Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 03 tháng 02 năm 2012
1.Tình hình hoạt động:
Vốn thực hiện:
Trong tháng 1 đầu năm 2012, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 400 triệu USD, vốn giải ngân bằng 95% với cùng kỳ năm 2011.
Tình hình xuất, nhập khẩu:
Xuất khẩu của khu vực ĐTNN (kể cả dầu khí) trong tháng 1 năm 2012 dự kiến đạt 4,2 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2011 và chiếm 65% kim ngạch xuất khẩu. Nhập khẩu của khu vực ĐTNN tháng 1 năm 2012 đạt 3,5 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2011 và chiếm 53% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung tháng 1 năm 2012, khu vực ĐTNN xuất siêu 730 triệu USD.
2. Tình hình cấp GCNĐT:
Theo các báo cáo nhận được, tính đến ngày 20 tháng 1 năm 2012 cả nước có 25 dự án mới được cấp GCNĐT với tổng vốn đăng ký 29,5 triệu USD, chỉ bằng 2% so với cùng kỳ năm 2011. Đến 20 tháng 1 năm 2012, có 5 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm gần 7,8 triệu USD, bằng 3% so với cùng kỳ năm 2011.
Trong tháng 1, các dự án FDI được cấp với quy mô vốn nhỏ, trung bình 1,2 triệu USD 1 dự án, so với cùng kỳ năm 2011, quy mô vốn bình quân cho một dự án đạt 16,6 triệu USD. Không có dự án nào được cấp phép với tổng mức vốn hàng trăm triệu USD như cùng kỳ năm 2011 dẫn đến tổng vốn đầu tư tháng 1 năm 2012 giảm mạnh. Tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong tháng 1 năm 2012, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 37,28 triệu USD, bằng 3% so với cùng kỳ 2011.
Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo nhanh của một số địa phương, tháng 1 nghỉ tết dài có ảnh hưởng nhất định đến kết quả thu hút FDI; trong tháng 2 tình hình thu hút FDI sẽ có dấu hiệu tích cực hơn. Cụ thể, ngày 01/2/2012 tỉnh Hải Phòng đã cấp phép dự án nhà máy sản xuất lốp xe của Bridgestone với quy mô vốn đầu tư lên tới trên 570 triệu USD. Trong tháng 2, một số dự án với quy mô vốn lớn dự kiến được cấp phép như dự án sản xuất thiết bị y tế trong khu VSIP Hải Phòng của nhà đầu tư Nhật Bản với tổng vốn đầu tư trên 200 triệu; dự án sản xuất sản phẩm kim loại tổng vốn đầu tư 25 triệu USD; dự án Trung tâm mua sắm AEON trong KCN Bình Dương với tổng vốn đầu tư 95 triệu; Dự án Trung tâm thương mại tổng hợp trong KĐT thương mại dịch vụ The Season Bình Dương do Công ty Lotte Việt Nam đầu tư với quy mô vốn 31 triệu USD...
Theo lĩnh vực đầu tư:
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 14 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 27,14 triệu USD, chiếm 72,8% tổng vốn đầu tư đăng ký trong tháng 1. Lĩnh vực xây dựng đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 8,35 triệu USD, chiếm gần 22,4% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn bán lẻ với 2 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 800 nghìn USD.
Theo đối tác đầu tư:
Tháng 1 năm 2012 có 11 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 15,17 triệu USD, chiếm 40,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Pháp đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 10,02 triệu USD, chiếm 26,9% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,43 triệu USD, chiếm 14,6% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là Singapore đứng ở vị trí thứ 4 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,4 triệu USD.
Theo địa bàn đầu tư:
Trong tháng 1 năm 2012 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 12 tỉnh thành phố, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất với 13,02 triệu USD vốn đăng ký mới và tăng thêm chiếm 34,9% tổng vốn đầu tư. Hà Nội đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 9,27 triệu USD, chiếm 24,9%. Thanh Hoá đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 3,5 triệu USD.
Xét theo vùng thì Đồng bằng sông Hồng là vùng thu hút được nhiều vốn ĐTNN nhất với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt trên 18,05 triệu USD, chiếm 48,4% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước. Đứng thứ 2 là vùng Đông Nam Bộ với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 14,1 triệu USD, chiếm 37,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tây Nguyên là vùng chưa thu hút được FDI trong tháng 1 năm 2012./.
File đính kèm: Bao cao FDI 01-2012GOC.pdf
Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư