Chiều nay, 16/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
|
Ảnh Chinhphu.vn
|
Cùng dự buổi đối thoại còn có lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Cuộc đối thoại được truyền hình trên internet, truyền hình trực tiếp trên kênh VTC1- Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, phát thanh trực tiếp trên Hệ Thời sự Chính trị- Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) để cung cấp thông tin tới các tầng lớp nhân dân trong nước, bà con Việt kiều, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đây là hoạt động nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường giao lưu trực tuyến, đối thoại trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ góp phần định hướng dư luận, tạo đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Bạn đọc tham gia đặt câu hỏi gửi về địa chỉ email doithoai@chinhphu.vn và gọi đếntổng đài điện thoại 080.48113.
Độc giả Trần Thị Lan Anh (Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh): Bộ trưởng nhận định thế nào về ý kiến của một số chuyên gia cho rằng: Sự thiếu hiệu quả của hoạt động đầu tư công bị ảnh hưởng từ nguyên nhân cơ bản là Nhà nước vẫn đang đầu tư “lấn sân” vào những lĩnh vực, ngành nghề và khu vực mà khối doanh nghiệp tư nhân đang làm được và làm tốt? Trong nhiệm kì của mình Bộ trưởng có dám chắc là không đặt bút kí quyết định đổ vốn đầu tư nhà nước vào những ngành nghề mà khu vực tư nhân làm được không?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh:Xin cám ơn một câu hỏi rất hay và đang là vấn đề thời sự. Tuy nhiên, cần phải lý giả cặn kẽ việc đầu tư công lấn sân đầu tư của tư nhân. Khi chúng ta mới giải phóng đất nước, thành phần kinh tế Nhà nước chiếm vai trò chủ đạo, các doanh nghiệp tư nhân chưa phát triển nhiều. Trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng, chủ yếu dựa vào nguồn vốn Nhà nước; lĩnh vực kinh doanh chủ yếu dựa vào thành phần kinh tế tập thể và doanh nghiệp Nhà nước.
Từ khi đổi mới, thành phần kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, đóng góp nhiều về giá trị sản lượng và việc làm. Như vậy, từng bước, đầu tư của lĩnh vực tư nhân chiếm một tỷ trọng rất cao. Những năm gần đây, đầu tư công đang giảm dần và tư nhân tăng. Trong giai đoạn 2001 - 2005, tỷ trọng của đầu tư nhà nước chiếm 53,4% tổng đầu tư toàn xã hội, khối tư nhân chiếm 32,6%. Đến giai đoạn mới, 2011-2015, sẽ phấn đấu giảm tỷ trọng đầu tư công xuống 37- 39%, khối tư nhân tăng lên 45- 46%.
Có thể nói đây là một điều cần thiết, chúng tôi muốn dùng một từ là đầu tư công đang giảm, từng bước nhường sân cho lĩnh vực tư. Quả thật Nhà nước cũng cần làm như vậy.
Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3, trong tái cấu trúc đầu tư thì trọng tâm là tái cấu trúc đầutư công. Theo đó, những gì mà lĩnh vực tư nhân có thể đầu tư thì Nhà nước dành cho khối tư nhân. Trong những năm tới, Nhà nước giảm dần tỷ trọng đầu tư từ NSNN và trái phiếu Chính phủ, huy động nhiều hơn từ các thành phần ngoài Nhà nước tham gia đầu tư, kể cả vào kết cấu hạ tầng.
Trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, Nhà nước sẽ tập trung vào ngành nghề mang tính chất dịch vụ công, các lĩnh vực tư nhân làm không hiệu quả, quốc phòng, an ninh, đầu tư cho vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn. Nhà nước có phần vốn hỗ trợ tư nhân thông qua các mô hình như đối tác công tư PPP.
Về câu hỏi trong nhiệm kỳ Bộ trưởng có dám chắc không ký quyết định đổ vốn đầu tư nhà nước vào những ngành nghề mà khu vực tư nhân làm được không, tôi xin trả lời như sau: Về mặt chủ trương thì như vậy, chúng ta sẽ thực hiện chủ trương những gì tư nhân làm tốt hơn thì dành cho tư nhân. Tuy vậy, để phân cấp đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định giao cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành, Bộ trưởng các bộ sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, chịu trách nhiệm căn cứ vào mức vốn của Nhà nước cấp trong 3 đến 5 năm, người đứng đầu sẽ lựa chọn danh mục đầu tư cụ thể và Bộ KHĐT thẩm định giám sát. Chúng tôi sẽ cố gắng trong công tác kiếm soát này.
