Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 22/03/2012-17:28:00 PM
Thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế

(MPI Portal) – Với mục tiêu trao đổi và thảo luận về các vấn đề cốt lõi để thu hút thành công các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) Nhật Bản vào đầu tư tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) và khu kinh tế (KKT) nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, ngày 22/3, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) phối hợp cùng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế”.
Tới dự Hội thảo có Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cùng nhiều đại biểu từ các Bộ, Ngành Trung ương, các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các KCN, KKT một số tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, đại diện một số Công ty phát triển hạ tầng KCN, các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản, các cơ quan nghiên cứu, đại diện các doanh nghiệp của Nhật Bản tại Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí.
Trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam từ năm 2011 đến năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã đặt trọng tâm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ là một trong các nhiệm vụ quan trọng nhất để sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Thu hút số lượng lớn các doanh nghiệp sản xuất SME Nhật Bản vào Việt Nam sẽ đem lại nhiều lợi ích cho ngành công nghiệp của hai nước. Mong muốn về một điểm đến đầu tư của các nhà đầu tư Nhật Bản được đánh giá là tương đối cao, đặc biệt với các SMEs. Khi nguồn lực không quá nhiều, SMEs Nhật Bản thường tìm kiếm địa điểm đầu tư có thể cung cấp nhiều dịch vụ hỗ trợ, đảm bảo giúp họ kinh doanh thuận lợi nhất, đặc biệt trong giai đoạn đầu tiên. Do đó, việc tìm hiểu nhu cầu và thiết kế một hệ thống dịch vụ hỗ trợ họ là cần thiết để Việt Nam nói chung và các công ty phát triển hạ tầng, các KCN có thể đảm bảo thu hút được đúng đối tượng, nhằm phát triển công nghiệp Việt Nam bền vững trên nền tảng công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
Để biến mối quan tâm chung thành hoạt động đầu tư thực tế, Việt Nam và Nhật Bản không chỉ dừng lại ở các cuộc thảo luận chung mà cần học hỏi lẫn nhau và chuẩn bị cho các hành động cụ thể ở cấp tác nghiệp: Chia sẻ và trao đổi thông tin thường xuyên giữa các chuyên gia và các cấp liên quan đến đầu tư giữa hai nước; Kết nối với các tổ chức hỗ trợ Nhật Bản (METI, chính quyền địa phương, Cục SME, Phòng Thương Mại và Công Nghiệp, Đại Sứ Quán, JETRO, JICA, vv...); Đưa ra các ý tưởng mới nhằm thu hút các doanh nghiệp SMEs Nhật Bản; Nâng cấp các khu công nghiệp địa phương để có thể tiếp nhận đầu tư của Nhật Bản; Nâng cao năng lực quy hoạch và đầu tư của các tỉnh tiếp nhận đầu tư; Xây dựng cơ sở hạ tầng hiệu quả...
Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện nay vẫn còn một khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực trong đó bất cập lớn nhất nằm ở khung chính sách, năng lực công nghiệp trong nước và quản lý nhà nước về công nghiệp hỗ trợ.
Các kết quả điều tra, khảo sát cho thấy công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tuy mới đang ở giai đoạn đầu phát triển nhưng đã gặp nhiều khó khăn, thử thách: khung pháp lý chưa đầy đủ, năng lực doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, thiếu nguồn nhân lực công nghiệp chất lượng cao, chưa có chính sách hỗ trợ, ưu đãi dành cho công nghiệp hỗ trợ và chưa có cơ quan chuyên trách về công nghiệp hỗ trợ.
Những bất cập của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là (i) chưa có khung chính sách đồng bộ. Văn bản pháp lý duy nhất là Quy hoạch được phê duyệt năm 2007 và Quyết định về Chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ chưa đưa ra được những giải pháp cụ thể, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành; chính sách ưu đãi và cơ chế tài chính chưa rõ ràng và cũng chưa có chính sách thu hút FDI vào công nghiệp hỗ trợ; (ii) năng lực của các doanh nghiệp trong nước và nguồn lao động kỹ thuật còn hạn chế; và (iii) thiếu cơ chế phối hợp giữa các bên có liên quan trong việc triển khai đồng bộ các hoạt động thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.
