(MPI Portal) - Ngày 16/4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Nhóm phân tích chính sách kinh tế vĩ mô tổ chức Hội thảo kỳ 3 với chủ đề "Hướng tới ổn định tài chính quốc gia và tái cơ cấu nền kinh tế".
|
Thứ trưởng thường trựcBộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng thường trựcBộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho rằng, kinh tế Việt Nam đã có những điểm sáng trong quý I, lạm phát đã giảm, lòng tin của người dân được phục hồi dần. Tuy nhiên, thanh khoản của nền kinh tế còn thấp, tăng trưởng tín dụng trong nước trong 02 tháng đầu năm 2012 là – 2,4%, khả năng hấp thụ tín dụng thấp.
Theo ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cả hai chính sách tiền tệ và tài khóa đều đóng vai trò quan trọng để đối phó với tỷ lệ lạm phát vẫn còn cao trong những tháng đầu năm 2012, nhưng sự phối hợp chính sách như “thỏa ước” mới đây giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước nói lên sự quan trọng phải điều hành linh hoạt đồng thời cả hai chính sách nhằmngăn chặn tình trạng đình đốn sản xuất đang diễn ra vàkéo theo sự phá sản của nhiều doanh nghiệp.
Những phân tích, đánh giá về hàng tồn kho của các doanh nghiệp, vốn đầu tư của các khu vực tư nhân, doanh số hàng bán lẻ, tạo việc làm mới, sản lượng và doanh thu đều giảm so với cùng kỳ cho thấy sự đình trệ về sản xuất.
Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái tích cực hỗ trợ cho doanh nghiệp bằng cách tăng cường mức dự trữ ngoại hối, phát hành trái phiếu Ngân hàng Nhà nước, bước đầu đãgiúpmột số ngân hàng thanh khoản ổn định. Tỉ giá liên ngân hàng đã ổn định ở khoảng 7% - 8%, so với tỉ lệ 25% - 30% trong giai đoạn khủng hoảng và 13% - 14% trong những tuần gần đây.
Theo ông Vũ Viết Ngoạn, cần phải giải quyết nhanh vấn đề tái cơ cấu ngân hàng và tiếp tục giảm, giãn và miễn thuế cho các doanh nghiệp.
|
Ảnh Đức Trung (MPI Portal)
|
Những chính sách lớn và khẩn cấp cần làm trước mắt đó vẫnlà ưu tiêngiảm lạm phát, không phải bằng cách đẩy lãi suất lên cao mà bằng cách cắt giảm các món chi tiêu công khổng lồưu tiêncho các nhóm đặc quyền dưới tên những doanh nghiệp nhà nước, các dự án khủng thiếu hiệu quả kinh tế nhưng vẫn được theo đuổi, các chương trình phát triển vùng/cảng/khu chế xuất thiếu hiệu quả kinh tế, tiếp tục được tài trợ hay hưởng ưu đãi tín dụng.
Các lãi xuất chính sách và lãi xuất huy động trần giảm từ 14% xuống 13% từ giữa tháng 3/2012 đang đi đúng hướng theo lý luận trên. Nhưng việc tiếp tục duy trì lãi suất trần này cũng như việc chia các ngân hàng thành 4 nhóm để phân bổ 4 mức tăng tín dụng khác nhau đặt ra nhiều dấu hỏi cho các quan sát viên kinh tế cả trong nước và ngoài nước về hiệu quả thực sự của các cải cách của Ngân hàng Nhà nước.
Một vấn đề nữa cho tái cấu trúc nền kinh tế và chính sách tài chính công là cần đưa vai trò chủ đạo của doanh nghiệp tư nhân thay vì doanh nghiệp nhà nước, sẽ cần giảm cả tỷ lệ thu lẫn chi ngân sách so với GDP trong vài năm tới như kim chỉ nam dẫn đường cho chiến lược kinh tế mới này.
Hội thảo đã đưa ra một số biện pháp kinh tế và tài chính cụ thể cho năm 2012 như: phối hợp và hoán chuyển chính sách để ngăn chặn tình trạng đình trệ sản xuất và kiềm chế lạm phát; Các chính sách vĩ mô cần được thực hiện theo hướng phối hợp hoạch định mục tiêu và chính sách từ cuối năm trước cho năm kế hoạch; Xây dựng chính sách vĩ mô một cách toàn diện và căn bản hơn bằng việc lập trình tài chính với sự chủ trì của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước…
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư