Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 03/07/2012-09:15:00 AM
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Có dư địa cho các giải pháp kích thích tăng trưởng
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, với mức tăng CPI thấp, chúng ta có dư địa để triển khai các giải pháp kích thích tăng trưởng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh:Việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đạt được kết quả rõ nét

Tổng cục Thống kê vừa công bố các số liệu cho thấy bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế tháng 6 và 6 tháng qua. Trong đó, có những chỉ tiêu quan trọng tuy còn ở mức thấp nhưng có dấu hiệu hồi phục, đi lên.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đánh giá, việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đạt được kết quả rõ nét.
Lạm phát được kiềm chế, biểu hiệu cụ thể là tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI), đã giảm khá nhanh trong mấy tháng qua, ở mức âm 0,26% trong tháng 6 và tính theo năm chỉ còn 6,9%, thấp chưa bằng một phần ba mức đỉnh điểm vào tháng 8/2011. Đây là lần đầu tiên CPI giảm sau 38 tháng.
Khi lạm phát được kiềm chế, không tránh khỏi hiệu ứng phụ là sản xuất kinh doanh, thị trường gặp khó khăn. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong quý II tăng trưởng 4,66%, quý I là 4%. Và có người đã băn khoăn đến dấu hiệu giảm phát.
Thừa nhận đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm nhưng Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định: “Không nên quá lo lắng về điều này”. Mặc dù tăng trưởng kinh tế ở mức thấp nhưng đã có dấu hiệu hồi phục. Tăng trưởng GDP quý II cao hơn quý I.
Chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/6/2012 của ngành công nghiệp chế biến tuy vẫn ở mức cao (tăng 26% so với cùng thời điểm năm trước), nhưng đã có xu hướng tích cực trong vài tháng gần đây. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số tồn kho tháng 3 là 34,9%; tháng 4 là 32,1%; tháng 5 là 29,4% và tháng 6 là 26%.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong 6 tháng tăng 4,5%, dù thấp hơn tốc độ tăng của 6 tháng đầu năm 2011, nhưng cũng có chuyển biến theo hướng tích cực qua từng tháng. Cụ thể, chỉ số sản xuất tháng 3 năm nay tăng 6,5%; tháng 4 tăng 7,5%; tháng 5 tăng 6,8% và tháng 6 tăng 8%.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, mức tăng GDP 4,66% trong quý II còn khoảng cách xa so với mục tiêu 6 – 6,5% của cả năm 2012. “Để đạt mục tiêu này sẽ rất khó khăn”, Bộ trưởng nói và cho rằng, sẽ cố gắng đạt mức tăng trưởng gần nhất mốc 6%.
Với diễn biến lạm phát hiện nay, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, sẽ tạo một dư địa chính sách để kích thích sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, mở rộng việc cho vay. Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm thuận lợi để tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn như xây dựng, nâng cấp kênh mương, tập trung cho ngành hàng sử dụng nhiều lao động, công nghiệp phụ trợ…
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, vẫn phải quan tâm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bên cạnh đó quan tâm tạo công ăn việc làm, chăm lo an sinh xã hội.
Trước tình hình kinh tế - xã hội thời gian qua, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, chưa thể khẳng định là nền kinh tế đã giảm phát và chúng ta còn nhiều cơ hội để đẩy mạnh tăng trưởng.
Theo TS. Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo KT-XH quốc gia, CPI giảm sẽ tạo một dư địa chính sách để Chính phủ có điều kiện để giảm lãi suất huy động và cho vay, đồng thời, có điều kiện áp dụng các chính sách và các giải pháp cơ bản khác như đẩy mạnh xây dựng cơ bản, giải ngân ODA và có điều kiện để làm giảm bớt sự đình trệ của thị trường bất động sản và các thị trường khác.
TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM cho rằng, trước tình hình này, các doanh nghiệp cần sẵn sàng chuẩn bị cho chu kỳ tới, khi khó khăn qua đi sẽ có nguồn lực tốt để tăng tốc phát triển. Doanh nghiệp cần nghiêm túc đánh giá lại năng lực của mình như sử dụng nhân lực, nguồn vốn có hợp lý hay không, sản phẩm đã phù hợp với thị trường chưa…, từ đó đưa ra chiến lược phù hợp với thời điểm hiện tại.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Ngân hàng JP Morgan Chase (Mỹ) cho rằng việc lạm phát của Việt Nam hạ nhiệt là dấu hiệu tích cực và sẽ mang lại cho Việt Nam 2 lợi ích lớn: trước hết, lạm phát thấp là dấu hiệu tốt cho ổn định kinh tế vĩ mô, cán cân thanh toán cũng như tạo cơ hội để Việt Nam tiếp tục cải thiện dự trữ ngoại hối. Cùng với đó, CPI tăng chậm cũng giúp Chính phủ Việt Nam có dư địa chính sách lớn hơn để nới lỏng chính sách tiền tệ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế./.
Đức Nguyễn
Cổng thông tin điện tử Chính phủ

    Tổng số lượt xem: 1261
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)