GS.TS. Nguyễn Văn Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cùng tham gia chủ trì hội thảo. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
Tuy nhiên, các giải pháp do Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đề ra bao trùm được mọi vấn đề liên quan nhưng hầu hết vẫn chưa triển khai thực hiện do chưa có kế hoạch hành động cụ thể. Để xây dựng thành công chiến lược thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ, trước hết Việt Nam cần có nhận thức đúng đắn về công nghiệp hỗ trợ, từ đó chỉ định một cơ quan đầu mối, giám sát, chịu trách nhiệm chính về công nghiệp hỗ trợ, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, nâng cao năng lực công nghiệp trong nước và đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ. Các giải pháp này cần được triển khai đồng bộ, trên cơ sở phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các Bộ, ngành và cơ quan liên quan, tận dụng tối đa cơ hội học hỏi, hợp tác với nước ngoài. Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi sự tập trung nguồn lực và một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài, cung cấp nguồn lực cho phát triển công nghiệp trong nước chính là sự phát triển của các KCN, KCX tập trung.
Tuy nhiên, các giải pháp do Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đề ra bao trùm được mọi vấn đề liên quan nhưng hầu hết vẫn chưa triển khai thực hiện do chưa có kế hoạch hành động cụ thể. Để xây dựng thành công chiến lược thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ, trước hết Việt Nam cần có nhận thức đúng đắn về công nghiệp hỗ trợ, từ đó chỉ định một cơ quan đầu mối, giám sát, chịu trách nhiệm chính về công nghiệp hỗ trợ, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, nâng cao năng lực công nghiệp trong nước và đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ. Các giải pháp này cần được triển khai đồng bộ, trên cơ sở phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các Bộ, ngành và cơ quan liên quan, tận dụng tối đa cơ hội học hỏi, hợp tác với nước ngoài. Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi sự tập trung nguồn lực và một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài, cung cấp nguồn lực cho phát triển công nghiệp trong nước chính là sự phát triển của các KCN, KCX tập trung.
Phát triển KCN, KCX là định hướng chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Về chủ trương phát triển KCN, KCX, Nghị quyết Đại hội Đảng VIII (năm 1996)xác định: “Hình thành các khu công nghiệp tập trung (bao gồm cả khu chế xuất và khu công nghệ cao), tạo địa bàn thuận lợi cho việc xây dựng các cơ sở công nghiệp mới“. Nghị quyết Đại hội Đảng XI năm 2011 nhấn mạnh:“Bố trí hợp lý công nghiệp trên các vùng; phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp hiện có và đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hình thức cụm, nhóm sản phẩm, tạo thành các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao”.Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020” đã chỉ rõ định hướng phát triển hạ tầng KCN, KKT: “Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng KCN, KKT. Không lấy đất lúa để xây dựng các KCN mới. Đến năm 2015, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở và các hạ tầng xã hội thiết yếu như nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, cơ sở khám chữa bệnh… cho lao động các KCN. Đến năm 2020, hoàn chỉnh các công trình kết cấu hạ tầng trong các KCN, KKT, đặc biệt là các công trình hạ tầng xã hội và xử lý nước thải, rác thải”.
Hai mươi năm qua, các KCN, KCX đã được kiến tạo và phát triển, đạt được những kết quả tích cực, đóng góp đáng kể cho công cuộc phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Có thể kể tới các kết quả như:
(1) Đã hình thành hệ thống các KCN, KCX dựa trên cơ sở chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; chiến lược, quy hoạch, ngành địa phương và vùng lãnh thổ: đến hết 2011, cả nước đã có 283 KCN được thành lập trên 58 tỉnh, thành phố với tổng diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê gần 46.000 ha.
(2) Các KCN, KCX đã huy động được lượng vốn đầu tư lớn của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước: Tính đến 12/2011, các KCN, KCX đã thu hút được hơn 4.100 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 59,6 tỷ USD, tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 27 tỷ USD, bằng 45% tổng vốn đầu tư đăng ký. Hàng năm vốn FDI vào KCN, KCX chiếm từ 35-40% tổng vốn đăng ký tăng thêm của cả nước; riêng lĩnh vực công nghiệp chiếm gần 80%.