Cũng phải nói rằng lực lượng tư nhân cũng chưa có nhiều nguồn lực, nên không phải những gì Nhà nước mong muốn xã hội hóa thì khu vực tư nhân đều có thể đáp ứng được. Sự tham gia của tư nhân ngày càng chiếm vị trí quan trọng, nhưng cũng phải từng bước chứ không thể ngay lập tức có thể làm được tất cả.
Lương Văn Khả ( Phương Mai, Đống đa, Hà Nội): Tôi biết Bộ trưởng đã từng làm lãnh đạo của một tỉnh vùng cao xa Trung ương và hiện nay lại làm lãnh đạo của một Bộ lớn, có sức ảnh hưởng đến tất cả các tỉnh thành trên cả nước? Có trở ngại nào khi có người đã từng nhận xét “từ sông ra biển con thuyền cũng phải thay buồm và bánh lái cho phù hợp”?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Tôi thấy đây là câu hỏi thú vị. Nói thẳng thắn, trước khi nghe tin làm Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, khi vừa nhậm chức, nhiều người băn khoăn. Theo tôi, sự băn khoăn là hoàn toàn tự nhiên, bởi người ta suy diễn, ở những vị trí như vậy, từ tỉnh sâu xa về cơ quan tổng hợp của Trung ương sẽ gặp khó khăn. Tôi chia sẻ sự băn khoăn đó. Tuy nhiên, chỉ qua vài tháng, khi Chính phủ mới hoạt động, thì những băn khoăn lo ngại như trên hầu như vắng dần, đến nay có thể nói là không còn, thậm chí có những nhận định ngược lại. Tôi nói về mình thì không tiện, khách quan nhất thì bạn Lương Văn Khả hỏi lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, những người trực tiếp làm việc với tôi thời gian qua.
Nhiệm vụ của Bộ từ khi tôi nhậm chức, không những hoàn thành mà còn đổi mới rất nhiều. Để đổi mới phải có kiến thức và hiểu biết. Rất nhiều vấn đề Bộ đang xới lên để làm việc hiệu quả hơn.
Thứ 2, tôi muốn nói rằng, kiến thức và tài năng của con người không phụ thuộc vào nơi ở, nơi sinh, nơi công tác mà phụ thuộc vào quá trình học hỏi, tích lũy và tố chất của mỗi con người. Tôi quê ở Hà Nội, công tác nhiều năm ở Lào Cai, đây môi trường biên ải khó khăn tuy nhiên là nơi rèn luyện rất tốt, thử thách, kiểm chứng. Những năm tháng sống ở đó bây giờ trở thành kiến thức, kinh nghiệm và giúp tôi có bản lĩnh tốt. Tôi nghĩ đây cũng là một lợi thế của tôi.
Mỗi công việc có những thuận lợi, khó khăn riêng,làm bí thư một tỉnh biên giới có rất nhiều áp lực, nhưng làm Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời điểm hiện nay, nhất là đất nước đối mặt với những khó khăn về kinh tế thì cũng càng không đơn giản. Mỗi vị trí đều đòi hỏi một cách làm việc và giải quyết khác nhau, nhưng không có việc nào dễ hơn cả.
|
Ảnh Chinhphu.vn
|
Quyết Diệp (An Phú, Tam Kì, Quảng Nam) gửi 2 câu hỏi: Nhà tôi ở gần khu kinh tế Chu Lai, Bộ trưởng có nghĩ thành tựu thu được từ việc thành lập các khu kinh tế còn rất ít? Trong thời gian tới liệu có còn khu kinh tế nào tiếp tục được mọc lên nữa hay không? Chúc Bộ trưởng sức khỏe và thành công.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh:Xin cám ơn bạn Quyết Diệp. Có thể nói, các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) có vị trí rất quan trọng trong cơ cấu kinh tế Việt Nam. Hiện cả nước có 283 KCN, đóng góp một phần rất quan trọng về sản lượng công nghiệp, xuất khẩu, trong GDP. Trong lúc khó khăn vừa qua, các doanh nghiệp tại các KCN vẫn duy trì tăng trưởng và xuất khẩu mạnh mẽ. Chính các doanh nghiệp này đã góp phần rất quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp – dịch vụ.
Bên cạnh đó, chúng ta có 15 KKT ven biển, 28 KKT cửa khẩu, tính đến cuối năm 2011.
