(MPI Portal) - Sáng ngày 29/6, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê đã tổ chức buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2012. Ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chủ trì buổi họp báo.
|
Ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống Kê chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm tuy đạt mức thấp nhưng đã có những chuyển biến tích cực.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2012 ước tính tăng 4,38% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó quý I tăng 4,00%; quý II tăng 4,66%. Trong mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,81%, đóng góp 0,48 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,81%, đóng góp 1,55 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 5,57%, đóng góp 2,35 điểm phần trăm.
Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay đạt mức thấp do nhiều ngành, lĩnh vực gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhưng kết quả tăng thấp. Tuy nhiên, từ quý II nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt đối với khu vực công nghiệp và xây dựng: Giá trị tăng thêm của khu vực này quý I năm nay chỉ tăng 2,94% so với cùng kỳ năm trước, sang quý II đã tăng lên 4,52%, trong đó công nghiệp tăng từ 4,03% lên 5,40%.
Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 6 tháng đầu năm theo giá so sánh 1994 ước tính đạt 110,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Nông nghiệp đạt 79,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,0%; lâm nghiệp đạt 3,8 nghìn tỷ đồng, tăng 5,7% và thuỷ sản đạt 26,9 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8%.
Sản xuất công nghiệp trong những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn về vốn và thị trường tiêu thụ sản phẩm.Bên cạnh đó, năng lực quản trị của nhiều doanh nghiệp còn yếu, khả năng cạnh tranh thấp cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến hiệu quả sản xuất của các doanh nghiệp bị sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 6 tăng 2% so với tháng trước và tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2011. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng năm nay thấp hơn nhiều mức tăng 9,7% của cùng kỳ năm 2011 và mức tăng 8,9% của cùng kỳ năm 2010.
Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp các tháng của quý II năm nay bước đầu có chuyển biến theo hướng tích cực. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất tháng 3 năm nay tăng 6,5%; tháng 4 tăng 7,5%; tháng 5 tăng 6,8% và tháng 6 tăng 8%.
Tình trạng tồn kho vẫn diễn ra ở nhiều ngành, đặc biệt là sản xuất giấy nhăn và bao bì tăng 130%; sản xuất xe có động cơ tăng 116,7%; chế biến và bảo quản rau quả tăng 113,3%; sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 78,7%;....
Về hoạt động xây dựng, giá trị sản xuất xây dựng 6 tháng đầu năm theo giá hiện hành ước tính đạt 283,3 nghìn tỷ đồng, bao gồm: Khu vực Nhà nước đạt 42,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 15%; khu vực ngoài Nhà nước 232 nghìn tỷ đồng, chiếm 81,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 8,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,1%. Giá trị sản xuất xây dựng 6 tháng đầu năm chia theo loại công trình như sau: Công trình nhà ở đạt 120,9 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2011; công trình nhà không để ở đạt 41,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3%; công trình kỹ thuật dân dụng đạt 92,3 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2%; hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 28,8 nghìn tỷ đồng, tăng 4,1%.
Theo kết quả điều tra chọn mẫu 9331 doanh nghiệp trên cả nước về thực trạng và tình hình khó khăn của khu vực doanh nghiệp, từ thời điểm 01/01/2011 đến 01/4/2012, số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động chiếm 91,6%; số doanh nghiệp phá sản, giải thể và doanh nghiệp ngừng sản xuất kinh doanh, đang hoàn thành thủ tục phá sản, giải thể (gọi chung là doanh nghiệp phá sản, giải thể) chiếm 8,4%, trong đó số doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục phá sản, giải thể chiếm 4,1%; số doanh nghiệp ngừng sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp chờ hoàn thành thủ tục phá sản, giải thể chiếm 4,3%. Tổng số doanh nghiệp tính đến thời điểm 01/01/2012 trên phạm vi cả nước tồn tại về mặt pháp lý là 541.103 doanh nghiệp, nếu loại trừ 92.710 doanh nghiệp không thể xác minh được, thì tổng số doanh nghiệp của toàn bộ nền kinh tế là 448.393 doanh nghiệp.
Về hoạt động dịch vụ,tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 giảm 0,5% so với tháng trước và tăng 14,7%so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1137,4 nghìn tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 6,5%. Trong tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng, kinh doanh thương nghiệp đạt 880,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,4% tổng mức và tăng 18,9%; khách sạn nhà hàng đạt 132,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,7% và tăng 20,2%; dịch vụ đạt 112,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,9% và tăng 22,3%; du lịch đạt 11,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 1% và tăng 26,6%.
Vận tải hành khách 6 tháng đầu năm nay ước tính đạt 1657,4 triệu lượt khách, tăng 13% và 68,1 tỷ lượt khách.km, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2011.