(3) Đã tạo ra một hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ, có giá trị lâu dài, góp phần hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng trên cả nước: đến hết 2011, tổng vốn đăng ký đầu tư kết cấu hạ tầng các KCN vào khoảng 9,5 tỷ USD, trong đó 31 KCN do doanh nghiệp FDI làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2 tỷ USD, 180 KCN đã đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng đăng ký là 5,3 tỷ USD, vốn thực hiện đạt gần 3,2 tỷ USD.
(4) KCN, KCX có đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng ngành sản xuất công nghiệp, nâng cao giá trị xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương và cả nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa: Tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu của KCN, KCX so với cả nước tăng hàng năm, đến năm 2011 đạt tỷ trọng tương ứng là 32% và 25%.
(5) Việc đưa và KCN, KCX vào hoạt động đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao thu nhập, đời sống và trình độ của người lao động: các KCN, KCX đã giải quyết việc làm cho hơn 1,7 triệu lao động trực tiếp.
(6) Góp phần tích cực vào bảo vệ môi trường sinh thái: KCN, KCX tạo điều kiện thuận lợi để xử lý tập trung các chất thải. Nhận thức của các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp về bảo vệ môi trường đã được cải thiện. Đến hết 2011, 65% tổng số KCN đã vận hành có nhà máy xử lý nước thải tập trung.
Theo tài liệu của Cục quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản, ngành công nghiệp chế tạo của Nhật Bản hiện có khoảng 220.000 công ty,trong đó mới chỉ có 2,7% số công ty này đầu tư ra nước ngoài. Đây là một tiềm năng vô cùng to lớn để Việt Nam vận động thu hút đầu tư công nghiệp hỗ trợ từ Nhật Bản.
Với nghiên cứu điển hình về tiềm năng và nhu cầu của các Doanh nghiệp vừa và nhỏ ở tỉnh Osaka và quận Otta, các Doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản có xu hướng lựa chọn quốc gia để đầu tư là dựa trên sự gợi ý của nhóm khách hàng chính và dựa vào các điều kiện thuận lợi về vận chuyển, mức độ cạnh tranh, giá cả và mức độ thân thiện và thuận lợi do các quốc gia đem lại. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng trở nên quan trọng trong việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn khi các doanh nghiệp lớn thường đòi hỏi các điều kiện khắt khe hơn khi đầu tư bao gồm: chi phí nhân công phải rẻ hơn, cơ sở hạ tầng phải tốt hơn với chi phí thấp hơn; chính sách thuế thấp hơn; chính sách khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài hấp dẫn hơn. Các doanh nghiệp lớn sẽ có xu hướng rút lui đầu tư khi tỷ lệ thu nội địa gia tăng do sức ép về chi phí và tiến độ. Do vậy, mạng lưới các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ giúp cho các doanh nghiệp lớn hoạt động tốt hơn, tránh tình trạng phải rút lui. Ngược lại, các doanh nghiệp lớn lại tạo ra cơ hội thu hút nhiều hơn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Như vậy, cả hai loại hình doanh nghiệp đều quan trọng và cần thiết đối với sự phát triển của các nước kêu gọi vốn đầu tư như Việt Nam.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI), tính tới 15/12/2011, đã có 13.664 dự án có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, vốn đến từ 94 quốc gia và vùng lãnh thổ. Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản là những quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất ở Việt Nam với số dự án (và số vốn đăng ký) đầu tư lần lượt là 990 dự án (24.037,75 triệu USD); 3112 dự án (23.960,53 triệu USD) và 1669 dự án (23.595,36 triệu USD). Trong đó, Nhật Bản được xếp là quốc gia đứng thứ ba về lượng vốn đăng ký. Tuy nhiên, tới hết tháng 2/2012, vẫn là 3 quốc gia đó, nhưng thứ tự về số vốn đầu tư đăng ký và số vốn điều lệ đã thay đổi. Nhật Bản đã trở thành quốc gia đứng đầu về số vốn đầu tư vào Việt Nam với số dự án tăng thêm là 23 dự án, tổng số vốn đầu tư là 1,2 tỷ USD, nâng tổng số dự án lên 1692 dự án và số vốn đăng ký trên 24,7 tỷ USD.