Các KCN, KKT này phát triển rất mạnh mẽ, tuy ở một số vùng sâu vùng xa khó khăn nhiều khu chưa được lấp đầy, còn tuyệt đại bộ phận ở vị trí thuận lợi như ở Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai… đều có đóng góp quan trọng cho địa phương và đất nước.
Mười lăm KKT ven biển cũng có những đóng góp nhất định và rất quan trọng, dù mới được thành lập. Tuy nhiên, so với mục tiêu mong muốn thì chưa đạt.
Các khu KKT cửa khẩu quốc tế, trong đó có 5 KKT cửa khẩu rất quan trọng như Lạng Sơn, Lào Cai, Móng Cái…, đã đóng góp rất nhiều cho kim ngạch xuất khẩu sang các nước bạn.
Vừa qua, Chính phủ có tổng kết 20 năm phát triển các KCN, KKT và các bộ, ngành, địa phương đều có đánh giá như vậy.
Tuy vậy, vẫn còn một số khó khăn trong thời gian tới cần tiếp tục được tháo gỡ. Bộ đang trình Chính phủ những giải pháp sau khi tổng kết 20 năm, đặc biệt tập trung tháo gỡ để lấp đầy theo hướng nâng cao giá trị, để mỗi một diện tích đất KCN tạo ra một giá trị lớn cho nền kinh tế Việt Nam.
Với các KKT, phải có tiêu chí cụ thể để đầu tư tập trung hơn, một nguyên nhân khiến hiệu quả đầu tư thời gian chưa cao là do nguồn vốn mỏng lại dàn trải. Bộ đã trình Chính phủ lựa chọn từ 5- 6 KKT ven biển quan trọng nhất với kinh tế biển Việt Nam để tập trung đầu tư, ví dụ Lạch Huyện – Đình Vũ, Nghi Sơn, Vũng Áng, Phú Quốc hay Chu Lai – Dung Quất…
Vừa qua, ngay trong phân bổ nguồn vốn nhà nước năm 2012, Bộ đã trình Chính phủ dành 65% vốn cho các khu này, chỉ dành 35% cho 9 khu còn lại. Với KKT cửa khẩu cũng vậy, sẽ tập trung cho 15 KKT, trong đó dành hơn 80% nguồn vốn ngân sách cho 6 khu có lợi thế nhất.
Đỗ Việt An – Đường Nguyễn Sơn – Gia Lâm- Hà Nội: Tôi đã từng nghe nhiều về “chạy ngân sách, chạy vốn đầu tư”. 6 từ này có xuất hiện ở Bộ Kế hoạch đầu tư không? Thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Rất cảm ơn câu hỏi rất thời sự. Đây là vấn đề mà tất cả các cấp, ngành liên quan đều phải quan tâm và có các biện pháp phòng ngừa hạn chế tiêu cực có thể xảy ra.
Tôi nghĩ rằng, không ai có thể nói rằng, ở Bộ mình, cơ quan mình, ngành mình là hoàn toàn không có tiêu cực. Vấn đề đặt ra là phải kiên quyết, có biện pháp, cơ chế quản lý sao cho dù có muốn cũng không thể tiêu cực được. Bộ đã và đang làm theo định hướng đó và cũng có kết quả hết sức tích cực, được các địa phương, bộ, ngành đánh giá rất cao.
Ngay từ khi bước vào năm 2012, Bộ đã trình Chính phủ cơ chế mới làm sao giảm bớt “xin cho” - nguyên nhân dễ dẫn đến tiêu cực, đó là đề nghị Chính phủ cho công bố toàn bộ số vốn cho các địa phương, bộ, ngành trong năm, giao lại quyền phân bổ, lựa chọn cho Chủ tịch UBND các tỉnh và Bộ trưởng các bộ.
Ngay trong năm này, cũng trình Chính phủ xây dựng Nghị định về đầu tư phát triển trung hạn, nghĩa là trung hạn 5 năm, trước mắt là 3 năm, 2013-2015, Bộ sẽ trình Chính phủ, trên cơ sở nguyên tắc tiêu chí phân bổ ngân sách, Chính phủ sẽ công bố ngân sách cấp cho 3 năm còn lại từ 2013-2015 cho các bộ, ngành, địa phương.