Vận tải hàng hóa 6 tháng đầu năm ước tính đạt 433,6 triệu tấn, tăng 10,1% và 92 tỷ tấn.km, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước.
Số thuê bao điện thoại phát triển mới 6 tháng đầu năm ước tính đạt 5498,9 nghìn thuê bao, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2011.
Số thuê bao internet trên cả nước tính đến cuối tháng 6/2012 ước tính đạt 4,4 triệu thuê bao, tăng 26,5% so với cùng thời điểm năm trước.
Khách quốc tế đến nước ta trong 6 tháng đầu năm ước tính đạt 3363,4 nghìn lượt người, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước.
Mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát đã có những dấu hiệu khả quan
Về đầu tư phát triển, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm nay theo giá hiện hành ước tính đạt 431,7 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước và bằng 34,5% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước 158,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 36,8% tổng vốn và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước 163 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,7% và tăng 18,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 110 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,5%và tăng4,2%.
Trong tổng vốn đăng ký của đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành 6 tháng đầu năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4021 triệu USD, bao gồm: 2939,2 triệu USD của 193 dự án cấp phép mới và 1081,8 triệu USD vốn tăng thêm; ngành kinh doanh bất động sản đạt 1578 triệu USD, bao gồm: 1201,6 triệu USD của 04 dự án cấp phép mới và 376,4 triệu USD vốn tăng thêm.
Cả nước có 41tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp phép mới trong 6 tháng đầu năm, trong đó Bình Dương có số vốn đăng ký lớn nhất với 1437,2 triệu USD, chiếm 30,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hải Phòng 875,1 triệu USD, chiếm 18,4%; Đồng Nai 631,5 triệu USD, chiếm 13,3%; Quảng Ninh 390,4 triệu USD, chiếm 8,2%; thành phố Hồ Chí Minh 213,2 triệu USD, chiếm 4,5%; Ninh Bình 186,6 triệu USD, chiếm 3,9%; Khánh Hòa 180,3 triệu USD, chiếm 3,8%.
Trong số 40 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp phép mới vào Việt Nam 6 tháng đầu năm, Nhật Bản tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất với 3536,6 triệu USD, chiếm 74,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Đặc khu hành chính Hồng Công (TQ) 406,7 triệu USD, chiếm 8,5%; Hàn Quốc 272,9 triệu USD, chiếm 5,7%; Xin-ga-po 146,7 triệu USD, chiếm 3,1%; Hà Lan 106,1 triệu USD, chiếm 2,2%.
Về thu, chi ngân sách Nhà nước, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/6/2012 ước tính đạt 316,8 nghìn tỷ đồng, bằng 42,8% dự toán năm, trong đó thu nội địa 203,2 nghìn tỷ đồng, bằng 41,1%; thu từ dầu thô 52,3 nghìn tỷ đồng, bằng 60,1%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 58,9 nghìn tỷ đồng, bằng 38,3%. Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/6/2012 ước tính đạt 376,8 nghìn tỷ đồng, bằng 41,7% dự toán năm.
Về xuất, nhập khẩu hàng hóa, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 6 ước tính đạt 9,8 tỷ USD, tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2011. Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 53,1 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 20,5 tỷ USD, tăng 4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 32,6 tỷ USD, chiếm 61,5% tổng kim ngạch (Cùng kỳ năm 2011 chiếm 54,7%) và tăng 37,3%.
Cơ cấu kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay có sự thay đổi so với cùng kỳ năm trước: Nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản tăng từ 38,4% lên 45,4%; nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp giảm từ 38,7% xuống 33,8%; nhóm hàng nông, lâm sản giảm từ 16,9% xuống 15,4%; nhóm hàng thủy sản giảm từ 6% xuống 5,4%.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu của nước ta trong 6 tháng đầu năm, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt 9,3 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2011. Tiếp đến là EU đạt 9,1 tỷ USD, tăng 22,4%; ASEAN đạt 7,7 tỷ USD, tăng 22,8%; Nhật Bản đạt 6,4 tỷ USD, tăng 42,3% ; Trung Quốc đạt 6,3 tỷ USD, tăng 31,9%; Hàn Quốc đạt 2,5 tỷ USD, tăng 9,7% với hàng dệt may tăng 26%, hải sản tăng 19%.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 6 ước tính đạt 9,9 tỷ USD, giảm 3,2% so với tháng trước và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 53,8 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2011 (Mức tăng thấp nhất kể từ sau năm 2009 là năm suy giảm kinh tế).
