Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 13/03/2012-09:16:00 AM
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á
(MPI Portal) - Chiều ngày 12/03, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã có buổi gặp mặt và làm việc với nhóm đại biểu thuộc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) do ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam dẫn đầu.
Giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam. Ảnh: Thanh Sơn
(MPI Portal)
Mở đầu buổi tiếp, Giám đốc ADB tại Việt Nam gửi lời cảm ơn tới Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã dành thời gian tiếp đoàn, đồng thời Ông thông báo rằng cuộc thảo luận về việc xin tăng vốn cho Quỹ phát triển châu Á (ADF) đã kết thúc với thỏa thuận tăng thêm 10% vốn.
Cũng nhằm mục tiêu hỗ trợ cho các dự án hạ tầng trong khu vực châu Á, ADB cùng Hiệp hội ASEAN đã cùng thống nhất thành lập Quỹ cơ sở hạ tầng châu Á (AIF) với tổng số vốn pháp định là 485,2 triệu USD. Trong đó, Việt Nam cam kết đóng góp 10 triệu USD trong vòng 3 năm từ 2012 – 2014, ADB đóng góp 150 triệu USD.
Phía ADB nêu ra vấn đề thiếu vốn đối ứng cho các dự án thuộc Chương trình các quốc gia tiểu vùng sông Mêkông (GMS) và hy vọng cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thảo luận phương án giải quyết.
Phát biểu tại buổi tiếp, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh rất hoan nghênh sự quan tâm của ADB tới các Quỹ ADF và Quỹ AIF cũng như vấn đề vốn đối ứng cho các dự án của Việt Nam. Thiếu vốn đối ứng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trễ trong các dự án của Việt Nam. Có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu vốn đối ứng, trước hết là do quá trình chuẩn bị dự án kéo dài (thường là từ 2 – 3 năm), giá cả leo thang, tỷ giá thay đổi dẫn đến thiếu vốn cho các dự án. Nguyên nhân thứ hai là khi các địa phương cam kết vốn đối ứng cho các dự án, thường trông chờ vào sự trợ giúp của Chính phủ và các nguồn vốn ngoài kinh phí của địa phương. Trong tình trạng lạm phát cao, Chính phủ Việt Nam cũng phải cắt giảm khá nhiều các khoản chi hỗ trợ phát triển, theo đó các địa phương không nhận được hỗ trợ từ Chính phủ đã không đáp ứng được tỷ lệ vốn đối ứng đã cam kết. Trước tình hình này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh kiến nghị thay đổi phương thức tiến hành bằng cách giao kế hoạch trung hạn trong 5 năm (có thể là 3 năm) cho các địa phương, để các địa phương nắm được số vốn hỗ trợ từ Chính phủ là bao nhiêu, đồng thời báo cáo lên Chính phủ việc sử dụng ngân sách địa phương. Bộ trưởng cũng cho biết thêm, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến việc tháo gỡ vấn đề vốn đối ứng và đang đôn đốc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tìm giải pháp cho vấn đề này.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tiếp Giám đốc ADB tại Việt Nam.
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
Sau thảo luận, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ADB đã đi đến thống nhất về giải pháp rà soát các dự án chậm tiến độ, cơ cấu lại một số dự án để lấy tiền làm vốn đối ứng cho các dự án khác. Quá trình rà soát cần được tiến hành nhanh chóng nhằm trình lên Thủ tướng Chính phủ trước buổi gặp của Chính phủ Việt Nam cùng Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Chủ tịch ADB dự kiến vào cuối tháng 3, trước Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 20 diễn ra tại Campuchia từ 03-04/4/2012. Trong trường hợp không thể cơ cấu lại các hợp phần của dự án, dự kiến vốn từ Quỹ AIF sẽ được sử dụng để hỗ trợ thêm cho các dự án đầu tư thiếu vốn đối ứng tại Việt Nam.
Về vấn đề các dự án thuộc Chương trình các quốc gia tiểu vùng sông Mêkông (GMS), Bộ trưởng cho biết, Việt Nam rất quan tâm đến các dự án GMS, đặc biệt là các dự án về giao thông vận tải với mục tiêu kết nối hạ tầng giao thông trong khu vực sông Mêkông, tạo ra nhiều cơ hội hợp tác phát triển trong khu vực. Mục tiêu của GMS là lợi ích chung cho toàn khu vực, có lồng ghép lợi ích của từng quốc gia thành viên trong khu vực sông Mêkông. Bộ trưởng đánh giá cao vai trò điều phối của ADB trong các dự án thuộc chương trình GMS, do kinh nghiệm thực hiện các dự án ở các nước đang phát triển cũng như tiềm lực tài chính của tổ chức này.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng đồng thời đánh giá rất cao các quỹ hỗ trợ như Nguồn vốn thông thường (OCR) chủ yếu do ADB huy động từ thị trường vốn quốc tế và một phần vốn góp của các nước hội viên, Quỹ ADF và Quỹ AIF. Các quỹ hỗ trợ này đã góp phần rất lớn làm nên thành công của các dự án đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn lực hạn hẹp của Việt Nam.
Cuối buổi tiếp, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh bày tỏ hy vọng rằng, bên cạnh nỗ lực của Việt Nam nhằm đảm bảo các nguồn vốn cam kết, Việt Nam cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các tổ chức quốc tế, đặc biệt là ADB./.
Phương Linh
Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1719
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)