Các địa phương chủ động phân bổ nguồn lực này. Như vậy, các địa phương sẽ chủ động biết 3-5 năm tới mình có bao nhiêu tiền, chủ động sử dụng sao cho hiệu quả nhất. Đây là cơ chế được các tổ chức quốc tế, bộ, ngành địa phương đánh giá cao.Tôi nghĩ đây là việc làm quan trọng để thay đổi tư duy, thay đổi cơ chế “xin cho”.
Trần Văn Tạo (Cán bộ ngân hàng nghỉ hưu, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái): Một trong những nguyên tắc tái cơ cấu đầu tư công là sửa đổi lại quy chế phân cấp quản lý đầu tư công, trước hết là đầu tư từ nguồn Ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, Trong thời gian tới liệu vấn đề này có được đổi mới không thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Tái cơ cấu đầu tư công là một nội dung trong tái cơ cấu mà NQ TƯ 3 đã đề ra, cũng nằm trong lộ trình của Chính phủ. Bộ KHĐT là cơ quan chủ trì đề án này. Tháng 10/2011 Bộ đã hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 1792, thay đổi cách quản lý về đầu tư. Trong đó, có nội dung xem xét phân cấp đầu tư công.
Thời gian qua, chúng ta đã phân cấp mạnh mẽ và đây là quyết định đúng đắn, tạo sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương xây dựng nhiều công trình. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng có hiện tượng đầu tư dàn trải, lãng phí và tốn kém. Chính vì vậy, ngay trong năm 2012, chúng ta phải chấn chỉnh bằng các nguyên tắc sau đây:
Thứ nhất, xác định lại trách nhiệm của người ký quyết định phê duyệt đầu tư. Chỉ thị 1792 quy định ai ký quyết định đầu tư phải đảm bảo đủ vốn để công trình theo tiến độ, ví dụ công trình nhóm C không quá 3 năm, nhóm B không quá 5 năm.
Thứ hai, phân cấp nhưng phải quản lý. Phần vốn anh định xin Nhà nước phải báo cáo qua Bộ KHĐT và Bộ Tài chính, để xem phần vốn anh định dự kiến làm Chính phủ có lo được không. Trước đây, địa phương cứ ký và Chính phủ phải lo. Nay hai Bộ sẽ gác cửa việc này và Chính phủ đưa ra những tiêu chí rất chặt chẽ, ví dụ việc khởi công công trình nhóm B phải bố trí vốn trong năm đầu không được thấp hơn 20% tổng giá trị, nhóm C không được dưới 35%.
Trước đây, kinh phí được phân bổ về, các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào đó để xây dựng kế hoạch đầu tư, nay Thủ tướng Chính phủ sẽ giao cho Bộ KHĐT danh mục các công trình và kiểm soát. Đây là một bước tiến lớn.
Ngay trong quý II/2012, Chính phủ sẽ xây dựng một nghị định về đầu tư trung hạn, tức là bộ đó, tỉnh đó sẽ được bao nhiêu vốn trong 5 năm tới, từ đó bộ, ngành, địa phương phải lựa chọn những công trình thật tập trung, thật cần thiết, Trung ương cho phép mới được làm.
Như vậy, đây là thời điểm rất quan trọng với ngành KHĐT, chuyển từ việc xây dựng kế hoạch hàng năm sang kế hoạch trung hạn, 3 đến 5 năm.
|
Ảnh Chinhphu.vn
|
Huy Vũ (Học viện tài chính, Hà Nội): Thưa bộ trưởng, hiện nay có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng như trong nước đang lâm vào tình trạng có vấn đề về tài chính. Vì thế đang có hiện tượng một số trụ sở cũng như xưởng, nhà máy của họ bị “vườn không nhà trống”. Hiện tượng này gây lãng phí về quỹ đất cũng như doanh thu cho thuê đất của nhà nước? Bộ trưởng có giải pháp gì về vấn đề này chưa? Xin hỏi trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp, địa phương hay Bộ KHĐT?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Đây là thực tế hiện nay của chúng ta. Vừa qua cả thế giới, cũng như khu vực châu Âu gặp suy thoái kinh tế, đặc biệt là nợ công trong khu vực châu Âu. Chính vì vậy, những doanh nghiệp nước ngoài bị ảnh hưởng nặng, thậm chí là có những tập đoàn tài chính lớn của Mỹ, châu Âu sụp đổ. Do vậy, nhiều doanh nghiệp ở châu Á cũng như trên thế giới đang đầu tư tại Việt Nam cũng không tránh khỏi khó khăn, thậm chí không đủ vốn đầu tư tiếp. Như vậy, cộng với khó khăn nội tại dẫn đến nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, thậm chí đình hoãn sản xuất…
Trách nhiệm giải quyết đến đâu? Có thể nói rằng, đây là trách nhiệm của nhiều cấp, ngành, trước hết là địa phương, nơi cấp phép dự án.
