Trong những nghiên cứu mới nhất, giới chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng những nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể giúp thế giới tránh được những cú sốc do giá gạo tăng.
|
Xếp những bao gạo Thái Lan tại nhà máy ở Bangkok
|
Theo đó, ASEAN có thể nới lỏng các hạn chế xuất khẩu cũng như ưu tiên tự cấp lương thực, xem xét lại chương trình cam kết đảm bảo giá gạo cho nông dân của Thái Lan và mở rộng các chính sách phối hợp về gạo với Ấn Độ và Pakistan.
Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia ngày 30/8, trong thông cáo báo chí của ADB, chuyên gia Lourdes Adriano phụ trách mảng nông nghiệp, an ninh lương thực và phát triển nông thôn thuộc bộ phận phát triển bền vững khu vực của ngân hàng này đánh giá, cho đến nay, thị trường lúa gạo khu vực đang được tổ chức sản xuất ổn định, năng suất hiện tại cho thấy giá gạo tổng thể sẽ vẫn ổn định.
Điều này có ý nghĩa tích cực trong bối cảnh xuất hiện nhiều quan ngại về thị trường ngô, lúa mỳ và đậu tương toàn cầu. Do đó, để tăng cường khả năng chống đỡ và đảm bảo giá gạo không vượt khỏi tầm với của người nghèo, các nhà hoạch định chính sách phải suy nghĩ và phối hợp hành động chung mang tầm khu vực.
Thực tế, trong năm 2007-2008, giá gạo khu vực và thế giới đã tăng đột biến một phần là do chính sách hạn chế xuất khẩu và thái độ lo lắng của những nước nhập khẩu.
Một nghiên mới đây do Hội đồng Dự trữ An ninh lương thực ASEAN (thuộc Ban Thư ký ASEAN) và ADB phối hợp tiến hành chỉ rõ những biện pháp hạn chế thương mại trong khu vực lúc đó đã đẩy giá gạo toàn cầu tăng 149%.
Thái Lan - nước phấn đấu trở lại vị trí là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, nhưng do chương trình cam kết đảm bảo nông dân nhận bán nông sản cao hơn giá thị trường đã dẫn đến sự suy giảm liên tục doanh thu từ xuất khẩu gạo từ năm 2011.
Tính đến cuối tháng Năm vừa qua, sản lượng xuất khẩu mặt hàng lương thực chủ chốt này của Thái Lan giảm 43,1%, còn 2,86 triệu tấn.
Mặt khác, việc gạo tăng giá trên thị trường quốc tế gần đây, trong đó có gạo của Việt Nam, là do các thương nhân Thái Lan mua gạo Việt Nam qua biên giới Campuchia-Thái Lan để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu của họ. Đối với các thương lái người Thái, thu mua gạo thông qua tuyến đường này vẫn rẻ hơn so với thu mua gạo giá cao ở trong nước.
ADB đánh giá Campuchia, Lào và Myanmar là những quốc gia có tiềm năng sản xuất tốt do có nguồn tài nguyên đất và nước dồi dào. Tuy nhiên, ba nước này cần những nguồn đầu tư cho giao thông vận tải, hạ tầng thị trường, nghiên cứu và phát triển để đạt công suất lớn hơn, với việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cũng như cải tiến sản xuất và nâng cao chất lượng xay xát.
Đối với Ấn Độ, trong trường hợp nước quay lại áp dụng lệnh cấm xuất khẩu vì lý do thiên tai, thị trường gạo toàn cầu sẽ nhanh chóng trở nên khó khăn.
Theo ADB, với các điều kiện thời tiết và vĩ mô bình thường, tổng sản lượng gạo của các nước ASEAN dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 1,37%/năm, từ mức 110,5 triệu tấn năm 2010-2011 lên 128,3 triệu tấn năm 2021-2022. Diện tích canh tác cho thu hoạch sẽ tăng 0,15% và đạt gần 47 triệu hécta vào năm 2022.
Ngoài những thị trường khác, ASEAN còn cung cấp gạo cho các nước châu Phi. Trong năm 2011, Thái Lan và Việt Nam cung cấp hơn một nửa tổng lượng gạo nhập khẩu của châu lục này./.