Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 09/03/2012-16:51:00 PM
Hội thảo tham vấn Báo cáo Đầu tư Công nghiệp Việt Nam 2011
(MPI Portal) - Trong khuôn khổ Dự án “Hệ thống Theo dõi Đầu tư và Phát triển nhà Cung cấp tại Việt Nam - Giai đoạn I” của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (Unido), ngày 09/3, tại Hà Nội, Unido phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo “Tham vấn Báo cáo Đầu tư Công nghiệp Việt Nam 2011”. Tham dự hội thảo có ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, ông Patrick Gilabert, Trưởng đại diện Unido Hà Nội, cùng các Lãnh đạo Bộ, ngành, các chuyên gia đại diện cho Unido và các phóng viên thông tấn báo chí.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài phát biểu khai mạc hội thảo.
Ảnh: Mai Phương (MPI Portal)
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết, Báo cáo Đ
ầu tư Công nghiệp Việt Nam 2011 tham gia cuộc tranh luận chính sách hiện nay ở Việt Nam bằng cách giới thiệu một khung khái niệm giúp hiểu hơn nữa về tác động của hoạt động đầu tư đến nền kinh tế, chủ yếu là đầu tư các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và giới thiệu khái quát cảm nhận của nhà đầu tư về môi trường kinh doanh và điều kiện địa điểm đầu tư ở Việt Nam. Báo cáo nhằm đưa ra một số kiến nghị chính sách dựa trên việc phân tích dữ liệu thực nghiệm.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài là định hướng quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế hiện nay ở Việt Nam, là yếu tố không thể thiếu trong quá trình tự do hóa kinh tế nổi bật trong giai đoạn quá độ chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung được chính sách Đổi mới năm 1986 khởi xướng. Quá trình này đang là vấn đề chính được các cơ quan hoạch định chính sách Việt Nam quan tâm. Trên thực tế, đánh giá vai trò của tự do hóa thương mại đối với tái cơ cấu kinh tế hiệu quả và tác động tổng hợp của chính sách sâu rộng và thành công về đầu tư nước ngoài đang là chủ đề nổi bật trong các cuộc tranh luận chính sách diễn ra gần đây. Báo cáo góp phần đánh giá tác động kinh tế vi mô của hoạt động đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp mà trọng tâm là ngành chế biến chế tạo.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế xã hội gần đây, một số vấn đề của nền kinh tế Việt Nam ở tầm vi mô và vĩ mô hiện đang được quan tâm. Thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát cao dẫn tới sụt giảm tiêu dùng, dự kiến năm 2012 nền kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm, tiếp tục tạo sức ép về tăng trưởng kinh tế. Năm 2013 dự kiến sẽ có triển vọng, mở ra những điều kiện kinh tế tươi sáng hơn có thể mở đường cho Việt Nam đạt mức tăng trưởng trung bình 7.5%/năm. Tình hình thâm hụt tài khoản thương mại có thể được cải thiện nhờ xu hướng tăng doanh thu xuất khẩu làm đối trọng với xu hướng tăng nhập khẩu nguyên liệu và máy móc.