Các địa phương cấp phép cho các dự án phải xem cụ thể dự án đó thế nào. Thứ 2, các bộ, ngành cũng có trách nhiệm. Các Bộ chuyên ngành trong lĩnh vực, cũng như các bộ tổng hợp như Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính đều có trách nhiệm chung.
Mỗi doanh nghiệp có khó khăn khác nhau, phải xác minh cụ thể, kiểm tra lại, xem doanh nghiệp đó khó khăn thật sự, đổ bể do khách quan hay các lý do khác, để mỗi doanh nghiệp chúng ta có cách xử lý. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng, đây là trách nhiệm chung của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, phải cùng nhau rà soát tháo gỡ để từ đó làm sao khắc phục được, hoặc là phục hồi sản xuất cho hiệu quả, hoặc là yêu cầu chuyển nhượng, thu hồi nếu như có những yếu tố có thể thu hồi được theo đúng luật pháp Việt Nam.
Chu Ngọc Lan (Gia Lâm- Hà Nội): Tôi đã từng làm tại một công ty nước ngoài một thời gian. Nên tôi khá hiểu cách làm ăn của họ. Bộ trưởng nghĩ sao nếu nhiều năm liền họ đều báo cáo lỗ nhưng trên thực tế chưa chắc phải lỗ nhiều như thế. Vậy chuyện doanh nghiệp FDI lỗ hay lãi thế nào, cơ quan quản lý đầu tư có số liệu chính xác và có những biện pháp kiểm tra được là lỗ giả hay thật được không? Xin chân thành cảm ơn Bộ trưởng.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Trước hết, phải khẳng định phần lớn các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài làm ăn rất nghiêm túc.
Tuy nhiên, cũng có một số doah nghiệp không trung thực trong khâu hạch toán kinh doanh, khai lỗ giả để trốn tránh trách nhiệm nộp thuế, trong kinh tế gọi là chuyển giá. Khi xuất hiện tình trạng này, Bộ KHĐT, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành địa phương đã tích cực xem xét để giải quyết.
Bộ KHĐT đã xây dựng đề án chống chuyển giá và sau khi trình, Chính phủ đã quyết định giao Bộ Tài chính chủ trì chương trình này, vì liên quan nhiều đến thuế, hải quan. Bộ KHĐT cũng xây dựng một cơ sở dữ liệu để so sánh giá các mặt hàng trong nước và quốc tế.
Chúng tôi nghĩ rằng việc chống chuyển giá không chỉ từ khâu cuối cùng, mà còn có trách nhiệm của các bộ, ngành ở mọi khâu, từ đó phát hiện sớm để ngăn chặn.
Thu Hằng (Bảo hiểm Bảo Việt): Một hiện tượng không mấy mong chờ là hiện nay một số doanh nghiệp FDI bắt đầu chuyển từ sản xuất sang kinh doanh phân phối? Khi chuyển sang phân phối thì họ buộc phải nhập khẩu. Vậy vô hình trung họ làm gia tăng nhập siêu, lợi nhuận của họ đương nhiên là chuyển về nước họ. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này và Bộ trưởng có biện pháp gì để nắn lại dòng vốn FDI đi vào sản xuất hay không?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Đúng là có hiện tượng nhiều doanh nghiệp trước được cấp phép sản xuất, giờ chuyển sang kinh doanh phân phối mặt hàng. Ở đây có 2 loại.
Nếu họ được cấp phép chỉ được sản xuất sản phẩm đó, như xe máy, giờ chuyển sang nhập khẩu và phân phối các sản phẩm hoàn chỉnh, thì phải xem xét lại giấy phép. Nhưng bản chất ở chỗ, trước 2007, khi Việt Nam chưa gia nhập WTO, chúng ta hoàn toàn cấm, không cho phép các doanh nghiệp đã đăng ký sản xuất lại được đăng ký tiếp tục nhập khẩu, đứng ra làm đại lý phân phối tất cả các sản phẩm của mình. Nhưng từ 2008, khi Việt Nam gia nhập WTO, chúng ta phải chấp nhận điều khoản của tổ chức này và phải cam kết nhiều khoản, trong đó có việc từ 2009, Việt Nam phải mở cửa để các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài ngoài vào Việt Nam ngoài đăng ký sản xuất sản phẩm của mình, được phép đăng ký phân phối và tiêu thụ và các sản phẩm của họ. Nghĩa là không có rào cản.
