Khi nỗi lo Hy Lạp đã tạm lắng xuống, Tây Ban Nha nổi lên là mối lo ngại mới trong cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, khi kinh tế nước này lại rơi vào suy thoái.
|
Sinh viên Tây Ban Nha biểu tình tại Madrid ngày 29/2, phản đối việc cắt giảm ngân sách giáo dục. (Nguồn: AFP/TTXVN)
|
Theo Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha, kinh tế nước này đã rơi vào suy thoái trong quý I năm nay, sau khi suy giảm hai quý liên tiếp, do chi tiêu tiêu dùng giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010, trong lúc tỷ lệ thất nghiệp đã ở mức gần 23%.
Tây Ban Nha lại rơi vào suy thoái chỉ hai năm sau khi thoát khỏi cuộc suy thoái gần đây nhất. Kinh tế nước này có thể giảm 1,7% trong năm nay, sau khi tăng trưởng 0,7% trong năm ngoái.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đang lo ngại rằng, Tây Ban Nha có thể là nạn nhân lớn nhất của cuộc khủng hoảng nợ công do vấn đề thâm hụt ngân sách của nước này.
Năm ngoái, Tây Ban Nha thâm hụt ngân sách 8,5% GDP thay vì 6% GDP như mục tiêu đề ra, còn năm nay, nước này đã phải điều chỉnh mục tiêu thâm hụt từ 4,4% GDP lên 5,3% GDP.
Theo nhận định, Tây Ban Nha sẽ phải cắt giảm ngân sách 41,5 tỷ euro (55,5 tỷ USD) hoặc hơn trong năm nay.
Với Hy Lạp, sau khi nhận được gói cứu trợ thứ hai từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhiệm vụ của nước này là tiến hành các cuộc bầu cử sớm để bầu ra một chính phủ mới chỉ đạo việc thực hiện các biện pháp khắc khổ đã cam kết.
Theo các quan chức của hai chính đảng chủ chốt ở Hy Lạp là đảng xã hội PASOK và đảng bảo thủ Dân chủ mới, thời điểm thích hợp nhất cho việc tiến hành cuộc bầu cử là ngày 6/5.
Để có thể tiến hành bầu cử, Quốc hội Hy Lạp sẽ phải thông qua ba dự luật chính là dự luật phát triển, dự luật việc làm, và dự luật truyền thông và giao thông trước ngày 10/4.
Theo luật pháp Hy Lạp, sau khi quốc hội giải tán 25-30 ngày, các cuộc bầu cử có thể được tiến hành.
Thời gian tiến hành bầu cử được đẩy lên sớm hơn so với dự định là vào tháng 10/2013, do tính chất nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp. Nước này đã rơi vào suy thoái kinh tế 5 thứ năm, với tỷ lệ thất nghiệp trên 20%.
Các nhà cho vay yêu cầu rằng, bất kể ai là người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới cũng sẽ phải tiếp tục tiến trình cải cách kinh tế để Athens có thể nhận được các khoản vay mới.
Tuy nhiên, vấn đề là hai chính đảng có thể không có đủ số ghế trong quốc hội để thành lập liên minh, điều sẽ đặt kế hoạch khắc khổ vào rủi ro.
Trong khi đó, các nước khác trong khu vực đồng euro (Eurozone), đặc biệt là các nước ở phía Bắc mà dẫn đầu là Đức, nghi ngờ rằng các nhà lãnh đạo Hy Lạp sẽ thực thi các biện pháp cắt giảm chi tiêu và cải cách sau cuộc bầu cử.
Tại Ireland, một cuộc trưng cầu dân ý về hiệp ước tài chính mới của châu Âu sẽ được tiến hành vào ngày 31/5.
Cuộc trưng cầu này sẽ được các đối tác châu Âu theo dõi sát sao, bởi nước này từng bỏ phiếu chống đối với hai hiệp ước quan trọng là Hiệp ước Lisbon và Hiệp ước Nice trước khi thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý lần hai.
Tuy nhiên, theo một cuộc thăm dò dư luận vài ngày trước, 49% số cử tri bỏ phiếu thuận, 33% bỏ phiếu chống và 18% không bỏ phiếu đối với hiệp ước mới.
Hiệp ước này được soạn thảo trong bối cảnh khủng hoảng nợ công đã làm chấn động liên minh tiền tệ châu Âu, nhằm buộc các nước đưa vào luật quốc gia "quy tắc vàng" về cân đối ngân sách hoặc sẽ bị trừng phạt tự động.
25 trong số 27 quốc gia thành viên EU, trừ Anh và Cộng hòa Séc, đã ký hiệp ước này./.