(MPI Portal) - Trong khuôn khổ của Phiên họp lần thứ 9 Diễn đàn Kinh tế và Tài chính Việt –Pháp, sáng ngày 20/03, các đại biểu đã có phiên thảo luận xoay quanh chủ đề “Phát triển bền vững vùng ven các đô thị tại Việt Nam”.
|
Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh và ông Christian Jacob, nguyên Bộ trưởng, nghị sĩ Quốc hội Pháp đồng chủ trì buổi thảo luận. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cùng ông Christian Jacob, nguyên Bộ trưởng, nghị sĩ Quốc hội Pháp đồng chủ trì buổi thảo luận.
Đô thị hóa và quy hoạch đô thị là hai mặt của một vấn đề. Quy hoạch đô thị được thực hiện như một công cụ nhằm mục đích định hướng và kiểm soát quá trình đô thị hóa trong tương lai theo những mục tiêu định trước. Tuy nhiên, do phải chịu sự chi phối của nhiều yếu tố kinh tế-xã hội và chính trị, quá trình này trên thực tế diễn ra hết sức phức tạp và khó dự báo trước. Lịch sử phát triển đô thị của Hà Nội cho thấy công tác quy hoạch luôn được coi trọng và đi trước một bước trong xây dựng và mở rộng đô thị. Quy hoạch đô thị nói chung và quy hoạch mạng lưới giao thông nói riêng luôn đóng một vai trò quyết định trong việc định hướng quá trình đô thị hóa và mở rộng không gian đô thị. Tuy nhiên không phải lúc nào tất cả những định hướng mà các bản quy hoạch tổng thể định ra đều được thực hiện một cách đầy đủ trên thực tế do rất nhiều các nguyên nhân khác nhau. Ths.KTS Ngô Trung Hải, Viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn (VIAP) đã trình bày quy hoạch chung xây dựng Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050. Trong đó, định hướng phát triển không gian toàn thành phố theo mô hình chùm đô thị (đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái); mở rộng đô thị tập trung, đồng bộ; phát triển đồng đều các khu vực; đồng thời phát triển hành lang xanh. Ông cũng nêu ra một số thách thức và tác động đến quá trình đô thị hóa của Hà Nội trong tương lai.
Quá trình đổi mới của Việt Nam đã có những tác động nhất định vào cấu trúc không gian đô thị. Mô hình kinh tế thị trường với sự tham gia tích cực hơn của khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài, sự hình thành và phát triển của nhà ở thương mại…đã trực tiếp làm thay đổi cấu trúc không gian đô thị, phá vỡ mô hình nhà ở tiểu khu gắn liền với khu công nghiệp và những hạn chế kìm hãm phát triển đô thị trong quá khứ. Bài phân tích tác động của đổi mới vào cấu trúc không gian đô thị của TS. Nguyễn Quang, Trưởng Đại diện UN Habitat tại Việt Nam nhấn mạnh tới bốn vấn đề liên quan đến cấu trúc không gian đô thị: Sự đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư; Xác định quyền sử dụng đất như là một loại hàng hóa; Thương mại hóa lĩnh vực xây dựng nhà ở; Di sản của phương pháp quy hoạch tổng thể cũ. Cũng thông qua nghiên cứu này, TS Nguyễn Quang đã đưa ra những khuyến nghị cơ bản cho các lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, sử dụng đất và nhà ở với những mục tiêu cơ bản là hoàn thiện cơ chế thị trường cạnh tranh bình đẳng và minh bạch, giảm thiểu những can thiệp mang tính tùy tiện của nhà nước trong quản lý và quy hoạch, tạo điều kiện cho sự tham gia tích cực của khu vực kinh tế tư nhân, cộng đồng và người dân trong quá trình phát triển.
Theo nghiên cứu của Cơ quan Quy hoạch đô thị Lyon và PADDI lấy thành phố Hồ Chí Minh làm ví dụ, thành phố này có sự lệch pha giữa quy hoạch so với thực tế. Quy mô dân số theo quy hoạch khác nhiều so với thực tế, xây dựng sai phép, không tuân thủ quy hoạch ban đầu, không thực hiện các công trình công cộng đã quy hoạch… Tình trạng này được nhận định là do nhiều nguyên nhân: Thiếu hợp đồng xã hội giữa các chủ thể trong lĩnh vực phát triển đô thị; Tốc độ tăng trưởng đô thị khó kiểm soát; Chưa chú ý đầy đủ đến hiện trạng trong công tác quy hoạch; Thiếu điều phối giữa các chủ thể. Các giải pháp khả quan được đưa ra bao gồm: Cải thiện phụ thuộc vào những thay đổi về hành vi của các chủ thể ở các thành phố của Việt Nam, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh; Các cải thiện phụ thuộc vào những thay đổi trong luật quy hoạch đô thị của Việt Nam; Các cải thiện phục thuộc vào luật và các quyết định của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh; Phát triển ba mảng chủ chốt cần cải thiện trong công tác thực hiện quy hoạch (bảo vệ các điểm chính yếu, bảo tồn các yếu tố tạo nên đặc trưng của thành phố Hồ Chí Minh, phát triển và quan hệ đối tác công-tư).
Trước thách thức về vấn đề giao thông được đặt ra tại Hà Nội với tình trạng đường xá chật hẹp do tăng trưởng dân số và kinh tế cộng với đô thị hóa mạnh mẽ, đại diện vùng LLe-de-France ông Jean Claude Gaillot khuyến nghị giải pháp khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng với sự ra đời của Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Tramoc) năm 2002. Vai trò của tổ chức này đã được nâng cao thông qua hai dự án của châu Âu: AsiaUrrbs và Asia Pro Eco với sự điều hành của Dự án đào tạo chuyên ngành đô thị (IMV) và Tramoc.
Về vấn đề pháp luật, quy hoạch, định giá đối với chuyển dịch đất đai trong quá trình công nghiệp hóa ở Việt Nam, báo cáo của Gs.TsKh. Đặng Hùng Võ đã tập trung nêu bật quá trình xây dựng pháp luật phục vụ cho đầu tư phát triển ở Việt Nam; Hệ thống pháp luật về chuyển dịch đất đai và quá trình chuyển dịch đất đai trên thực tế ở Việt Nam trong giai đoạn 2001-2010; Hệ thống quy hoạch sử dụng đất đai; Hệ thống định giá đất; Các tiêu cực trong quá trình chuyển dịch đất đai; và Đề xuất sửa đổi một số quy định của Luật đất đai có liên quan tới cơ chế chuyển dịch đất đai.
Đối với chi phí quá lớn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại các đô thị, vấn đề huy động nguồn tài chính cho quy hoạch đô thị trở nên cấp bách. Ông Joseph Comby thuộc Hiệp hội nghiên cứu đất đai đưa ra năm nguồn tài chính có thể huy động cho quy hoạch: Huy động nguồn vốn nhà nước; Huy động từ người chủ đất và nhà cửa; Huy động từ người sử dụng cuối cùng các dịch vụ và hạ tầng đô thị được coi như hàng hóa; Huy động từ người xây dựng các công trình; Huy động từ nguồn thuế áp trên giá trị mà hạ tầng công cộng mang lại cho tài sản.
Với những vấn đề đã được nêu ra, phần đầu tiên của phiên thảo luận đã khép lại với thực trạng, khó khăn và những đề xuất cho tương lai đô thị của Việt Nam./.
Phương Linh
Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư