Ngày 9/5 tại Hà Nội, Bộ Tài chính phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức triển khai thực hiện thí điểm hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nước ngoài mua hàng hóa tại Việt Nam mang theo khi xuất cảnh qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Theo Bộ Tài chính, những khách nước ngoài khi mua hàng tại Việt Nam sẽ được hoàn lại 85% số tiền thuế giá trị gia tăng mà khách nước ngoài phải chịu khi mua hàng hóa tại Việt Nam. Số tiền (15%) còn lại là phí hoàn thuế ngân hàng thương mại được hưởng khi thực hiện dịch vụ thanh toán. Thời gian thí điểm hoàn thuế giá trị gia tăng sẽ áp dụng từ 1/7/2012 đến hết ngày 30/6 năm 2014.
Bà Lỗ Thị Nhụ, Cục trưởng Cục quản lý thuế Xuất nhập khẩu, Tổng Cục Hải quan cho biết, chính sách thí điểm hoàn thuế giá trị gia tăng sẽ góp phần phát triển du lịch và các ngành kinh tế khác, trong đó có xuất khẩu hàng hóa, quảng bá văn hóa dân tộc, nên làm sao phải thuận tiện nhất cho khách nước ngoài để nâng cao hình ảnh quốc gia...
Vì vậy, bà Lỗ Thị Nhụ nhấn mạnh, phải hoàn thiện chính sách thuế giá trị gia tăng, cách thức hoàn thuế phải phù hợp với thông lệ quốc tế. Thủ tục hoàn thuế phải đơn giản, rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, xác định rõ quyền, nghĩa vụ của người nước ngoài, trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quản lý thuế, doanh nghiệp bán hàng thí điểm, những ngân hàng thương mại là đại lý thí điểm, kho bạc nhà nước...
Theo quy định, người nước ngoài thuộc đối tượng hoàn thuế là người có hộ chiếu nước ngoài cấp còn giá trị, mua hàng hóa tại Việt Nam và mang theo hàng hóa đó qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất; Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có Giấy tờ nhập xuất cảnh do nước ngoài cấp còn giá trị, mua hàng hóa tại Việt Nam và mang theo hàng hóa đó qua cửa khẩu tại hai sân bay quốc tế này.
Hàng hóa thuộc đối tượng hoàn thuế là những hàng hóa không thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu; Danh mục hàng hóa xuất khẩu theo giấy phép của Bộ Công Thương hoặc Danh mục hàng hóa xuất khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành theo quy định của Chính phủ...
Theo ông Phạm Gia Túc, Phó Chủ tịch VCCI, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng quy định nay từ khá lâu bởi những lợi ích mà nó sẽ mang lại. Lợi ích đầu tiên chúng ta có thể thấy đó là việc thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, qua đó thu hút khách du lịch vào Việt Nam . Còn đối với các doanh nghiệp khi tham gia bán hàng thí điểm hoàn thuế giá trị gia tăng sẽ có cơ hội tăng doanh thu do sẽ bán được nhiều hàng hóa cho khách du lịch nước ngoài, có cơ hội quảng bá, giới thiệu rộng rãi hàng hóa của doanh nghiệp mình ra các nước...
Điều kiện để doanh nghiệp được chọn tham gia thí điểm bán hàng hoàn thuế giá trị gia tăng là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động tho quy định của pháp luật Việt Nam, kinh doanh các mặt hàng được hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định. Các doanh nghiệp có một trong các địa điểm sau đây tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hoặc các trung tâm làng nghề thủ công mỹ nghệ trong điểm đến của các tuyến lữ hành du lịch: trụ sở chính của doanh nghiệp; chi nhánh, cửa hàng của doanh nghiệp; địa điểm đặt đại lý bán hàng cho doanh nghiệp.
Nhiều đại biểu đề nghị Tổng Cục Thuế và Tổng Cục Hải quan, xây dựng trang thông tin để cung cấp cho các trung tâm du lịch lữ hành quốc tế danh sách các doanh nghiệp, cửa hàng đã đăng ký tham gia thực hiện bán hàng miễn thuế giá trị gia tăng nhằm thông tin kịp thời cho khách nước ngoài để tránh những tiêu cực xảy ra.
Tại buổi tọa đàm, một số ý kiến của doanh nghiệp cho rằng, nên có những quy định thống nhất giữa các cửa hàng bán hàng miễn thuế giá trị gia tăng để khách du lịch nước ngoài có thể nhận diện dễ hàng, thí dụ như lôgô, mẫu biểu, biểu hiệu...
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, Hà Nội có 83 doanh nghiệp và Thành phố Hồ Chí Minh có 71 doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia bán hàng thí điểm hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách nước ngoài./.