Ông Patrick Gilabert, Trưởng đại diện Unido Hà Nội phát biểu tại hội thảo.Ảnh: Mai Phương (MPI Portal)
Ông Patrick Gilabert, Trưởng đại diện Unido Hà Nội, giới thiệu tóm tắt chương trình khảo sát doanh nghiệp, ông cho rằng mục đích của Báo cáo là làm rõ hơn tác động đầu tư và được phân loại theo nhóm đầu tư như nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Báo cáo được xây dựng gồm 5 Chương: Chương 1 giới thiệu báo cáo; Chương 2 đưa ra các bối cảnh của Báo cáo cũng như khái quát về các xu hướng và các nghiên cứu về hoạt động FDI ở Việt Nam; Chương 3 phân tích toàn diện tác động đầu tư của Báo cáo, với mẫu khảo sát có phân biệt sự khác nhau giữa các nhóm nhà đầu tư và đặc tính của nhóm nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Tiếp theo là phân tích các khía cạnh tác động chính của đầu tư như việc làm, hình thành kỹ năng, hình thành vốn, xu hướng ngoại thương, năng suất và hiệu quả kỹ thuật, tính tự chủ của cấp quản lý sở tại trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và phân tích hiệu ứng loan tỏa của FDI; Chương 4 và 5 phân tích cảm nhận của nhà đầu tư nước ngoài về điều kiện môi trường kinh doanh và các yếu tố về địa điểm đầu tư cũng như phân tích mức độ nhìn nhận về cơ hội đầu tư và đánh giá về quá trình đăng ký đầu tư và dịch vụ hỗ trợ kinh doanh. Đồng thời, phân tích hoạt động đầu tư trong các khu chế xuất và khu công nghiệp.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Ảnh: Mai Phương (MPI Portal)
Đại diện Unido tại Việt Nam đánh giá ngành chế biến chế tạo là cốt lõi của thành tựu kinh tế khá ấn tượng mà Việt Nam đã đạt được trong hai thập kỷ qua. Ngành chế biến chế tạo cần tiếp tục giữ vai trò chủ chốt trong tương lai, nếu Việt Nam duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao. Hoạt động công nghệp Việt Nam bộc lộ mức tăng trưởng trong các ngành xuất khẩu nhưng những lợi ích của hoạt động này còn bị hạn chế do sự gia tăng về hàng nhập khẩu đã qua chế biến diễn ra đồng thời. Vì vậy, tự do hóa thương mại chưa tạo ra những thay đổi về xu hướng xuất khẩu hàng hóa đã chế biến và thâm hụt thương mại đáng kể trong các ngành công nghệ trung và cao. Trước tình hình này, với những cải cách tự do hóa kinh tế quan trọng thì mục tiêu chính là hướng tới việc bảo toàn lượng vốn đầu tư là rất cần thiết. Vì vậy, Báo cáo đã tìm ra những khía cạnh quan trọng của tác động đầu tư chủ yếu là từ hoạt động FDI tại Việt Nam. Báo cáo đã mô tả một ngành công nghiệp đang nỗ lực hoạt động nhiều hơn nữa ở các thị trường cạnh tranh ngày càng lớn.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Mai Phương (MPI Portal)
Tại Hội thảo, các ý kiến chuyên gia có những phản biện và đặt câu hỏi, chỉ ra những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để xác định tác động của hoạt động đầu tư nước ngoài và những yếu tố tương ứng quyết định xu thế tác động đầu tư. Tiếp nữa, cũng cần nghiên cứu thêm về hiệu quả năng suất và kỹ thuật giữa các nhóm đầu tư khác nhau trong các khu công nghiệp khác nhau.
Báo cáo cùng với việc khai thác Hệ thống Theo dõi Đầu tư Việt Nam đưa ra hoạt động xây dựng chính sách và chiến lược nhằm đáp ứng chương trình làm việc của nhiều nhóm liên quan, chuẩn xác về các doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài. Việc thu thập, xử lý và phổ biến thông tin có chất lượng liên quan đến kinh doanh là rất cần thiết. Khảo sát Đầu tư cùng với Báo cáo và việc phát triển Hệ thống Theo dõi Đầu tư1 được dự báo sẽ khởi đầu một quá trình đảm bảo những thông tin ở doanh nghiệp sẽ có chất lượng cao và sẵn có hơn nữa để có thể hỗ trợ hoạt động xúc tiến và nỗ lực giám sát xúc tiến đầu tư ở Việt Nam./.
---------------------------
1 là một trong các đầu ra của Dự án của UNIDO có tên là “Hệ thống Theo dõi Đầu tư và Phát triển Nhà Cung cấp tại Việt Nam – Giai đoạn 1”
Mai Phương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1228
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)