Ông Surin nêu rõ, sửa đổi luật lệ đang là một thách thức đối với tất cả các thành viên ASEAN. Mặc dù đã cam kết sẽ mở cửa hơn với nguồn đầu tư của nhau, song không ít luật lệ của các nước ASEAN đang cản trở sự tăng trưởng về thương mại và đầu tư trong khu vực.
Những lĩnh vực và doanh nghiệp yếu kém cần tích cực chuẩn bị và đổi mới nếp nghĩ, đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới, đa dạng hóa hoạt động và vươn ra bên ngoài. Sự chuẩn bị đó là rất cần thiết, bởi các doanh nghiệp không thể trông đợi khả năng họ sẽ được bảo hộ mãi mãi, vì nếu ASEAN không mở cửa thì Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ làm như vậy. Toàn cầu hóa sẽ dẫn đến dòng chảy tự do về thương mại và khó ngăn cản được tiến trình này.
Với việc thương mại nội khối hiện mới chiếm khoảng 25% tổng giá trị buôn bán của cả Hiệp hội, các nước ASEAN cần thúc đẩy thương mại trong khu vực nhằm phát triển bền vững, nhất là khi CCông đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ hình thành nên một thị trường tiêu dùng đông gấp khoảng 10 lần số dân Thái Lan hiện tại, tạo ra rất nhiều cơ hội tốt cho các nước thành viên. Vấn đề đặt ra là phải tận dụng được các cơ hội đó.
Về xu hướng đầu tư, theo ông Surin, nguồn vốn đầu tư rót vào thị trường các nước ASEAN sẽ gia tăng nhờ được đánh giá là khu vực phát triển năng động có nhiều tiềm năng. Tiền đầu tư vào ngành công nghiệp chế tạo có thể sẽ ít hơn so với trước, nhưng vào lĩnh vực dịch vụ sẽ tăng lên để tạo đà thuận lợi cho ngành chế tạo đã có mặt trong khu vực.
Chia sẻ quan điểm này, Giáo sư Mohamed Ariff bin A. Karim, thuộc Viện nghiên cứu Kinh tế Malaysia cũng cho rằng các nước ASEAN cần đẩy mạnh thương mại nội vùng, khi nền kinh tế thế giới phát triển mong manh, khiến xuất khẩu chững lại. Theo ông Karim, nhu cầu trong nước và trong khu vực sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế của ASEAN./.
Phương Anh
Cổng thông tin điện tử Chính phủ