Đây là sức ép lớn trong thời kỳ mở cửa, hội nhập quốc tế. Cho nên, việc một số doanh nghiệp đang sản xuất, chuyển sang đăng ký thêm nhập khẩu và kinh doanh đại lý cũng đã xuất hiện nhiều. Về mặt nguyên tắc, không cấm họ bằng hành chính được. Hiện, cơ quan quản lý phải có biện pháp khác, như sử dụng hàng rào kỹ thuật, để hạn chế nhập khẩu hàng hóa trong nước sản xuất được, hạn chế các tiêu cực. Hay ngoài ra, chúng ta khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ, sản xuất tại VN các mặt hàng tương tự với chất ượng tốt và giá thành thấp hơn.
Gần đây, chúng ta phát động phong trào người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Đấy cũng là một biện pháp hữu ích cùng với việc tôi đã nêu ở trên.
BTV: Bộ trưởng nghĩ sao khi dòng vốn FDI không đầu tư cho sản xuất mà đổ vào bất động sản?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Về dòng FDI đưa vào lĩnh vực bất động sản, có thể nói rằng, về luật pháp, Việt Nam không cấm các nhà đầu tư nước ngoài. Phải nói rằng hiện có nhiều dự án bất động sản quy mô lớn, hiện đại, mẫu mực. Qua đó, không những chúng ta có lợi về đầu tư mà còn có bài học trong quy hoạch đô thị. Tuy nhiên, đây không phải lĩnh vực Nhà nước khuyến khích mà chúng ta khuyến khích các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chế biến…
Đầu tư cho bất động sản cũng có đóng góp quan trọng nhưng nếu đầu tư quá mức vào lĩnh vực này gây ra những vấn đề căng thẳng, ảnh hưởng đến thị trường, kinh tế vĩ mô.
Hiện nay, đầu tư FDI trong lĩnh vực bất động sản ngày càng giảm. Nếu bình quân trong giai đoạn 2008 – 2010, trên 34% trong tổng vốn FDI vào Việt Nam đầu tư vào bất động sản. Đây là con số đáng báo động. Nhưng sang năm 2011, cùng với các biện pháp quản lý vĩ mô, đầu tư vào bất động sản của các doanh nghiệp FDI giảm còn 7%.
|
Ảnh Chinhphu.vn
|
Đỗ Hoàng Việt (Long Thành- Đồng Nai): Trong nhiệm kì của Bộ trưởng thì liệu có thêm sân golf nào được xây dựng không? Hoặc Bộ trưởng có bao giờ tính đến chuyện quy hoạch và bỏ bớt sân golf trả lại đất sản xuất cho nông dân hay không? Cảm ơn Bộ trưởng và chúc ông luôn thành công.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Phải nói rằng sân golf không có lỗi gì cả, vì nếu bố trí đúng còn đem lại nhiều lợi ích. Chúng ta không thể nhìn sân golf chỉ như một thứ đe dọa như vậy. Ví dụ, sân golf biến khu vực đất hoang hóa thành cơ sở du lịch, giải quyết việc làm… và nhiều nước đã thực hiện, Việt Nam không phải là nước có nhiều sân golf.
Mặt khác, cũng phải nói rằng, việc lấy đất sản xuất nông nghiệp, đất lúa, đất rừng làm sân golf là chuyện không thể chấp nhận được. Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một chỉ thị về tăng cường quản lý việc xây dựng các sân golf. Tuy nhiên, việc thực hiện chỉ thị này cũng có nơi chưa được nghiêm.
Tháng 2 vừa qua, chúng tôi đã dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ một Chỉ thị mới về vấn đề này và hi vọng trong tháng 3 sẽ ban hành. Chỉ thị có một số điểm đáng lưu ý.
Một là rà soát lại các sân golf không đúng phép, kiên quyết loại bỏ. Thứ 2 là kiểm tra, xử lý các các sân dùng đất màu, đất lúa, biến thành BĐS. Thứ 3, quy định không sử dụng đất lúa (kể cả đất lúa 1 vụ kém năng suất), đất màu, đất rừng để làm sân golf. Cuối cùng, sân chỉ được xây dựng ở các vùng có tiềm năng du lịch và phải xây tiết kiệm.