Cơ cấu hàng nhập khẩu 6 tháng đầu năm cũng có sự thay đổi so với cùng kỳ năm trước: Tỷ trọng nhóm máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng từ 27,8% trong 6 tháng đầu năm 2011 lên 32,9% trong 6 tháng đầu năm 2012; nhóm hàng nguyên, nhiên vật liệu giảm từ 64,8% xuống 60,6%; nhóm hàng tiêu dùng giảm từ 7,4% xuống 6,5%.
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm, Trung Quốc là thị trường lớn nhất với kim ngạch nhập khẩu đạt 13,2 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2011; tiếp đến là ASEAN đạt 10,4 tỷ USD, xấp xỉ cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc đạt 7,2 tỷ USD, tăng 18,1%; Nhật Bản đạt 5,3 tỷ USD, tăng 12,7%; EU đạt 3,8 tỷ USD, tăng 6%; Hoa Kỳ đạt 2,4 tỷ USD, tăng 10,9%.
Nhập siêu tháng 6 ước tính đạt 150 triệu USD, bằng 1,5% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Nhập siêu 6 tháng đầu năm 2012 ước tính 685triệu USD, bằng 1,3% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu (Nhập siêu cùng kỳ năm trước là 6,7 tỷ USD, bằng 15,7% kim ngạch xuất khẩu), là mức nhập siêu thấp nhất trong nhiều năm qua.
Về giá, chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm biến động theo hướng tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2012đã giảm 0,26% so với tháng trước và 3 tháng liên tiếp trước đó chỉ tăng thấp ở mức dưới 0,2% theo hướng mức tăng giảm dần. Đây là tháng đầu tiên CPI giảm sau 38 tháng tăng liên tục.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2012 tăng 2,52% so với tháng 12/2011; tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2011. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2012 tăng 12,2% so với bình quân cùng kỳ năm 2011.
Chỉ số giá vàng tháng 6/2012 giảm 2,03% so với tháng trước; giảm 7,51% so với tháng 12/2011 và tăng 9,12% so với cùng kỳ năm 2011. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 6/2012 tăng 0,2% so với tháng trước; giảm 0,8% so với tháng 12/2011 và tăng 1,18% so với cùng kỳ năm 2011.
Chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2012 tăng 14,03% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng công nghiệp tăng 13,41% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất tăng 13,78% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá cước vận tải tăng 16,13% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm tăng 0,48% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm tăng 3,21% so với cùng kỳ năm trước.
Đời sống an sinh xã hội được quan tâm đẩy mạnh
Về lao động, việc làm, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi 6 tháng đầu năm 2012 là 2,29%, trong đó khu vực thành thị là 3,62%, khu vực nông thôn là 1,65%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi 6 tháng đầu năm 2012 là 3,06%, trong đó khu vực thành thị là 1,92%, khu vực nông thôn là 3,60%.
Về đời sống dân cư, an sinh xã hội, được sự quan tâm của Chính phủ cùng với việc thực hiện tốt các chính sách an sinh, xã hội của các cấp, các ngành, các địa phương nên nhìn chung đời sống đại bộ phận dân cư tương đối ổn định.
Về giáo dục, đào tạo,tính đến hết tháng 6/2012, cả nước có 59/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2011-2012 được tổ chức đúng kế hoạch.
Tính đến năm 2012, cả nước có 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có mạng lưới đào tạo đại học và cao đẳng, trong đó 48tỉnh, thành phố có đào tạo đại học. Năm học 2011-2012, cả nước có 419 trường đại học và cao đẳng, tăng 5 trường so với năm học trước, bao gồm 337 trường công lập và 82 trường ngoài công lập.Công tác đào tạo nghề thường xuyên được quan tâm đầu tư mở rộng.
Về tình hình dịch bệnh, trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 23,2 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó 11 trường hợp tử vong; 238 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút, có 2 trường hợp tử vong; 57,9 nghìn trường hợp mắc bệnh chân tay miệng, trong đó 29 trường hợp tử vong; hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân tính từ 19/4/2011 đến 13/6/2012 có 216 trường hợp mắc, 12 trường hợp tử vong tại 5 xã của huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Trong tháng 6 đã phát hiện thêm 1,2 nghìn trường hợp nhiễm HIV, nâng tổng số người nhiễm HIV trong cả nước tính đến giữa tháng 6/2012 lên 256,4 nghìn người.
Riêng trong tháng 6 trên địa bàn cả nước đã xảy ra 17 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng làm 423 người bị ngộ độc, 310 người phải nhập viện và 3 trường hợp tử vong. Tính từ đầu năm, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 58 vụ ngộ độc thực phẩm với 1901 người mắc, trong đó 14 trường hợp tử vong.
