(MPI Portal) – Ngày 09/3, tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Chính phủ Việt Nam đã ký hai hiệp định cho vay với tổng trị giá 180 triệu USD nhằm giúp Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng thủy lợi và quản lý nguồn nước, các dịch vụ trong hệ thống thủy lợi ở khu vực phía Bắc sông Chu và phía Nam sông Mã thuộc tỉnh Thanh Hóa, đồng thời cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị và các dịch vụ địa phương ở các trung tâm kinh tế phía Bắc tại Việt Trì, Hưng Yên và Đồng Đăng.
|
Thống đốc Nguyễn Văn Bình và Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam ông Tomoyuki Kimura tại Lễ ký.
Ảnh: Chinhphu.vn
|
Tham dự Lễ ký có Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đại diện cho Chính phủ Việt Nam, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam ông Tomoyuki Kimura đại diện cho phía ADB, đại diện các Bộ, ngành liên quan và các cơ quan truyền thông.
Hiệp định thứ nhất với khoản vay trị giá 110 triệu USD được ký kết dành cho dự án phát triển hệ thống thủy lợi ở khu vực phía Bắc sông Chu và phía Nam sông Mã (NCSMRIS). Dự án này là một phần trong tổng thể chương trình đầu tư của Chính phủ cho NCSMRIS, giúp tăng hiệu suất cung cấp nước, giảm sử dụng năng lượng ở nông thôn và cải thiện an ninh lương thực. Thông qua các công trình thủy lợi và nguồn cung cấp nước được cải thiện, dự án này dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho hơn 119.495 hộ gia đình (466.000 người) trong đó gần 11.500 hộ gia đình là các dân tộc thiểu số Thái và Mường.
Hiệp định thứ hai với khoản vay khác trị giá 70 triệu USD từ Quỹ Phát triển Châu Á của ADB sẽ tài trợ xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị và nâng cấp, tăng cường năng lực quản lý đô thị của chính quyền địa phương ở Việt Trì, Hưng Yên, Đồng Đăng dọc theo Hành lang Kinh tế Bắc Nam (NSEC).
Phát biểu tại Lễ ký, ông Tomoyuki Kimura cho biết, việc cung cấp cơ sở hạ tầng đầy đủ là điều kiện cần thiết mà các nước có thu nhập trung bình ở Châu Á cần phải đáp ứng để duy trì động lực tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh thương mại và đầu tư, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh. ADB đặt tầm quan trọng rất lớn về cơ sở hạ tầng vì cơ sở hạ tầng yếu kém sẽ không chỉ hạn chế người nông dân tăng năng suất và có thu nhập cao hơn mà còn cản trở các cơ hội đầu tư và kinh doanh, đồng thời làm cho các vấn đề phát triển đô thị trở nên nghiêm trọng hơn.
Để giải quyết các vấn đề cấp bách của phát triển đô thị và chuyển hướng di dân từ khu vực nông thôn ra khỏi các thành phố lớn, Việt Nam đang tập trung vào việc phát triển các thành phố thứ cấp và tăng cường mối liên kết thành thị - nông thôn. Dự án này sẽ không những phát triển Việt Trì, Hưng Yên và Đồng Đăng để bổ trợ cho Hà Nội với vai trò là các trung tâm kinh tế của miền Bắc, mà còn góp phần vào việc chuyển đổi NSEC từ hành lang vận tải sang hành lang kinh tế chính thức./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện Bộ Kế hoạch và Đầu tư