Điều lưu ý hàng đầu đối với các địa phương muốn thu hút SMEs từ Nhật Bản chính là: Các nhà đầu tư là người đưa ra quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư chứ không phải Chính phủ Nhật Bản. Nhà đầu tư Nhật Bản có những suy nghĩ và mối quan tâm rất đặc thù. Với các SMEs Nhật Bản, họ quan tâm tới những vấn đề cơ bản như: (1) Cơ sở vật chất. (2) Sự bảo đảm an toàn cho đầu tư bằng sự hiện diện của một yếu tố Nhật Bản (con người, doanh nghiệp hoặc đơn giản là chuyên gia nói tiếng Nhật). (3) Dịch vụ sau đầu tư, giúp hoạt động kinh doanh hiệu quả. (4) Điện liên tục và ổn định. (5) Nguồn lao động đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. (6) Những ưu đãi về thuế. (7) Khoảng cách tới các trung tâm vận chuyển logistic. (8) Giá và điều kiện thanh toán.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
Theo gợi ý của các nhà tư vấn Nhật Bản: “Nhà đầu tư Nhật Bản rất thận trọng nhưng nghiêm túc, có thể xem họ là nhà đầu tư khó tính. Vì thế, cần có những giải pháp thích hợp để đáp ứng, chẳng hạn như chuẩn bị sẵn sàng về mặt bằng, nhà xưởng, hạ tầng điện, nước, viễn thông… chứ không chỉ đơn thuần là ưu đãi thuế…”. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các SMEs Nhật Bản khi tìm kiếm địa điểm đầu tư ở Việt Nam, họ bao giờ cũng định hướng vào các KCN. Họ thường không đủ khả năng tài chính mua quyền sử dụng đất xây dựng cơ sở sản xuất, chính vì vậy các KCN được coi là lựa chọn phù hợp.Tuy nhiên, với họ, các KCN của Việt Nam vẫn còn thiếu đồng bộ và thiếu các giải pháp hợp lý về cơ sở hạ tầng và các dịch vụ kèm theo để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp của Nhật nói riêng.
Những yêu cầu trên, so với điều kiện các KCN ở Việt Nam hiện nay, cho thấy, có những vấn đề mà SMEs Nhật Bản quan tâm nhưng dường như Việt Nam còn chưa đặt trọng tâm, đó chính là một hạ tầng công nghiệp với đầy đủ cơ sở vật chất đi kèm tiện nghi và xây dựng các nhà xưởng quy mô nhỏ dễ sử dụng... Yêu cầu của các SMEs Nhật Bản là việc xây dựng các KCN cần hướng theo tiêu chí "KCN không chỉ là KCN mà còn phải kết hợp nó thành khu đô thị". Thực tế cho thấy, nhiều KCN chỉ tập trung vào xây KCN thôi mà không chú ý xây khu đô thị xung quanh. Tất nhiên cũng phải khẳng định rằng, với mong muốn thu hút được vốn đầu tư chất lượng từ Nhật Bản, đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào KCN bắt đầu có hoạt động xây dựng hạ tầng liên quan khu đô thị xung quanh.Đây cần được xem là xu hướng tất yếu trong tương lai.
Việc quan tâm tới nhu cầu của các SMEs và tạo điều kiện cho các SMEs Nhật Bản vào đầu tư tại các KCN, KCX nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ chính là cơ sở cho phát triển công nghiệp bền vững, làm chủ nguồn cung và từ đó, đảm bảo mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Sự thành công của các doanh nghiệp đó vừa là cơ hội, vừa là kênh truyền thông hiệu quả nâng tầm Việt Nam trên trường quốc tế nhờ phát triển công nghiệp và phát triển bền vững./.
Minh Hậu
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2341
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)