Như vậy, có thể nói rằng, không thể nói là trong nhiệm kỳ của tôi không có thêm một sân golf nào, mà phải có tiêu chí cụ thể. Tôi hi vọng nhân dân sẽ đồng thuận với quan điểm này.
Trần Bảo Lan (Khoa ngân hàng-tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội): Bộ trưởng có tính đến việc phải huy động các hiệu quả nguồn vốn xã hội để giảm thiểu việc tiền ngân sách đầu tư mà vẫn thu lại kêt quả. Nhất là đẩy mạnh mô hình hợp tác nhà nước- tư nhân hay còn gọi là hợp tác công - tư (PPP)?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Đúng như câu hỏi đầu tiên là trong tái cơ cấu đầu tư công, phần đầu tư từ ngân sách nhà nước sẽ giảm dần và chúng ta phải xây dựng nhiều cơ chế chính sách để thu hút kêu gọi đầu tư của lĩnh vực tư nhân nhiều hơn.
Thực tế những năm qua, tỷ trọng đầu tư của nhà nước đã giảm dần như tôi đã nêu, từ 53,4% của 2001-2005 xuống còn 37-38% của nhiệm kỳ này. Tới đây, năm 2012, tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi của ngân sách nhà nước chỉ chiếm còn 9,8%. Nghĩa là chúng ta dành trên 80% trên tổng chi của ngân sách nhà nước cho chi thường xuyên. Có thể nói tỷ trọng này giảm rất nhanh. Nhưng nhu cầu phát triển rất mạnh. Cho nên, không có cách nào khác, chúng ta phải tìm mọi cơ chế để thu hút được lĩnh vực ngoài nhà nước đầu tư vào kể cả kết cấu hạ tầng và trong các lĩnh vực khác.
Cho nên, một trong những hình thức thế giới đã làm và rất thành công là hình thức đối tác công tư (PPP). Trong đối tác công tư này, nhà nước và tư nhân sẽ hợp đồng đầu tư xây dựng 1 công trình nào đó. Và căn cứ vào hiệu quả công trình thì nhà nước sẽ xem xét bỏ tiền tham gia vào dự án này ở những lĩnh vực có nhiều rủi ro mà tư nhân không chấp nhận được. Hoặc, bù đắp tiền cho dự án này để có thể nhanh chóng hoàn vốn, khuyến khích tư nhân đầu tư. Còn lại, vốn nhà đầu tư sẽ bỏ ra. Nghĩa là, thay vì trước đây chúng ta đầu tư 100% để xây dựng một cây cầu, thì nay chúng ta có thể chỉ cần bỏ 30%, còn 70% là nhà đầu tư làm và họ sẽ thu hồi vốn thông qua thu phí.
Như vậy, Nhà nước sẽ có nhiều tiền làm những công trình như thế hơn. Đấy là nguyên tắc PPP. Hiện, Bộ KHĐT đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 71 năm 2010 về thí điểm dự án PPP tại Việt Nam. Dự án này đang được triển khai ở một số dự án trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Thời gian tới, chúng tôi đang kết hợp với các cơ quan, tổ chức quốc tế có kinh nghiệm làm PPP để hoàn thiện khung pháp lý này cho phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp tư nhân trong nước và quốc tế.
Thứ 2, đang xây dựng, chọn lựa những dự án lớn trong kết cấu hạ tầng để kêu gọi các tổ chức quốc tế cũng như các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia theo hình thức PPP.
|
Ảnh Chinhphu.vn
|
Phạm Ngọc Hà (Khu tập thể thanh xuân Bắc, Hà Nội): Bộ trưởng có nghĩ là sau khi có quy hoạch, Bộ cần công khai danh mục dự án, công trình đầu tư cụ thể để huy động các nguồn lực trong xã hội theo các hình thức phù hợp, được cộng đồng thừa nhận và đưa cộng đồng vào giám sát chặt chẽ. Có chế độ thưởng, phạt rõ ràng để các công trình không bị lâm vào tình trạng đắp chiếu. Nếu công ty này không hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng thì lập tức cho công ty khác vào thay ngay. Cảm ơn Bộ trưởng đã lắng nghe và trả lời.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Tôi thấy ý kiến của bạn hay và đúng. Chúng ta cần công khai các quy hoạch, để lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đúng cho các dự án, công trình. Từ đó, nếu nhà thầu, nhà đầu tư làm không tốt sẽ thu hồi dự án.
