Ngày 12/1, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cho biết thể chế tài chính này chưa có kế hoạch thay đổi mức lãi suất 1% hiện tại nhằm tạo thêm các bước tiến mới trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Cuộc họp hàng tháng bàn về tỷ lệ lãi suất giữa 23 thành viên hội đồng quản trị của ECB vừa diễn ra sau hai tháng liên tiếp quyết định hạ 0,25 điểm phần trăm nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khối 17 quốc gia này. Tỷ lệ tái cấp vốn cơ bản của ECB cũng đứng ở mức thấp kỷ lục 1,0%.
Trong khi đó, sau cuộc họp diễn ra cùng ngày, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cũng tuyên bố sẽ giữ nguyên mức lãi suất cơ bản, hiện đang ở mức thấp kỷ lục.
Hầu hết các nhà phân tích cho rằng ECB sẽ duy trì mức lãi suất hiện tại ít nhất trong một tháng, mặc dù cũng có một vài lời đồn đoán rằng ngân hàng này sẽ bất ngờ cắt giảm lãi suất trong thời gian tới. Nhiều nhà kinh tế cho rằng nhiều khả năng Eurozone sẽ rơi vào một cuộc suy thoái nhẹ, bắt đầu từ 3 tháng cuối năm 2011. Việc cắt giảm lãi suất có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khu vực này bằng cách hạ thấp chi phí đi vay đối với các doanh nghiệp.
Nếu nền kinh tế eurozone bị sụt giảm, các nước thành viên đang ngập trong nợ nần như Italy sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc giảm mức nợ công và huy động sự giúp đỡ từ các nền kinh tế mạnh hơn như Đức và Pháp.
Giới phân tích đang đặt câu hỏi rằng liệu lãi suất 1% đã phải là mức đáy đối với ECB hay chưa, hay là ngân hàng này sẽ phải nối gót Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng của Anh (BoE) để tiếp tục hạ mức lãi suất xuống gần bằng 0%. Mức lãi suất cơ bản của FED hiện là 0,25% và của BoE là 0,5%.
Trong khi đó, ECB đang thực hiện chương trình mua trái phiếu chính phủ của các nước đang gặp khó khăn. Động thái này nhằm giảm lãi suất trái phiếu cho Italy và Tây Ban Nha. Theo ECB, quy mô của chương trình này còn giới hạn, song có thể giúp các nước đang phải vật lộn với khủng hoảng nợ công giảm bớt thâm hụt ngân sách cũng như cải thiện tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho rằng có thể ECB buộc phải mua lượng lớn trái phiếu để ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ của một số nền kinh tế châu Âu như Italy- tâm điểm hiện tại của cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone./.