Về hoạt động văn hóa, thể thao,hoạt động văn hóa thông tin 6 tháng đầu năm tập trung chủ yếu vào công tác thông tin, tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị và tổ chức các ngày lễ lớn của dân tộc. Công tác tổ chức và quản lý lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, tránh được tình trạng ách tắc giao thông và bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Ý thức thực hiện nếp sống văn minh của người dân khi tham gia lễ hội cũng có nhiều tiến bộ.
Công tác thanh tra, kiểm tra văn hóa tại các địa phương tiếp tục được tăng cường.
Hoạt động thể dục thể thao quần chúng 6 tháng đầu năm diễn ra sôi nổi với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thu hút hàng nghìn người tham gia.
Trong thể thao thành tích cao, ngành Thể dục thể thao đã đạt những thành tích đáng kể tại các kỳ đại hội thể thao khu vực và quốc tế.
Về tình hình tai nạn giao thông,trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 4740 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4732 người và làm bị thương 4017 người. So với cùng kỳ năm 2011, số vụ tai nạn giao thông giảm 20,5%; số người chết giảm 19,3% và số người bị thương giảm 22,6%.
Về thiệt hại do thiên tai gây ra, trong 6 tháng đầu năm, thiên tai xảy ra liên tiếp gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản cho các địa phương. Theo báo cáo sơ bộ, thiên tai đã làm 75 người chết và mất tích; 147 người bị thương; hơn 1 nghìn ngôi nhà bị sập đổ và trên 26 nghìn ngôi nhà bị sạt lở, tốc mái; gần 73 nghìn ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hỏng, trong đó 10,4 nghìn ha mất trắng. Theo báo cáo sơ bộ, tổng số tiền mặt cứu trợ các địa phương bị ảnh hưởng thiên tai trong sáu tháng đầu năm là hơn 2,2 tỷ đồng.
Về tình hình cháy, nổ và bảo vệ môi trường,công tác phòng cháy, chữa cháy tuy được các địa phương và các ngành chức năng quan tâm nhưng các vụ cháy nổ vẫn xảy ra ở một số địa phương và diễn biến phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 889 vụ cháy, nổ nghiêm trọng, làm 34 người chết, 69 người bị thương, thiệt hại khoảng 446 tỷ đồng. Riêng tháng 6 đã xảy ra 198 vụ cháy, nổ, làm 7 người chết, 15 người bị thương với giá trị thiệt hại trên 35 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng đã phát hiện 1,6 nghìn vụ vi phạm quy định về vệ sinh môi trường tại 38 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó 1,1 nghìn vụbị xử lý với tổng số tiền phạt gần 20 tỷ đồng.
Kinh tế-xã hội nước ta 6 tháng đầu năm 2012 tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đã có những tác động tích cực, bước đầu đạt được một số kết quả: Lạm phát được kiềm chế thể hiện ở mức tăng chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng giảm dần. Nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng về lượng, đặc biệt là nông sản. Các dự án, công trình trọng điểm và ưu tiên được đẩy nhanh tiến độ. Đời sống dân cư tiếp tục được quan tâm kịp thời. Tuy nhiên, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến. Trong điều kiện cạnh tranh khắc nghiệt cả trong và ngoài nước, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa bị phá sản hoặc có nguy cơ phá sản cao. Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng trong nước giảm nên lượng hàng tồn kho ở mức cao. Giá nhiều loại hàng nông sản xuất khẩu trên thị trường thế giới có xu hướng giảm. Do đó, nhiệm vụ quan trọng ưu tiên hàng đầu hiện nay là tiếp tục và đẩy nhanh tiến độ thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Trong thời gian tới, các ngành các cấp và các địa phương cần tập trung vào một số việc trọng tâm sau đây:
Một là, tiếp tụcđiều hànhchính sách tiền tệ linh hoạt và hiệu quả, tạo điều kiện hỗ trợ thực sự cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua cơ chế phù hợp và được cải thiện hơn về lãi suất vay cũng như điều kiện thủ tục để được vay vốn.
Hai là, thực hiện kiểm toán chặt chẽ các doanh nghiệp, ngăn chặn hoạt động chuyển giá, hạch toán làm tăng chi phí sản xuất; xác định đúng và đầy đủ nợ xấu của doanh nghiệp.
Ba là, để giảm lượng hàng tồn kho hiện nay, các doanh nghiệp cần tính toán giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, giảm giá bán sản phẩm; đồng thời tập trung hỗ trợ nhà phân phối trong phát triển thị trường tiêu thụ, đưa hàng hóa về nông thôn và có nhiều biện pháp kích cầu để đẩy mạnh sức mua.
Bốn là, đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, cần tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế để giữ ổn định kim ngạch ngay cả trong điều kiện giá cả thế giới biến động bất lợi.
Năm là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội./.
Phương Linh
Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư