Trung tâm hỗ trợ nông dân nông thôn – Hội Nông dân Việt Nam… Các đại biểu tham dự Hội thảo nhất trí đưa ra một số khuyến nghị cho từng vấn đề cụ thể nhằm hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển kinh tế hợp tác, để có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân phát triển kinh tế hợp tác, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh./.
Đức Trung
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư