Nhân Hội nghị thường niên Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lần thứ 45 diễn ra trong các ngày từ 2-5/5 tại Manila (Philippines), Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda và Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IDB) Luis Moreno đã có cuộc gặp trao đổi về các vấn đề liên quan nhằm tăng cường thúc đẩy thương mại-đầu tư giữa châu Á với châu Mỹ Latinh và các nước vùng Caribe.
Phát biểu tại cuộc gặp, ông Kuroda nhận định trách nhiệm tăng cường và duy trì tăng trưởng kinh tế thế giới hiện nay chủ yếu được đặt lên vai các khu vực châu Á và Mỹ Latinh, do các nền kinh tế tiên tiến đang phục hồi chậm chạp và vấp phải nhiều khó khăn bởi cuộc khủng hoảng nợ công.
Về phần mình ông Luis Moreno nhấn mạnh rằng cùng với việc tiếp tục gắn kết chặt chẽ với các nền kinh tế tiên tiến, Mỹ Latinh và châu Á ngày càng phải hợp tác chặt chẽ với nhau nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách cơ cấu hiệu quả.
Hai bên nhất trí cho rằng sự hợp tác liên khu vực Nam-Nam lớn mạnh hơn sẽ đóng góp tích cực cho nỗ lực chung này, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải đa dạng hóa thương mại đầu tư và mở rộng hợp tác kinh tế giữa châu Á và Mỹ Latinh/Caribe.
Châu Á hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ Latinh, chiếm khoảng 1/5 tổng thương mại của Mỹ Latinh/Caribe. Trao đổi mậu dịch giữa châu Á và Mỹ Latinh/Caribe đã tăng trưởng trung bình 20%/năm kể từ năm 2000 và đạt 442 tỷ USD năm 2011, chủ yếu nhờ số lượng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa đôi bên gia tăng. Trong giai đoạn 2004-2011, có 18 FTA, và con số này dự kiến sẽ tăng lên 30 vào năm 2020.
Hầu hết đầu tư của châu Á được tập trung vào các thị trường lớn nhất Mỹ Latinh là Brazil và Mexico. ADB và IDB cho rằng để tăng cường đầu tư trong khu vực, các chính phủ ở cả châu Á và Mỹ Latinh cần phải tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, giảm các hàng rào phi thuế quan và thiết lập các quy định minh bạch hơn.
Trong khi thương mại hàng hóa cho sản xuất dự kiến sẽ tiếp tục củng cố mối quan hệ giữa châu Á và Mỹ Latinh, thì sự gia tăng đầu tư của châu Á ở Mỹ Latinh sẽ thúc đẩy tăng trưởng và mở ra cơ hội đưa Mỹ Latinh vào chuỗi sản xuất châu Á. Ngược lại, Mỹ Latinh sẽ tiếp tục đáp ứng nhu cầu về các tài nguyên thiên nhiên của châu Á./.