Tôi hoàn toàn đồng tình với bạn, vấn đề là sắp tới sẽ phải có những biện pháp triển khai cho hiệu quả.
Bạn đọc ở địa chỉ saotim12@...com: Tôi xin gửi đến Bộ trưởng đoạn bài viết của tác giả Vân Khánh mà tôi thấy rất tâm đắc“ Trong thời gian qua, bên cạnh những thành công và đóng góp tích cực vào quá trình phát triển đất nước không thể phủ nhận, đầu tư công của Việt Nam còn nhiều hạn chế, nhất là về hiệu quả đầu tư. Đầu tư công luôn đi cùng với lãng phí và tốn kém, thậm chí với mức độ ngày càng nặng nề… Một ví dụ điển hình về hiệu quả đầu tư công thấp là Chương trình xóa đói giảm nghèo cho các vùng sâu, vùng kinh tế khó khăn (Chương trình 135)... Chất lượng thấp và thất thoát vốn trong đầu tư công còn do sự chậm trễ và thường đi kèm với việc xin được điều chỉnh tăng vốn của các dự án đầu tư công trong triển khai như cặp bài trùng quen mặt”
Bộ trưởng nghĩ sao về đoạn viết này?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Câu hỏi này của bạn, tôi thấy có 2 vấn đề. Thứ nhất, nếu nhận xét chương trình đầu tư xóa đói giảm nghèo theo Chương trình 135 không hiệu quả thì tôi hoàn toàn không đồng ý.
Tôi có thể nói rằng, trong các chương trình có mục tiêu và đầu tư xóa đói giảm nghèo của Đảng, Nhà nước ta, thì chương trình đầu tư xóa đói giảm nghèo cho các xã khó khăn (Chương trình 135) là chương trình thực sự có hiệu quả. Có thể ở nơi nào đó, có công trình không hiệu quả, nhưng tổng chung lại, qua nhiều cuộc giám sát của các cấp, đặc biệt Ủy ban Dân tộc của Quốc hội nhiều lần đi kiểm tra, đều đánh giá rằng, đây là Chương trình có nhiều cơ chế rất tốt, giao vốn cho nhân dân, giám sát và thực hiện, thực sự đem lại hiệu quả thiết thực, đã thay đổi bộ mặt về cơ sở vật chất cũng như đời sống của nhân dân ở vùng sâu vùng xa. Chính nó là động lực làm cho xóa, giảm nhanh đói nghèo như vừa qua. Cho nên, tôi không đồng tình với ý kiến như bài viết của tác giả Vân Khánh.
Còn việc nói rằng các dự án trong chương trình để chậm trễ kéo dài, không thi công, sau đó thì để xin tăng vốn…, về hiện tượng thì có, nhưng sự chậm trễ này do nhiều nguyên nhân. Tôi nghĩ rằng, không phải các chủ đầu tư muốn kéo dài sự chậm trễ để tăng vốn, vì để chậm trễ, giá trượt đi rất nhiều và anh không đủ vốn để làm.
Chúng tôi thấy, một trong những nguyên nhân đó là giải phóng mặt bằng rất chậm. Từ khi dự án được duyệt cho tới khi giải phóng mặt bằng là rất lâu.
Nguyên nhân thứ 2, bố trí vốn dàn trải nên không đủ vốn thực hiện. Đây là nguyên nhân phải tháo gỡ để các công trình hoàn thành sớm như phương án chúng tôi trình trong Chỉ thị 1792 của Thủ tướng là phải bố trí đủ vốn và phải làm thật tốt chuẩn bị đầu tư thì mới được đưa công trình vào hoạt động.
Xin nói rằng hiện tượng này hiện vẫn còn. Chúng ta sẽ từng bước phải ngăn chặn và đẩy lùi.
BTV: Thưa quý vị, trong 1 giờ đồng hồ vừa qua, chúng ta đã nghe Bộ trưởng, tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư giải đáp khá nhiều thắc mắc của người dân và doanh nghiệp gửi đến. Vì thời gian có hạn, những câu hỏi bạn đọc gửi đến còn rất nhiều, chúng tôi xin tổng hợp và gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư để các cục, vụ chức năng cũng như Bộ trưởng dành thời gian trả lời bằng văn bản. Rất mong Bộ trưởng đồng ý.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng đã tham gia cuộc đối thoại. Xin cảm ơn sự theo dõi của quý vị.
Cổng thông tin điện tử Chính phủ