Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 12/01/2012-14:12:00 PM
Ngân hàng Phát triển châu Á tổ chức Hội thảo tham vấn về Chiến lược Đối tác Quốc gia giai đoạn 2012 - 2015
(MPI Portal) – Ngày 12/01/2012, Hội thảo tham vấn của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) về Chiến lược Đối tác Quốc gia giai đoạn 2012 - 2015 đã diễn ra tại Hà Nội. Chủ trì Hội thảo có ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh, bà Yumiko Tamura, Trưởng Ban Chương trình ADB tại Việt Nam cùng các lãnh đạo của các Bộ, ngành và đại diện các chuyên gia trong và ngoài nước.
Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn
(MPI Portal)
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng thường trực Cao Viết Sinh hoan nghênh ADB đã tổ chức Hội thảo tham vấn về Chiến lược Đối tác Quốc gia giai đoạn 2012 - 2015, Thứ trưởng Cao Viết Sinh cho biết hiện nay ADB là đối tác chiến lược đứng thứ ba trong các đối tác quốc tế về cam kết vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) hàng năm cho Việt Nam. ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020, giải quyết những thách thức của một nước thu nhập trung bình, giải quyết tình trạng mất ổn định kinh tế vĩ mô hướng đến tăng trưởng ổn định, bền vững và toàn diện. Với mục tiêu là tăng trưởng toàn diện, bền vững và ổn định đặc biệt là khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và môi trường, tái cơ cấu nền kinh tế chủ yếu là đầu tư và tập trung chủ yếu là đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp như tài chính, ngân hàng và cải cách thể chế chính sách.
Bà Yumiko Tamura, Trưởng ban Chương trình ADB tại Việt Nam trình bày Báo cáo Chiến lược Đối tác quốc gia của ADB giai đoạn 2012 – 2015. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
Báo cáo Chiến lược Đối tác quốc gia của ADB giai đoạn 2012 - 2015 đối với Việt Nam do bà Yumiko Tamura, Trưởng ban Chương trình ADB tại Việt Nam trình bày tại Hội thảo, Chiến lược Đối tác quốc gia giai đoạn 2012 - 2015 hoàn toàn phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015, chiến lược 2020 của ADB về các định hướng và những ưu tiên hoạt động, được xây dựng dựa trên tham vấn với Chính phủ, các đối tác phát triển và các bên liên quan khác. Trong đó, các ưu tiên hỗ trợ đầu tư cho tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo, quản lý tài nguyên bền vững, tăng cường năng lực và hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, phát triển của một ngành tài chính đa dạng, tính cạnh tranh và có khả năng chịu đựng tốt hơn, hỗ trợ về kỹ thuật và các khoản đầu tư có mục tiêu củangành y tế, giáo dục, cải cách doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua sự kết hợp giữa các khoản vay chương trình và hỗ trợ kỹ thuật tăng cường hỗ trợ cho hợp tác và hội nhập khu vực. Dự định chiến lược này sẽ được phê chuẩn vào quý 2 năm 2012. Dự kiến các nguồn vốn dự kiến giai đoạn 2012 - 2014 của ADB vào khoảng 400 triệu USD/mỗi năm đối với quỹ ADF (vốn ưu đãi), khoảng 943 triệu USD/mỗi năm đối với vốn vay OCR (vốn kém ưu đãi hơn)…
Qua các đánh giá về các ngành như: nông nghiệp, tài nguyên và môi trường nhu cầu đối với nguyên liệu và các sản phẩm giá trị gia tăng cao hơn là rất lớn. Việt Nam chuyển thành nước có thu nhập trung bình sẽ làm tăng nhu cầu nội địa đối với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn và đa dạng hơn, vậy nên các nhà hoạch định chính sách cũng nhận thức rằng các vấn đề tài nguyên và môi trường chưa được quan tâm đầy đủ. Về ngành năng lượng việc mở rộng khả năng phát điện, chuyển tải và phân phối theo cách bền vững về kinh tế và môi trường để đáp ứng nhu cầu điện tăng nhanh là ưu tiên của Chính phủ, ADB sẽ tập trung hỗ trợ vào chuyển tải, là một trong những thế mạnh. Tiếp đó là vấn đề tài chính: trong 5 năm tới, Chính phủ có những nỗ lực đồng bộ để phát triển thị trường tiền tệ ngắn hạn và làm sâu hơn nữa thị trường trái phiếu Chính phủ. Liên quan đến vấn đề y tế: dành ưu tiên cao cho việc cải thiện các dịch vụ cho người nghèo, kế hoạch 2011-2015 đặc biệt kêu gọi cải thiện chăm sóc sức khỏe trong việc phòng bệnh và sức khỏe sinh sản, nâng cấp các cơ sở y tế cho người thiểu số và các vùng sâu vùng xa cải thiện khả năng tiếp cận tài chính, nâng cao năng lực quản trị và điều hành, vì vậy vai trò của ADB khu vực y tế với sự tham gia có chọn lọc, có tính chiến lược hơn và hướng tới năng lực nhiều hơn cho đến khi tiến hành rà soát ngành năm 2013…
Hội thảo tham vấn về Chiến lược Đối tác Quốc gia giai đoạn 20122015. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
Tại Hội thảo, các ý kiến của đại diện các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương cũng nêu lên một số câu hỏi cũng như thực trạng, kiến nghị, đề xuất việc tài trợ nguồn vốn ưu đãi cho các dự án trong thời gian qua và quy trình tiếp nhận các nguồn vốn này.
Bên cạnh đó, Hội thảo đều nhất trí cao với nội dung Chiến lược Đối tác quốc gia giai đoạn 2012-2015 đồng thời đưa ra những kiến nghị ADB quan tâm hơn nữa đến yếu tố đặc thù của từng địa phương, khu vực để có những chương trình chính sách tài trợ phù hợp đem lại hiệu quả cao, tăng cường hỗ trợ đầu tư trong liên kết vùng, miền, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đổi mới cơ chế giải ngân, tăng cường phân cấp, phân quyền để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cũng như hoạt động giám sát các dự án.
Kết thúc Hội thảo, ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc ADB tại Việt Nam ghi nhận và tiếp thu những ý kiến đóng góp từ các địa phương của Việt Nam trên cơ sở đó sẽ có những nghiên cứu, bổ sung để Chiến lược phù hợp hơn đáp ứng nhu cầu phát triển của Việt Nam. Đồng thời, ADB cũng mong muốn các Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam có sự hợp tác tích cực để các bước tiếp theo trong Chiến lược đối tác quốc gia được triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả tốt hơn./.
Mai Phương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1217
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)